Thứ 6, 15/11/2024, 08:53[GMT+7]

Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022) Thắp sáng truyền thống miền quê “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”

Thứ 5, 17/03/2022 | 06:50:37
2,881 lượt xem
Tháng 3 này, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình hướng về kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 - 21/3/2022). Trong dòng chảy lịch sử hào hùng ấy, Đảng bộ tỉnh Thái Bình tự hào đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu, hy sinh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Chưa bao giờ Thái Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển như hôm nay, thế và lực của tỉnh được khẳng định rõ nét.

Quê hương Thái Bình đổi mới và phát triển.

Giàu truyền thống yêu nước, cách mạng 

Thái Bình là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Tinh thần thượng võ, quật khởi chống ngoại xâm và áp bức cường quyền đã thấm sâu vào máu thịt, tâm can của các thế hệ cư dân nơi đầu sóng ngọn gió này. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, khi cả dân tộc Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ, những thanh niên yêu nước của quê hương Thái Bình đã lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để truyền bá vào Thái Bình. Đến cuối tháng 6/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (tiền thân của Đảng bộ Thái Bình) ra đời, là một trong những tỉnh thành lập tổ chức đảng sớm nhất trong cả nước. Ngay sau đó Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng sớm nhất cả nước, điển hình là hai cuộc biểu tình “long trời lở đất” của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (ngày 1/5/1930) và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải (ngày 14/10/1930). Thái Bình được Trung ương đánh giá là tỉnh có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Trải qua 15 năm sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã luyện tôi trong gian khó, hy sinh, “nếm mật nằm gai”, bền gan vững chí, một lòng sắt son với Đảng để sớm giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, người Thái Bình vừa xả thân ở những trận chiến khốc liệt để giải phóng quê hương vừa dốc cạn sức người, sức của chi viện cho các mặt trận. Đi trọn chặng đường 20 năm đánh Mỹ, Thái Bình luôn thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Lớp lớp con em Thái Bình ra trận với tinh thần “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”. Người ở lại hậu phương tay cày tay súng làm nên “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hàng chục vạn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, người phục vụ kháng chiến đã hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu để giang sơn thu về một mối. Trong mỗi thời khắc lịch sử, trong mọi chiến công của quân và dân cả nước đều có xương máu và đóng góp của những người con Thái Bình. Những hy sinh và công lao to lớn đó của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã góp phần “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. 

Quyết tâm đổi mới 

Trên hành trình 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Thái Bình tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 20 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Những năm gần đây, “Quê hương năm tấn” có sự đổi thay diệu kỳ khi năng suất lúa đã vượt ngưỡng 13 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 1 triệu tấn/năm, nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều diện tích cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành năm 2019 cùng với kỳ tích 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đã làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông thôn Thái Bình theo hướng văn minh, hiện đại, tạo đà để tỉnh tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cùng với đó, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư đồng bộ với các cây cầu, tuyến đường bộ ven biển và một số công trình giao thông lớn được đầu tư xây dựng giúp Thái Bình phá thế ốc đảo, kết nối với các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ, trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, điểm thu hút đầu tư hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ lớn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ với một tâm thế mới, khát vọng mới, quyết tâm bứt phá vươn lên. Toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Thay đổi tư duy, đổi mới trong cách làm, cấp ủy tỉnh đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ vậy, năm 2021 kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,68%; thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch năm; nền nông nghiệp tiếp tục đạt năng suất, chất lượng cao và hướng mạnh sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%, đứng thứ hai toàn quốc. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 17% so với năm 2020. Thái Bình đã thu hút được 4 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 540 triệu USD vào khu công nghiệp Liên Hà Thái - khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài, mở ra một giai đoạn mới, tạo đà để Thái Bình bắt nhịp với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Song hành với phát triển kinh tế, cấp ủy tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người và gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được bảo đảm. Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thái Bình trong tiến trình đổi mới, hội nhập đã và đang thắp sáng thêm truyền thống của miền quê “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”.

Ông Nguyễn Văn Tích, 92 tuổi, 71 năm tuổi đảng, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương

Thái Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng. Tôi tự hào là người dân Thái Bình và càng tự hào hơn khi 21 tuổi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trọn một đời đi theo Đảng, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, tôi thấy Thái Bình phát triển văn minh, giàu đẹp như ngày nay là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh. Trong thời kỳ mới, cấp ủy tỉnh luôn năng động, sáng tạo, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đúng, trúng, hợp lòng dân. Điển hình là nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội và các tầng lớp nhân dân, huy động được mọi lực lượng, mọi nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Dương Đình Đường, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy 

Tôi đánh giá rất cao mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Trong thời gian chưa đầy 1 năm, khu công nghiệp Liên Hà Thái trong Khu kinh tế đã được đầu tư xây dựng trên quê hương chúng tôi, đưa Thụy Liên từ miền quê thuần nông trở thành khu vực có tiềm năng phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh. Nhân dân rất tin tưởng, phấn khởi nên đã tự nguyện bàn giao khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp của xã phục vụ xây dựng khu công nghiệp với mong muốn sau này con cháu sẽ được hưởng lợi, có cuộc sống ấm no, quê hương sẽ ngày càng phát triển.

Mạnh Cường