Thứ 6, 15/11/2024, 05:34[GMT+7]

Vì đất nước, mẹ hy sinh cả cuộc đời

Thứ 2, 25/07/2022 | 09:52:44
17,340 lượt xem
Lấy chồng từ năm mười tám, đôi mươi, thời gian ở bên nhau chỉ tính bằng ngày, bằng tháng, vì độc lập, tự do của dân tộc, những người vợ, người mẹ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình động viên chồng, con lên đường cứu nước. Để rồi, khi đất nước hòa bình, những người thân yêu nhất của họ lần lượt không trở về.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái, thôn La Vân 3, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) nhớ lại những kỷ niệm về chồng và người con trai duy nhất của mình.

...hai lần khóc thầm lặng lẽ

Một ngày tháng bảy, chúng tôi về thôn La Vân 3, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) thăm mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái. Năm nay mẹ Gái đã 94 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Mẹ Gái có chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và người con trai duy nhất hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong câu chuyện với chúng tôi, mẹ luôn tự hào khi nhắc đến chồng và con trai của mình đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Mẹ kể, mẹ lấy chồng từ năm 18 tuổi, sống với nhau được một năm đến năm 1953 ông ấy (liệt sĩ Vũ Viết Đông) nhập ngũ, chiến đấu tại đơn vị trong tỉnh. Mặc dù ở gần nhưng thời gian sống bên nhau của mẹ và ông ấy chỉ tính bằng ngày. Năm 1954, trong một trận chiến đấu, ông ấy hy sinh bỏ lại mẹ và người con trai duy nhất mới tròn 6 tháng tuổi.

Mất chồng, mọi tình cảm mẹ dồn cho con trai với hy vọng sẽ là chỗ dựa sau này. Thế nhưng, khi 18 tuổi, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn đang diễn ra ác liệt, mặc cho sự khuyên can của mẹ và người thân trong gia đình, người con trai ấy xung phong lên đường ra trận với quyết tâm trả thù cho bố. 

Nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai, mẹ Gái nghẹn ngào xúc động: Thằng Châu (liệt sĩ Vũ Viết Châu) gan dạ như bố nó, năm 1968 thấy địa phương tuyển nghĩa vụ quân sự, nó đăng ký nhập ngũ, nó bảo mẹ để con đi chiến đấu trả thù cho bố. Trong một trận chiến đấu ở mặt trận phía Nam năm 1972 nó bị trúng đạn và không về với mẹ nữa...

Chia tay mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái, chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhị, thôn Trấn Tây, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Mẹ Nhị có 2 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là liệt sĩ Phạm Như Huấn và liệt sĩ Phạm Văn Thịnh. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, hình ảnh 2 người con trai luôn hằn sâu trong ký ức của mẹ. 

Mẹ Nhị tâm sự: Mẹ có 8 người con (6 trai, 2 gái) thì 4 đứa con trai đầu nhanh nhẹn, hoạt bát đều nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng 2 người con mẹ kỳ vọng nhất là Phạm Như Huấn và Phạm Văn Thịnh đều bỏ mẹ mà đi. Năm 1976, khi mới 18 tuổi Huấn nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia thì đến năm 1978 mẹ nhận được giấy báo tử của nó. 

Tiếp bước người anh trai cả, 3 người con trai của mẹ xung phong lên đường ra trận. Nỗi đau mất con trai cả chưa nguôi, 10 năm sau người con trai thứ tư của mẹ Nhị là Phạm Văn Thịnh cũng anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Chỉ tay lên tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ là Phạm Văn Thịnh, mắt mẹ ngấn lệ: Khi nó hy sinh, tính ra chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là được ra quân về với mẹ và các anh, các em nhưng nó đã ra đi mãi mãi...

Để các mẹ yên lòng

Đất nước thống nhất, chỉ riêng tỉnh Thái Bình đã có trên 52.000 liệt sĩ đồng nghĩa với hàng nghìn người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Vì hòa bình, vì độc lập của dân tộc, các mẹ đã dâng hiến cả tuổi xuân, chồng, con để rồi cả cuộc đời sống giữa gian lao nhưng chưa bao giờ các mẹ đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình. Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các mẹ, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm, chăm lo và có nhiều hoạt động phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.

Xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) có 33 mẹ Việt Nam anh hùng, hiện chỉ còn một mẹ còn sống. Những năm qua, phong trào chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng luôn được xã quan tâm. 

Đồng chí Nguyễn Huy Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thấu hiểu những hy sinh, mất mát to lớn của các mẹ, hàng năm, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng và thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các mẹ dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ. Với những mẹ có nhu cầu cải thiện nhà ở, chúng tôi tích cực kêu gọi, huy động nguồn xã hội hóa xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái, thôn La Vân 3, xã Quỳnh Hồng chia sẻ: Chồng và con trai tôi hy sinh vì Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm, cách đây vài năm, tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới lại nhà; có nơi hương khói, thờ tự cho chồng và con, tôi rất ấm lòng.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Phát huy truyền thống của địa phương luôn làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, với mong muốn các mẹ còn sống sớm được hưởng niềm vui, những năm qua Thái Bình đã tích cực phối hợp để triển khai việc thực hiện xét duyệt phong tặng, truy tặng danh hiệu cho tất cả các mẹ thuộc các trường hợp đã được quy định. Hiện toàn tỉnh có 5.483 mẹ đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện nay 104 mẹ còn sống. Cùng với việc quan tâm, chăm lo, phụng dưỡng chu đáo các mẹ Việt Nam anh hùng, để tri ân các mẹ, từ năm 2019 UBND tỉnh đã triển khai dự án xây dựng Đền thờ mẹ Việt Nam anh hùng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa. Công trình dự kiến được xây dựng tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), đến năm 2025 sẽ hoàn thành. Công trình hoàn thành là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

 Nguyễn Cường