Thứ 4, 27/11/2024, 16:50[GMT+7]

Nhân lên niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:45:27
15,374 lượt xem
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng là cái nôi của phong trào cách mạng, ghi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình như những mốc son trong hành trình 77 năm từ khi đất nước, quê hương giành được độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những vùng quê ấy nay đã “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình tấm áo của sự phát triển.

Diện mạo nông thôn mới xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Cái nôi của phong trào cách mạng

Trước Cách mạng Tháng Tám, Phù Lưu (xã Đông Sơn), Châu Giang (trước đây là Đông Phong nay là xã Đông Quan), xã Hồng Việt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đã trở thành 3 cơ sở cách mạng đầu tiên của Mặt trận Việt Minh. Từ đó, phong trào cách mạng phát triển, phủ kín toàn huyện, trở thành lực lượng nòng cốt chủ công trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ khi có cơ sở cách mạng đặt tại Phù Lưu, nhân dân Đông Sơn tích cực tham gia Việt Minh, nhiều người xung phong vào đội tự vệ vũ trang làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh cách mạng. Tổ lò rèn Phù Lưu đêm ngày đỏ lửa sản xuất vũ khí cung cấp cho lực lượng tự vệ và Việt Minh. Đêm ngày 18/8/1945, với khí thế cách mạng sục sôi, lực lượng Việt Minh và nhân dân Đông Sơn đã cầm cờ, vũ khí cùng quân và dân các xã bạn tiến về phủ đường đấu tranh giành lại chính quyền. 

Ông Nguyễn Văn Bần, 89 tuổi đời, 57 năm tuổi đảng, xã Đông Sơn kể lại: Lúc đó dù còn nhỏ nhưng thấy có đoàn biểu tình đi qua làng tôi cùng các bạn háo hức cầm cờ chạy theo, hô vang khẩu hiệu “đả đảo phát xít Nhật và bọn tay sai”, “ủng hộ Việt Minh”... Sau này lớn lên tôi tham gia cách mạng, đóng góp sức mình đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Châu Giang (xã Đông Quan) là phủ lỵ Thái Ninh. Tri phủ Trần Mạnh Hoan không thể ngờ rằng ngay tại phủ lỵ của mình có một cơ sở cách mạng phát triển rất nhanh, là đầu mối liên hệ hoạt động của các cơ sở cách mạng trong cả vùng. Và càng không thể tin nổi chính những người nông dân chân lấm tay bùn, bị áp bức đến cùng kiệt dưới sự dẫn dắt của Việt Minh đã “rũ bùn đứng dậy” thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh khiến hắn phải quy hàng vô điều kiện. Đỉnh điểm là tối ngày 16/8/1945 dưới sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, các lực lượng cách mạng ở Châu Giang, Cổ Hội, Thượng Phú (Đông Quan) và các vùng xung quanh đã tổ chức vũ trang tuyên truyền vào phủ lỵ Thái Ninh buộc lính cơ phải giao vũ khí. Chiều ngày 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Quang Phục lực lượng cách mạng và nhân dân trong vùng tiến vào phủ đường tuyên bố giải tán chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng mà không mất một viên đạn, không bị tổn thất xương máu. Đúng 5 giờ chiều, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng phủ, báo hiệu cuộc khởi nghĩa ở Châu Giang giành thắng lợi. Ngay sau đó, quân và dân các địa phương khác trong toàn tỉnh cùng với nhân dân cả nước nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Chùa Đông An, xã Đông Quan (Đông Hưng) - nơi tập trung đầu tiên của đoàn biểu tình tiến về phủ Thái Ninh giành chính quyền.

Sức sống mới

Trở lại Đông Quan hôm nay, dấu tích về một thời khói lửa chiến tranh chỉ còn được khắc họa trong những tư liệu trưng bày tại nhà văn hóa xã, đình, chùa là di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thay vào đó, những con đường, từng ngôi nhà đang bừng lên sức sống mới. Ông Tống Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới và hiện nay đang huy động mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí, phấn đấu trở thành đô thị loại V trước năm 2025. Trên địa bàn xã có cụm công nghiệp Đông Phong với diện tích 70ha, 5 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận; hàng chục trang trại chăn nuôi có thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/trang trại mỗi năm. Xưa nhân dân sống lầm than, đói nghèo dưới ách đô hộ của thực dân Pháp; nay nhờ sự đồng thuận của “ý Đảng, lòng dân” mà đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%.

Gần đến ngày Quốc khánh 2/9, xã Nguyên Xá rợp bóng cờ hoa, lòng người hân hoan mừng tết Độc lập. Đường giao thông được bê tông hóa, điểm tô bởi sắc hoa rực rỡ, nhà cao tầng san sát, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, làng nghề sôi động... Những hình ảnh ấy, 77 năm về trước không một người dân nào ở đây dám mơ tới. 

Ông Nguyễn Tiến Vững, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Nhân dân “Làng kiểu mẫu” xưa anh hùng bất khuất, nay thế hệ cháu con đang noi theo, chung sức đồng lòng xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế bằng việc duy trì, phát triển nghề truyền thống sản xuất bánh cáy, kẹo lạc, thu hút doanh nghiệp lấp đầy cụm công nghiệp Nguyên Xá để phát triển công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ dọc quốc lộ 39, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Toàn xã hiện có 7 công ty, hàng chục cơ sở sản xuất lớn và trên 400 hộ cá thể, tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động; sản phẩm bánh cáy của xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức đã được công nhận OCOP 4 sao; 85% diện tích đã được cấy bằng máy (cao nhất huyện). Với sự vào cuộc quyết liệt, sự đồng thuận, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân, Nguyên Xá đã cơ bản hoàn thành 11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Những tên đất, tên làng đã làm nên mảnh đất Đông Hưng anh hùng. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, trong công cuộc xây dựng và phát triển hôm nay, với sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, Đông Hưng đã huy động tốt các nguồn lực, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ đã đề ra. Từ một địa phương thuần nông, xuất phát điểm thấp, đến nay Đông Hưng đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế liên tục tăng trưởng, năm 2021 tăng 9,1% so với năm 2020, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 11,37% so với cùng kỳ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng duy trì đà tăng trưởng; đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 11 dự án đăng ký đầu tư (4 dự án đầu tư ngoài cụm công nghiệp, 7 dự án đầu tư trong cụm công nghiệp). Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,23%.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Hưng đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hiếu Nghĩa