Thứ 6, 15/11/2024, 08:46[GMT+7]

Chị Vinh “nấm”

Thứ 4, 06/04/2022 | 08:25:07
8,326 lượt xem

Mô hình trồng nấm, mộc nhĩ cho hiệu quả kinh tế cao của chị Phạm Thị Vinh, xã Hà Giang (Đông Hưng).

Tìm cây trồng phù hợp để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho gia đình là điều trăn trở của nhiều nông dân hiện nay. Tại thôn Lương Đống, xã Hà Giang (Đông Hưng), chị Phạm Thị Vinh đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm, mộc nhĩ trên diện tích 4.000m2. Tuy mới triển khai vài năm nhưng mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, khẳng định lựa chọn của chị Vinh là đúng, trúng.

Khi mới lập gia đình cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị Vinh phải ly hương vào miền Nam để kiếm việc làm. Mấy chục năm nơi xứ người, trải qua nhiều nghề, vất vả, khó nhọc mà kinh tế gia đình vẫn không mấy dư giả, nỗi nhớ quê hương ngày một lớn. Vì vậy, vợ chồng chị quyết định trở về quê lập nghiệp bằng chính nghề trồng nấm, mộc nhĩ đã có nhiều kinh nghiệm khi làm thuê trong Nam. 

Chị Vinh chia sẻ: Sau khi tham quan nhiều mô hình trồng nấm, mộc nhĩ thành công, thấy địa phương chưa có gia đình nào trồng nấm, mộc nhĩ mà nhu cầu nấm, mộc nhĩ thương phẩm của thị trường cao, sẵn có kiến thức tích lũy khi trực tiếp tham gia trồng nấm, mộc nhĩ ở trong Nam, tôi bàn với chồng dùng tiền tích lũy và mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm, mộc nhĩ. Nấm, mộc nhĩ thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao, tuy nhiên phải nắm chắc kiến thức, kỹ thuật trồng. Đối với mỗi loại nấm, mộc nhĩ sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là ủ nguồn nguyên liệu, lúc này phải chọn nguyên liệu kỹ càng, sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, nấm, mộc nhĩ là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh... nên nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Bên cạnh đó, tôi tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất bịch phôi có sẵn tại địa phương để giảm chi phí; mua sắm thêm máy móc hiện đại như: nồi hấp bịch, nồi làm giống, hệ thống phun sương tưới mưa... xây dựng quy trình khép kín để tạo ra sản phẩm nấm, mộc nhĩ an toàn. 

Đến nay, gia đình chị Vinh đã đầu tư gần 2 tỷ đồng vào trang trại nấm, mộc nhĩ. Trang trại có khu sản xuất nấm, mộc nhĩ rộng 1.500m2, khu treo nấm, mộc nhĩ rộng 2.500m2

Chị Vinh luôn chia số lượng phôi phù hợp, thành từng khu riêng nhằm tập trung chăm sóc tốt nhất cho từng đợt treo và thuận lợi cho thu hoạch nấm, mộc nhĩ. Mỗi lần gia đình chị thu hoạch được khoảng trên 1 tạ nấm tươi, giá bán từ  25.000 - 30.000 đồng/kg và thu 3,5 tấn mộc nhĩ khô/năm, giá bán 170.000 đồng/kg. Trừ chi phí, chị Vinh thu lãi từ mô hình trồng nấm, mộc nhĩ 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. 

Bà Lê Thị Lý, thôn Lương Đống, xã Hà Giang cho biết: Đã hết tuổi vào công ty, xí nghiệp làm, được nhận vào làm tại trang trại nấm của cô Vinh tôi rất mừng. Ở đây công việc nhẹ nhàng, kỹ thuật đóng bịch phôi, hái nấm... không quá cầu kỳ, học vài lần là làm được, phù hợp với sức khỏe, tuổi tác của chúng tôi. Mỗi tháng tôi được trả công trên 3 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Huê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hà Giang cho biết: Chị Phạm Thị Vinh là hội viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên đưa nghề trồng nấm, mộc nhĩ về địa phương, không chỉ làm giàu cho gia đình còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác. Dù bận mải với công việc phát triển kinh tế nhưng chị Vinh vẫn tích cực tham gia sinh hoạt hội, hưởng ứng các phong trào thi đua do hội và địa phương phát động. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong hội viên, phụ nữ, đồng thời tín chấp để chị em vay vốn triển khai, góp phần xây dựng gia đình no ấm.

Trồng nấm không chỉ giúp chị Phạm Thị Vinh làm giàu mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Thu Hiền