Chủ nhật, 24/11/2024, 03:49[GMT+7]

Thu tiền tỷ từ nghề ươm cây giống

Thứ 2, 04/04/2022 | 21:16:53
8,520 lượt xem
Để kinh tế gia đình khá giả như hiện nay, chị Đỗ Thị Hường, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Song với sự chăm chỉ và ý chí không ngại khó vươn lên, chị đã từng bước chắt lọc kinh nghiệm để làm giàu bằng mô hình ươm cây giống với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình ươm cây giống của chị Đỗ Thị Hường, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) là một trong những điển hình cần nhân rộng ở địa phương.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng chị Hường là một trong những người hưởng ứng đầu tiên của xã. Lúc đầu vợ chồng chị đầu tư xây dựng hơn 200m2 chuồng nuôi lợn khép kín nhưng vì chưa có kinh nghiệm và do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả nên bị thua lỗ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng với ý chí vượt lên khó khăn, quyết tâm làm giàu, anh chị tiếp tục đi nhiều nơi học hỏi xem trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với gia đình. Qua tìm hiểu, nhận thấy nghề ươm cây giống hồng xiêm xoài phù hợp với đồng đất và thổ nhưỡng địa phương nên năm 2017 vợ chồng chị tập trung đầu tư vốn vào ươm giống loại cây này. Năm đầu tiên, chị Hường làm gần 4 sào. Sau hơn một năm chăm sóc, tỉa ghép, chị xuất bán được hơn 10.000 cây giống, thu về hơn 100 triệu đồng. Thấy nhu cầu thị trường về cây hồng xiêm giống tăng cao, chị tiếp tục thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích lên hơn 3ha. Hiện nay chị trồng 10 vạn cây hồng xiêm giống, 1 vạn cây bưởi Đoan Hùng và hàng nghìn cây nhài nhật, mẫu đơn... 

Chị Hường chia sẻ: Hồng xiêm xoài là giống cây mới, do vậy để đạt hiệu quả trong việc ươm giống tôi đã phải tìm mua đất ở nhiều nơi về xay nhỏ và dùng chế phẩm sinh học nhằm tạo nguồn dinh dưỡng cho cây giống phát triển. Sau khi mua hạt về, cho vào bầu, chăm sóc khoảng 7 tháng là có thể ghép được. Mắt ghép được lấy từ những cây hồng xiêm xoài bố mẹ đang trồng trong vườn. Việc chăm sóc cây hồng xiêm giống cũng rất đơn giản. Chỉ tưới nước hàng ngày và bón phân theo định kỳ cho cây hồng xiêm giống phát triển. Đồng thời, thu gom rơm rạ sau mỗi vụ lúa để phủ lên gốc vừa hạn chế cỏ mọc vừa giữ được độ ẩm cho đất. Trong 3 - 4 tháng sau khi ghép là bắt đầu xuất bán. Bên cạnh đó, tôi tận dụng đất ươm trồng xen kẽ nhiều loại cây giống khác để tăng thêm thu nhập. 

Mở rộng vườn ươm đồng nghĩa với việc số lượng cây giống tăng gấp nhiều lần so với trước. Thế nhưng chị Hường không hề lo về đầu ra. Nhiều năm nay, ngoài những khách hàng quen thuộc, chị có thêm những khách hàng mới từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang Facebook, Zalo, thường xuyên đăng tải thông tin về hoạt động sản xuất của gia đình để khách hàng biết và thuận lợi liên hệ. 

Trung bình mỗi năm vườn ươm của gia đình chị Hường cung cấp ra thị trường 10 vạn cây giống hồng xiêm, bán với giá 15.000 đồng/cây và 10.000 đồng/cây bưởi, 100.000 đồng/cây mẫu đơn, 200.000 - 500.000 đồng/ cây nhài nhật... Năm 2021, trừ chi phí gia đình chị thu lãi gần 1 tỷ đồng. Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chị đã xuất bán 2 vạn cây giống hồng xiêm, 5.000 cây bưởi, 1 vạn cây mẫu đơn, thu lãi trên 300 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. 

Chị Vũ Thị Liên, thôn Vân Đài cho biết: Tôi làm việc cho chị Hường được gần 5 năm, công việc ươm cây hồng xiêm giống đòi hỏi rất tỉ mỉ và cẩn thận, vì thế chị Hường thường xuyên hướng dẫn chúng tôi từ cách ghép cây giống đến giai đoạn bón phân... Tôi thấy công việc phù hợp với phụ nữ, chúng tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình, làm đồng áng vừa có thu thập ổn định. 

Hiện nay, ngoài việc chú trọng kỹ thuật ươm, ghép cho cây giống chất lượng, chị Hường mong muốn tiếp tục đầu tư mở rộng vườn ươm cây với các loại cây giống đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình chị Hường rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, góp phần hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 

Chị Vũ Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chí Hòa khẳng định: Chúng tôi rất khâm phục ý chí tự lực, tự cường của chị Hường. Nhờ có chị Hường mà nhiều chị em có việc làm ổn định. Chúng tôi đánh giá rất cao về hiệu quả mô hình và mong muốn nhiều chị em trong xã học tập và làm theo. Đây cũng là mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn xã để từng bước thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/ TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thanh Thủy