Thứ 5, 14/11/2024, 10:58[GMT+7]

Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022) Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Thái Bình

Thứ 6, 18/03/2022 | 08:20:28
6,519 lượt xem
Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đào tạo, tôi rèn bao thế hệ anh hùng, dũng sĩ, trí thức..., dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trong thành quả ấy, Thái Bình có đóng góp không nhỏ với lớp lớp nhân tài. Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, các thế hệ học sinh toàn tỉnh đã và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Trường THPT Chuyên Thái Bình - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng đất hiếu học

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, hiếu học đã trở thành truyền thống quý báu, có sức lan tỏa rộng khắp và là giá trị đạo đức cao quý của người Việt. Từ bao đời nay, truyền thống hiếu học đã thấm đẫm trong nhận thức của người Việt Nam, trở thành nét đẹp văn hóa, hàm ý tôn vinh, khẳng định sức mạnh to lớn của tri thức, trí tuệ và khơi dậy, bồi đắp nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh (Kiến Xương), Thái Bình là nơi hội tụ các luồng cư dân đa cực về đây cho nên mới mang những sắc thái văn hóa của các vùng miền và được “Thái Bình hóa”. Theo nhiều tài liệu lưu trữ, người Thái Bình được sinh ra từ miền đất giàu bản lĩnh, ý chí, trưởng thành, lại đắm mình trong môi trường văn hóa lành mạnh, tiếp thu có sáng tạo truyền thống của ông cha, qua nhiều thế hệ họ đã trau dồi hiểu biết, hòa nhập và vươn tới đỉnh cao của tri thức đương thời. Vì vậy, Thái Bình đã trở thành vùng đất văn hiến, hiếu học, khoa bảng nổi trội, thời nào cũng có nhân tài, người đỗ đại khoa. Trải qua gần 1.000 năm Nho học, cả nước có gần 3.000 trí thức, đại khoa, trong đó Thái Bình có hơn 120 vị. Nếu kể từ Đặng Nghiêm người làng An Để nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư đỗ đại khoa sớm nhất tỉnh Thái Bình vào năm 1185 đến Trịnh Hữu Thăng, người làng Bách Tính, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư đỗ khoa cuối cùng vào năm 1919 thì truyền thống học hành, khoa cử của Thái Bình trải gần nghìn năm liên tục.

Thời Pháp thuộc, những năm đầu của thế kỷ XX, do sự chuyển đổi từ nền giáo dục “Hán học” sang nền giáo dục “tân học”, những người yêu nước, những nho sĩ, quan lại đã từ quan về quê mở trường dạy học. Ở nhiều nơi trong tỉnh, phong trào học chữ quốc ngữ nở rộ. Từ đó xuất hiện một đội ngũ trí thức mới và là lực lượng chính tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ trở thành những nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ, đảng viên cộng sản gieo hạt giống cách mạng, tiêu biểu như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi chống nạn thất học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào bình dân học vụ ra đời và phát triển nhanh chóng, rộng khắp. Ở các thôn xóm của Thái Bình có hàng chục vạn người đủ mọi tầng lớp theo học. Sáng, chiều lao động sản xuất thì tranh thủ học trưa, học tối... Rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập ở Thái Bình giai đoạn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi như cụ Nguyễn Văn Đản ở Hưng Hà, cô giáo Phạm Thị Phương ở Tiền Hải... Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giáo dục Thái Bình có các địa chỉ rất đáng tự hào với cả nước như: xã Thăng Long, huyện Đông Hưng về giáo dục đạo đức cho học sinh; xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy thực hiện tốt phong trào vở sạch chữ đẹp; xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương với phong trào thể dục vệ sinh...

Vun đắp sự nghiệp “trồng người”

Niềm tự hào sâu sắc về lớp lớp nhân tài đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng khơi nguồn, dẫn mạch sự học ở Thái Bình. Phát huy truyền thống ấy, ngày nay Thái Bình là địa phương có phong trào học tập phát triển mạnh mẽ. Học sinh Thái Bình vẫn giữ vững truyền thống hiếu học, học giỏi. Đặc biệt, trong những năm qua, bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Đảng và của tỉnh, ngành giáo dục đã vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng lên, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo thống kê, từ năm 1988 đến nay toàn tỉnh có hàng nghìn học sinh đạt giải quốc gia, nhiều học sinh đạt giải quốc tế như em Trần Hồng Quân (Huy chương vàng môn Toán quốc tế), em Tô Huy Quỳnh (Huy chương bạc môn Toán quốc tế), em Trần Ngọc Tân (Huy chương bạc môn Hóa quốc tế)... Đặc biệt, em Vũ Xuân Trung 2 lần đạt Huy chương vàng môn Toán quốc tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của Thái Bình luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Chất lượng phổ cập giáo dục từng bước được nâng lên, công tác xã hội hóa giáo dục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hàng năm ngành giáo dục còn ghi nhận và biểu dương nhiều học sinh có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những dự án của các em có đóng góp quan trọng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Luôn đồng hành, sát cánh với ngành giáo dục, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là nguồn động viên to lớn cho người lớn và trẻ nhỏ cùng học tập, gặt hái được nhiều thành công. 

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 672 hội cơ sở; 3.310 chi hội, 6.158 ban khuyến học và gần 644.000 hội viên, chiếm 34,1% dân số. Kết quả xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, công dân học tập cao hơn năm trước. Công tác xây dựng quỹ khuyến học các cấp nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng tháng khuyến học năm 2021, toàn tỉnh đã trao số tiền trên 16,5 tỷ đồng để tặng học sinh giỏi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt, trong đó khen thưởng 130.776 học sinh giỏi, hỗ trợ học bổng cho 13.400 học sinh nghèo vượt khó... Có thể thấy, phong trào khuyến học, khuyến tài đã bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, ăn sâu bám rễ vào đời sống nhân dân, góp phần vun đắp, chăm lo sự nghiệp “trồng người”.

Hiện nay, Thái Bình đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khát vọng lớn lao. Những thách thức và cơ hội to lớn phía trước đòi hỏi chúng ta phải phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của quê hương. Mỗi học sinh, sinh viên, từng gia đình, dòng họ, cộng đồng và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Đặng Anh