Chủ nhật, 24/11/2024, 01:39[GMT+7]

“Đóa hoa Trường Sơn” nở trên đất lúa

Thứ 4, 18/05/2022 | 09:24:20
16,304 lượt xem
Là người lính từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, cựu chiến binh (CCB) Phạm Thị Mỵ, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) khi về với đời thường là người sống bình dị, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Là Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình, bà đã cùng tập thể các nữ chiến sĩ Trường Sơn trong tỉnh làm tốt công tác an sinh xã hội, nghĩa tình đồng đội, xứng đáng là một “đóa hoa Trường Sơn” nở trên đất lúa.

Cựu chiến binh Phạm Thị Mỵ (người bên phải) tích cực phát triển kinh tế, tham gia hoạt động tình nghĩa.

Năm 1973, nữ thanh niên Phạm Thị Mỵ giấu gia đình viết đơn lên đường nhập ngũ. Cứ ngỡ bản thân sẽ được trực tiếp cầm súng chiến đấu nên trong 3 tháng huấn luyện quân, Phạm Thị Mỵ luôn nỗ lực và là một chiến sĩ giỏi của đơn vị. Sau những ngày hành quân vất vả, Phạm Thị Mỵ cùng đồng đội nhận lệnh tại Đại đội 14, Trung đoàn 542 với nhiệm vụ là lính công binh, tham gia mở đường, bảo đảm giao thông, vượt đường 9, vượt sông Ba Lòng, mở đường tránh động Cô Tiên, đường tránh vượt dốc con Mèo, sân bay A Lưới. Những ngày mưa bom, bão đạn đã khiến người con gái quê lúa ngày nào trở nên cứng cáp hơn dáng vẻ bề ngoài. 

CCB Phạm Thị Mỵ chia sẻ: Dù có mưa bom, bão đạn hay bị thương cũng ko làm nản lòng chị em phụ nữ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Chỉ ngại nhất là những ngày trời mưa, núi rừng hiểm trở, đường đi thì bị đất lở lấp hết cả mặt đường, chị em lại có thêm ngày vất vả bởi khi ấy không có nhiều phương tiện để đào đất, đá, chủ yếu là dùng sức người và những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng... Ấy thế mà những người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé đã làm lên tên tuổi của con đường huyền thoại, vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét đường rừng hiểm trở để quân đội ta có thêm vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm tiếp tục chiến đấu, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Phạm Thị Mỵ kết hôn cùng người chiến sĩ năm xưa chung một tiền tuyến là CCB Nguyễn Hữu Bản và cùng nhau gây dựng nên Công ty TNHH Tuấn Dũng với ngành nghề chủ yếu là phân phối các sản phẩm dầu ăn, bột ngọt, mì tôm... trong toàn tỉnh. 

CCB Phạm Thị Mỵ cho biết: Thời điểm khó khăn nhất đối với gia đình tôi là năm 1995 bởi khi ấy nguồn vốn có ít, quy mô nhỏ, mới bắt đầu kinh doanh nên thị trường phân phối dầu ăn còn hạn chế, tình hình kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí quyết tâm và bản lĩnh của người lính, hai vợ chồng đã cùng nhau phát triển kinh doanh từ một cơ sở phân phối dầu ăn thành Công ty TNHH Tuấn Dũng với đa dạng mặt hàng phân phối. Hiện nay, Công ty của gia đình đang liên kết với 5 công ty lớn trong cả nước để làm tổng kho phân phối các mặt hàng. Thị phần bán lẻ không chỉ ở tỉnh Thái Bình mà mở rộng sang cả những địa phương lân cận như Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương. Công ty của gia đình hiện nay tạo việc làm cho hơn 120 lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu là đồng đội, con em hội viên CCB cần có việc làm. Sau khi trừ chi phí, doanh thu của Công ty mỗi năm đạt gần 20 tỷ đồng.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, CCB Phạm Thị Mỵ còn là người nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác hội. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Thái Bình, bằng những mối quan hệ của mình, bà đã vận động các hội viên, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh hỗ trợ sửa chữa và xây mới 49 nhà tình nghĩa, lập 26 sổ tiết kiệm tặng hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng chăn ấm cho 92 hội viên, trợ cấp cho 26 hội viên nghèo mỗi tháng 500.000 đồng cùng rất nhiều hoạt động tình nghĩa khác.

CCB Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đánh giá: CCB Phạm Thị Mỵ là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, có nhiều hoạt động đóng góp cho địa phương và tổ chức hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình, hội viên Phạm Thị Mỵ đã có nhiều đóng góp cho phong trào thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của cá nhân đồng chí Mỵ đối với công tác hội nói riêng, các phong trào, hoạt động của địa phương nói chung.

CCB Phạm Thị Mỵ trao quà cho gia đình hội viên Phạm Thị Bé, xã Phương Công, huyện Tiền Hải.

Tiến Đạt