Chủ nhật, 24/11/2024, 03:19[GMT+7]

Một thời hào hùng

Thứ 7, 30/04/2022 | 00:04:02
8,065 lượt xem
Một tháng tư nữa lại về, những chứng nhân lịch sử ngày nào từng góp sức làm nên đại thắng 30/4/1975 của dân tộc lại quây quần bên nhau để cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Các cựu chiến binh thị trấn Hưng Hà cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những tháng năm chiến đấu.

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm nhưng với những người lính của Thái Bình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì ký ức về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Chính những câu chuyện, hồi ức của họ trong những trận chiến là minh chứng sống động, chân thực nhất về những năm tháng chiến tranh, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân. Cứ mỗi khi đến dịp 30/4, các cựu chiến binh (CCB) thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) năm xưa tham gia kháng chiến chống Mỹ lại có dịp gặp mặt, trò chuyện, ôn lại truyền thống lịch sử về những năm tháng trong chiến đấu. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ký ức về cuộc chiến với tiếng bom gầm, pháo dội vẫn không phai nhòa trong tâm trí của từng người. Chúng tôi may mắn khi được gặp những người lính đã từng làm nên ngày 30/4/1975 chấn động địa cầu để được nghe, được sống lại trong ký ức hào hùng cùng họ.

Khi ấy, chàng thanh niên Nguyễn Đình Sơn, tổ 2, thị trấn Quỳnh Côi đang là chiến sĩ quân y tại Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 cùng đồng đội tham gia các chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Để mở đường cho quân đội ta tiến vào miền Nam, CCB Nguyễn Đình Sơn cùng các đồng đội nhận được lệnh chốt chặn tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) để chặn đứng đường tiếp tế quân đội, nhu yếu phẩm, đạn dược của địch cho chiến trường Quảng Trị. CCB Nguyễn Đình Sơn cho biết: Những ngày ở huyện Hải Lăng là những ngày tôi nhớ nhất trong cuộc đời, chúng tôi được nhận nhiệm vụ chiến đấu và cắt đứt đường tiếp tế của địch. Ngoài nhiệm vụ chữa trị cho đồng đội, tôi cùng các chiến sĩ trong đơn vị cũng trực tiếp tham gia tiêu diệt lính dù, lính đặc công nước của quân địch và phá hủy các cây cầu địch nối qua sông nhằm tạo đường tiếp tế; hễ quân địch có ý định nối cầu qua sông thì đơn vị tôi lại tìm cách phá hủy. Sau khi giành được chiến thắng và giải phóng Quảng Trị, CCB Nguyễn Đình Sơn cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Tháng 11/1974, ông cùng đơn vị tiến đánh sân bay Nước Mặn. Đến tháng 4/1975, ông cùng đồng đội tiến đánh huyện Xuân Lộc, rồi tiếp tục đánh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). CCB Nguyễn Đình Sơn cho biết thêm: Quân đội ta đi tới đâu, khí thế như vũ bão. Các anh em chiến sĩ mặc dù bị thương nhưng mỗi khi nghe tin chiến thắng lại sốc lại tinh thần, tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch cuối cùng của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với tiếng gầm thét của cuộc pháo kích cấp tập từ hơn 20 tiểu đoàn pháo binh thuộc các quân đoàn 2, 3 và 4 của quân giải phóng, nã liên tục vào các căn cứ quân sự quan trọng của quân lực Việt Nam cộng hòa. Trận pháo kích kéo dài gần 1 tiếng đã làm rung chuyển nội đô Sài Gòn, pháo binh của địch phản ứng yếu ớt và nhanh chóng bị hỏa lực của quân đội ta dập tắt. Các quân đoàn tiếp tục chia làm 5 cánh quân theo các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam và hướng Đông Nam để tiến về giải phóng Sài Gòn.

CCB Đoàn Công Dân, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) chia sẻ: Tôi cùng đơn vị tiến đánh giải phóng khu vực Dầu Tiếng và thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Sau đó, chúng tôi tiếp tục hành quân dọc theo biên giới Campuchia rồi men theo hướng huyện Đức Hòa, huyện Đức Huệ của tỉnh Long An để tiến về Sài Gòn. Chúng tôi đánh về quận 6 thì nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Đơn vị chúng tôi đi đến đâu thì cờ bay phấp phới, người dân Sài Gòn từ khắp các ngả đường ùa ra đường lớn để chào đón quân giải phóng miền Nam. Trên đường đi thì quân địch cởi mũ, áo, hạ vũ khí xin hàng, quần áo, tư trang của quân địch vất la liệt ngoài đường phố, tiếng hò reo vui mừng vang vọng cả Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, đơn vị tôi nhận lệnh tiếp quản và giữ gìn trật tự trị an tại Sài Gòn.

Lịch sử thế giới còn ghi mãi thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, hình ảnh chiếc xe tăng T-59, số hiệu 390 của Trung đoàn Thiết giáp 203 húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập; lá cờ của quân giải phóng miền Nam Việt Nam được Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tung bay phấp phới trên nóc dinh Độc Lập, ghi dấu ấn kết thúc cuộc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc. Đất nước ta thu về một dải, vĩ tuyến 17 từng chia cắt đất nước thành hai miền Nam, Bắc giờ đã lùi vào quá khứ. Nhân dân Việt Nam được hưởng cuộc sống thái bình từ đây.

47 mùa xuân đi qua, những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm ấy giờ đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Những người lính Cụ Hồ như CCB Nguyễn Đình Sơn, Đoàn Công Dân vẫn luôn khắc ghi những năm tháng anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực như ủng hộ xây dựng nông thôn mới, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi gợi tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tiến Đạt

  • Từ khóa