Thứ 6, 15/11/2024, 08:50[GMT+7]

Bỏ lúa nhưng không bỏ ruộng

Thứ 4, 23/02/2022 | 08:50:36
8,086 lượt xem
Được tận mắt ngắm vườn hoa cúc trải rộng, đủ màu đang khoe sắc và những luống đỗ, su su, thanh long... sai trĩu quả nằm ngay cạnh con đường liên xã, khó ai có thể hình dung được trước đây nơi này là những mảnh ruộng cấy lúa kém hiệu quả. Chủ nhân của mảnh vườn đầy hoa thơm, quả ngọt đó là ông Mai Trọng Kê, thôn Duyên Phú, xã Phú Lương (Đông Hưng).

Ông Mai Trọng Kê, xã Phú Lương (Đông Hưng) thành công khi bỏ lúa trồng hoa cúc.

Vì ruộng gần đường to, cạnh sông thường bị sâu, chuột phá hoại, lại trũng cứ mưa là ngập, vợ chồng ông Kê có làm mà “ít được ăn”. Cần mẫn sớm tối với cây lúa hàng chục năm nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được bởi năng suất thấp, mất mùa. Năm 2016, ông Kê quyết định bỏ lúa, đôn ruộng thành vườn trồng hoa, rau màu các loại. Sau vài vụ thắng lợi, ông có thêm quyết định táo bạo đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu liền mảnh, quy thành vùng rộng lớn cải tạo trồng cây. Đến nay, diện tích chuyển đổi của ông đã được mở rộng thành 1,2 mẫu, trong đó gần 3 sào ông chuyên canh 4 vụ hoa cúc/năm phục vụ thị trường trong và ngoài huyện. Diện tích còn lại ông quay vòng các loại cây, rau, quả mang lại giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như: hòe, thanh long, đỗ, su su, bí đỏ, quất... 

Ông Kê cho biết: Để hoa cúc nở đúng dịp Thanh minh, tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy và tết Nguyên đán, tôi tìm mua giống hoa tốt, chất lượng cao ở những vùng trồng hoa nổi tiếng của tỉnh Nam Định và làng hoa Bách Thuận (Vũ Thư) đưa về trồng. Sau trồng phải che lưới, tưới bằng phân NPK và phải thắp điện suốt 2 tháng liền, theo dõi thời tiết để điều chỉnh thời gian trồng, chăm sóc phù hợp. Với kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, vườn cúc của gia đình ông Kê luôn cho bông to, màu đẹp, nở đúng dịp, do đó khách buôn thường đến tận vườn mua, giá cao hơn một số nhà vườn khác. Mỗi năm, hoa cúc đem đến nguồn thu trên 100 triệu đồng cho gia đình ông Kê. 

Trên mảnh vườn bên dòng sông, ông Kê còn trồng hàng trăm gốc hòe - loại cây dược liệu trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm. Ban đầu ông mua vài chục cây hòe giống đã được ghép về trồng. Sau đó ông tự mày mò, nghiên cứu, cắt ghép một số cành từ cây có chùm hoa to, nhiều nụ ghép sang cây nhỏ trồng từ hạt rồi nhân ra khắp vườn. Khi cây cao 1,2 - 1,5m, ông tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhiều nhánh, chăm bón theo hướng dẫn để cây sinh trưởng, phát triển tốt, có tán rộng, khi cây ra hoa sẽ dễ hái. 

Theo ông Kê, trồng hòe rất nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí thấp. Năm 2021, ông thu được 50 triệu đồng từ bán hoa hòe khô. Để không bỏ phí một tấc đất nào, dưới gốc mỗi cây hòe, ông trồng thêm bí đỏ, hành, các loại rau thơm... tăng thu nhập cho gia đình. 

Cũng trên mảnh vườn đó, ông Kê còn trồng su su vừa bán ngọn vừa bán quả, trồng đỗ, cà chua, mồng tơi, thanh long... Được trồng, chăm sóc bằng bàn tay của người nông dân cần mẫn, ham học hỏi, cây trong vườn của ông lúc nào cũng xanh tốt, sai quả. Vẫn là mảnh ruộng xưa ông sớm tối cấy cày nhưng nay thay vào những bông lúa uốn cong là màu vàng của hoa cúc, màu xanh của giàn su su, dàn đỗ trĩu quả, màu đỏ của những quả thanh long căng mọng treo mình trên trụ bê tông... Với tổng thu nhập từ kinh tế vườn trên 200 triệu đồng/năm, theo ông Kê giá trị kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa và quan trọng nhất là giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã Phú Lương khẳng định: Ông Kê là người dám nghĩ dám làm, người tiên phong và thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động các xã viên khác học hỏi, làm theo để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. 

Mô hình chuyển đổi từ 2 vụ lúa/năm sang sản xuất 4 vụ/năm bằng các cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao của ông Mai Trọng Kê đã khẳng định chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh là đúng, trúng. Ông Kê dự định mở rộng mô hình, đầu tư phát triển kinh tế vườn bài bản hơn, mong cấp ủy, chính quyền tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để ông tiếp tục hành trình “biến đất thành vàng”.

Ông Mai Trọng Kê tận dụng đất dưới tán cây cao trồng rau để tăng thu nhập cho gia đình.

Thu Hiền