Thứ 6, 15/11/2024, 08:41[GMT+7]

Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình: Trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

Thứ 6, 15/04/2022 | 08:52:44
6,247 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã tiễn hàng chục vạn thanh niên lên đường ra trận, trong đó có hàng vạn người làm nhiệm vụ lái xe, phục vụ xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Không quản mưa bom bão đạn, họ ngày đêm bám đường, bám xe, vận chuyển kịp thời vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm chi viện cho mặt trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình thăm Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên.

Vì nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng khi Tổ quốc cần, có những người lính lái xe Trường Sơn mãi mãi không được trở về quê mẹ. Máu xương của họ đã hòa vào từng tấc đất, từng cánh rừng Trường Sơn huyền thoại. Những người may mắn trở về quê hương, dù còn mang trong mình những vết thương chiến tranh, chịu nhiều đau đớn, giày vò của chất độc da cam nhưng vẫn lạc quan, vẫn vượt lên nỗi đau để lập nghiệp. Về với cuộc sống đời thường, những người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, hàng năm vẫn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, quyên góp, giúp đỡ vật chất cho những đồng đội hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ nhất năm 2016, Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động, không chỉ thấm đẫm nghĩa tình đồng đội mà còn góp phần tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hội thực sự trở thành địa chỉ để những người đồng chí, đồng đội từng kề vai sát cánh trong phần đời tuổi trẻ có cơ hội gặp gỡ, ôn lại một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là “mái nhà chung” tiếp thêm sức mạnh cho những người lính năm xưa vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình có gần 800 hội viên, trong đó gần 300 hội viên là nạn nhân chất độc da cam và thương binh, sinh hoạt tại 8 chi hội huyện, thành phố và 23 chi hội cụm xã. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, công tác giữ gìn và phát huy truyền thống luôn là nhiệm vụ chủ chốt của Hội. Bám sát tình hình của từng chi hội để động viên và tuyên truyền đến từng hội viên, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội luôn quán triệt, thực hiện tốt nghị quyết, phương hướng hoạt động đã đề ra; phát huy tốt truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, thực hiện tốt hoạt động nghĩa tình đồng đội bằng việc làm cụ thể, quy tập 7 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà.

Trong hoạt động tình nghĩa đồng đội, Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau cả về tinh thần lẫn vật chất để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù chưa thu hội phí mà chỉ đóng góp quỹ tình nghĩa nhưng Hội đã tổ chức thăm viếng, tặng quà, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai với tổng số tiền trên 80 triệu đồng. Đặc biệt, Hội đã vận động các hội viên là doanh nhân ở trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây nhà tình nghĩa, tặng quà và tặng sổ tiết kiệm cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Rời quân ngũ, những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần chiến đấu dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về Trường Sơn, về đường Hồ Chí Minh...

Cựu chiến binh Trịnh Hải Lưu, Chủ tịch Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình
Thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với lòng nhiệt tình, Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động thể hiện nghĩa tình đồng đội. Mong rằng các hội viên tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn, tỏa sáng trong đời thường, xứng đáng hơn nữa với hào khí anh hùng của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm xưa. Xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất. Cùng với đó, chăm lo chu đáo mọi chế độ, chính sách có liên quan đến hội viên và làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội. Tích cực vận động sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp và các đồng đội có điều kiện giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất để duy trì hoạt động hội.
Cựu chiến binh Phạm Văn Ban, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình
Ký ức hào hùng những ngày binh lửa tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn mãi là biểu tượng cho khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam. Trên đường Trường Sơn, không ai đếm xuể khó khăn chồng chất. Sự sống và cái chết rất mong manh. Thế nhưng, niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm đã giúp những người lính vượt lên tất cả. Nhờ đó mà dù đã nghỉ hưu hơn 30 năm nhưng tôi luôn giữ mãi nhiệt huyết của những năm tháng gian nan nhưng hào hùng đó. Tôi tích cực tham gia công tác tại địa phương với nhiều vị trí công tác tại tổ dân phố cũng như phường Đề Thám. Đồng thời, luôn đồng hành cùng Hội lái xe Trường Sơn tỉnh Thái Bình trong các hoạt động nghĩa tình đồng đội, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng
Trở về quê hương sau 2 lần tham gia chiến đấu, mang trên mình thương tật 62% nhưng ý chí của người lính Cụ Hồ vẫn thôi thúc tôi phải tiếp tục vươn lên để chiến thắng bệnh tật. Với kinh nghiệm lái xe sau bao năm ở chiến trường, tôi mạnh dạn đầu tư mua 1 chiếc ô tô để vận chuyển hàng hóa. Sau đó thành lập Hợp tác xã Vận tải thủy bộ thương binh Đông Hưng (hiện nay là Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng) với 20 hội viên đều là thương binh. Đến nay, Xí nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội như hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bản, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình
Là người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường khốc liệt, tôi thực sự may mắn khi được trở về, được sống trong hòa bình. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại nơi chiến trường; có nhiều người trở về thân thể không còn nguyên vẹn; cuộc sống của nhiều người vô cùng khó khăn. Tôi luôn tâm niệm làm sao để đóng góp nhiều cho xã hội, cho sự phát triển đi lên của quê hương. Vì vậy, trong quá trình hội nhập kinh tế, tôi đã thành lập công ty và tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương là bộ đội phục viên và con em gia đình chính sách. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương và của Hội; luôn hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, được UBND thành phố Thái Bình tặng nhiều giấy khen vì có thành tích chấp hành tốt chính sách thuế và các hoạt động xã hội, từ thiện.

Cựu chiến binh Đỗ Thị Nhung, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình
Khi vừa tròn 18 tuổi, tôi đã đăng ký đi bộ đội và vào chiến trường miền Nam với nhiệm vụ chính là chiến sĩ nuôi quân, rong ruổi theo xe phục vụ chiến trường. Đường Trường Sơn ngày ấy chỉ là một con đường mòn đủ cho một xe chạy, lầy lội, khúc khuỷu và dày đặc những hố bom, máy bay địch có thể ném bom bất cứ lúc nào. Nguy hiểm luôn cận kề nhưng chúng tôi luôn cống hiến hết mình, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trở về địa phương, tuy cuộc sống còn khó khăn và sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sinh hoạt tại tổ chức hội, chúng tôi được ôn lại những kỷ niệm về một thời gian nan nhưng hào hùng và luôn cảm thấy thật tự hào vì đã đóng góp một phần công sức cho đất nước. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn trân trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

Minh Nguyệt