Nguyễn Quang Bích - Thủ lĩnh Cần Vương chống Pháp số một ở Bắc Kỳ
Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Khi Nguyễn Quang Bích thi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp vào năm 1869 thì Pháp đã cơ bản đánh chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ và chuẩn bị tiến đánh ra Bắc Kỳ. Nguyễn Quang Bích được bổ dụng làm quan trong bối cảnh toàn cõi Việt Nam từng bước rơi vào tay giặc. Năm 1884, ông đang giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa thì Pháp cho hơn 7.000 quân có pháo binh và tàu chiến yểm trợ tiến đánh Hưng Hóa - thủ phủ cuối cùng của triều Nguyễn. Khi đó triều đình đã ký hàng ước Pa-tơ-nốt và triệu hồi ông về kinh. Ông sai người nộp trả ấn tín, quyết tử thủ. Thành Hưng Hóa thất thủ, ông phá vây đưa quân lên Tiên Động, nay thuộc xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ dựng cờ khởi nghĩa. Trong lễ tế cờ Nguyễn Quang Bích đã đọc hai câu thơ như một lời tuyên ngôn bất hủ:
Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch,
Lạc hồng tiên chủng phục hoàn tô.
Nghĩa là:
Giữ gìn nước Việt ngàn năm không đổi,
Nòi giống Lạc Hồng sẽ phục dựng lại thắm tươi.
Cuộc khởi nghĩa được rất nhiều sĩ phu Bắc Kỳ hưởng ứng. Đồng bào các dân tộc khắp các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và châu thổ Bắc Bộ theo ông chống Pháp. Dân chúng tôn ông là Hoạt Phật (ông Phật sống). Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn ở miền Trung cũng liên lạc với Tiên Động. Cuộc khởi nghĩa Tiên Động được lịch sử khẳng định là sự kiện khởi đầu của phong trào Cần Vương bởi đó là tiền đề cho Tôn Thất Thuyết vững chí làm cuộc binh biến tại Huế, từ đó bắt đầu cuộc Cần Vương cứu nước. Khi hạ chiếu Cần Vương, vua Hàm Nghi sắc phong Nguyễn Quang Bích làm Hiệp Biện Đại Học sĩ, Lễ bộ Thượng Thư, Hiệp Thống Bắc Kỳ Quân Vụ Đại thần. Vua Hàm Nghi cử ông hai lần đi sứ Trung Quốc. Khi đó nhà Thanh đã ký hiệp ước với Pháp nên việc không thành, nhưng các quan lại địa phương các tỉnh phía nam Trung Quốc vì cảm phục ông, đã tự giúp 600 khẩu súng và nhiều vật phẩm ủng hộ Cần Vương.
Để thực thi kế sách lớn, Nguyễn Quang Bích đã đưa quân từ Tiên Động lên Nghĩa Lộ lập triều đình kháng chiến và triển khai việc đón vua Hàm Nghi ra Bắc. Ông cử Lãnh Hoan cùng Nguyễn Cao vào Quảng Bình đón Hàm Nghi thì chẳng may Nguyễn Cao bị Pháp bắt và tiếp đó vua Hàm Nghi cũng bị bắt, đày đi châu Phi. Giặc cho hai binh đoàn tiến đánh Nghĩa Lộ. Nghĩa quân đã chống trả quyết liệt gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng, buộc phải rút lui. Phía quân của ta cũng tổn thất nặng nề. Nguyễn Quang Bích cho quân lui binh về châu Yên Lập, dựng căn cứ Tôn Sơn chỉ đạo phong trào toàn Bắc Kỳ, tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi. Giặc tiến đánh nhiều lần đều bị thất bại, bèn gửi thư dụ hàng, hứa sẽ chu cấp hậu hĩnh. Mặt khác, chúng cho quân về quê đốt phá xóm làng, bắt mẹ già của ông giam ngục hòng buộc ông phải đầu thú. Ông đã viết bức thư trả lời Thư dụ hàng của Pháp với lời lẽ hùng tráng thể hiện ý chí bất khuất của dân tộc ta: “...Nếu mà thắng mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, chẳng may mà thua mà chết cũng làm qủy thiêng giết giặc! Thà chịu “tội” với nhất thời quyết không mắc tội với vạn thế!...”. Lời thề bất hủ này phảng phất với lời thề của Trần Bình Trọng trước lũ giặc Nguyên - Mông và đã kích động giới sĩ phu và đồng bào cả nước bừng lên chống Pháp.
Năm Kỷ Sửu (1889) giặc tiến sâu vào căn cứ, ông đã bố trí mai phục giành một trận thắng lớn. Cuối năm đó ông lệnh cho các tướng sĩ chuẩn bị cho cuộc phản công vào đầu năm sau nhưng chẳng may bị bạo bệnh và mất ngày 24/1/1890. Nguyễn Quang Bích qua đời nhưng phong trào kháng Pháp của các dân tộc Tây Bắc do ông lãnh đạo vẫn không bị dập tắt hoàn toàn mà các tướng lĩnh dưới trướng ông vẫn duy trì nhiều trận đánh gây cho địch nhiều tổn thất vào mấy năm sau đó. Sau khi ông qua đời, nhiều làng quê ở Bắc Bộ đã lập đền thờ ông. Đến nay, hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước đều có những đường phố, những ngôi trường mang tên Nguyễn Quang Bích.
Tướng công, nhà thơ Nguyễn Quang Bích là một người con của Thái Bình văn võ song toàn. Về chính trị và quân sự, ông là người chủ chiến có tầm nhìn chiến lược, dựa vào dân và núi rừng Tây Bắc khởi nghĩa và duy trì phong trào Cần Vương. Về ngoại giao, ông đã tranh thủ được sự đồng tình của một số quan lại và nhân dân phía nam Trung Quốc. Về giáo dục, ông đã mở trường dạy học, sau làm Tế Tửu Quốc Tử Giám, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Về nông nghiệp, ông đã về quê đứng ra xây cống Tam Đồng thau chua rửa mặn, biến những cánh đồng phía bắc huyện Tiền Hải một vụ thành hai vụ tươi tốt. Về sự nghiệp văn học, ông là một nhà thơ lớn trong dòng văn học yêu nước đã để lại Ngư Phong thi tập với trên 100 bài thơ, đặc biệt là Thư trả lời quân Pháp.
Gần một thế kỷ qua, đã có hàng trăm lượt bài viết của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước khẳng định vị thế của thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích trước, trong và sau phong trào vũ trang Cần Vương chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX hoặc khẳng định vị thế của nhà thơ yêu nước Nguyễn Quang Bích trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhà sử học Pháp Ch.Fourniau từng dành hơn 20 năm để nghiên cứu về lịch sử của phong trào Cần Vương ở nước ta đã chọn Nguyễn Quang Bích và văn thơ của ông là trường hợp tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương và lý giải: “Chúng tôi chọn Nguyễn Quang Bích... (vì) ông là tiến sĩ đỗ đầu trong cuộc thi Đình, Tuần phủ Hưng Hóa - một thành trì quan trọng khi Pháp xâm lược... là tác giả một tập thơ còn lưu trữ được... Và ông là hiện thân như mẫu của những nhà nho yêu nước lớn, tạo nên linh hồn cuộc kháng chiến...”. Giáo sư, nhà văn, triết gia Mỹ Jameswilhelm đã viết: “Ngài là một vị tướng nổi tiếng, tầm một anh hùng thế giới, bởi ngài là tiêu biểu cho ý chí chống chủ nghĩa thực dân xâm lược”...
Khi nghiên cứu về phong trào Cần Vương kháng Pháp của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, dường như nhiều sử gia thường dễ thống nhất khẳng định Nguyễn Quang Bích là thủ lĩnh Cần Vương số một ở Bắc Kỳ, Phan Đình Phùng là thủ lĩnh Cần Vương số một ở Trung Kỳ.
Phong trào Cần Vương kháng Pháp diễn ra trong vòng 10 năm, có thể chia thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất (1885 - 1888) là giai đoạn Hàm Nghi chưa bị bắt. Trong bộ tham mưu của phong trào do Hàm Nghi làm chủ soái thì Nguyễn Quang Bích là người đại diện cho vua Hàm Nghi ở Bắc Kỳ để chỉ đạo kháng chiến và vị thế của ông có ảnh hưởng lớn với phong trào cả nước. Trong những năm này, cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng khởi xướng mới đang chuẩn bị lực lượng, bước đầu chuyển vào giai đoạn tấn công. Khi Hàm Nghi bị bắt vào năm 1888, phong trào chuyển sang giai đoạn hai với hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra ở ba kỳ, kéo dài đến năm 1895 khi Phan Đình Phùng qua đời.
Tuy nhiên, khi nhắc đến phong trào Cần Vương, nhiều nhà nghiên cứu thường có thiên hướng nhấn mạnh tính tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Hương Khê hoặc khởi nghĩa Ba Đình... mà chưa đề cập thỏa đáng tới phong trào vũ trang kháng Pháp do lãnh tụ Nguyễn Quang Bích khởi xướng nổ ra trước khi có chiếu Cần Vương và kéo dài suốt thời kỳ Cần Vương, có ảnh hưởng lan tỏa trong nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ. Hy vọng là chân dung vị thủ lĩnh Cần Vương số một của Bắc Kỳ sẽ được nhìn nhận chân xác hơn như thực tế lịch sử dân tộc vốn đã diễn ra từ hơn một thế kỷ trước.
Nguyễn Thanh
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024