Thứ 4, 27/11/2024, 17:01[GMT+7]

Đông Hưng - nơi hội tụ tinh hoa văn minh lúa nước

Thứ 2, 29/08/2022 | 08:16:41
4,322 lượt xem
Địa danh Đông Hưng là tên gọi một huyện của tỉnh Thái Bình xuất hiện từ năm 1969 khi thành lập nhưng theo nhiều nguồn sử sách lưu truyền thì đây là miền quê sớm có đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu. Toàn huyện Đông Hưng có hơn 80 làng mang tên gọi theo tiếng Việt cổ như: Dô, Sàng, Sổ, Mỏ, Phần, Rật, Gòi, Rú, Cốc, Tăng, Khuốc, Tuộc... Những tinh hoa văn hóa, văn minh lúa nước đã sớm hội tụ và tỏa sáng ở miền đất cổ này. Đó chính là điểm tựa truyền thống để Đông Hưng phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Chiếng chèo làng Khuốc. Ảnh minh họa

Nếu nói Thái Bình là quê lúa, là “quê hương 5 tấn” thì Đông Hưng vốn từ ngàn xưa đến nay vẫn là điển hình thâm canh lúa của Thái Bình. Cũng như vậy, nếu nói Thái Bình là đất chèo, là quê hương của múa rối nước, của bánh cáy, cây bông, diều sáo, pháo đất… thì những đặc sản văn hóa này đều từng có một thời hội tụ và lan tỏa từ đồng đất Đông Hưng để đến hôm nay người dân Thái Bình vẫn tự hào là miền quê “sáng rối, tối chèo” cùng những điệu múa dân gian đặc sắc, những trò đua tài, thi khéo kỳ thú trong hội làng từng được nhiều người trong nước và nước ngoài biết đến.

Theo thần tích, thần phả của các làng cổ như Phương Mai, xã Đông Cường; Long Bối, xã Đông Hợp; Nam Quán, xã Đông Các… chép về thuở hoang sơ là bãi biển hoang vu với những đầm lầy, rừng rậm, cồn lau, bãi sú chưa có người khai phá, dân cư thưa thớt, chỉ có một vài mái cỏ, dân sống bằng nghề bắt cá là chính còn việc gieo bắp, vãi lúa chỉ làm nhất thời trên một số gò cao, bãi cạn, đời sống lam lũ, bấp bênh, thiếu thốn đủ điều… Từ cái thuở hồng hoang ấy, các thế hệ cư dân vùng đất này đã bền bỉ, đời nối đời, san ghềnh, lấp trũng, trị thủy mở làng, thau chua rửa mặn lập nên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ có sức hút mạnh mẽ các luồng cư dân khắp nơi về chung sống với cả một quá trình từng bước “xa rừng, nhạt biển”. Cư dân trong mỗi làng của huyện vốn từ nhiều nguồn khác nhau, xuất hiện sớm muộn khác nhau cùng đổ về hợp cư, định cư mà tạo lập thành một vùng quê trù phú. Tinh hoa văn hóa truyền thống của huyện Đông Hưng đã in đậm dấu ấn của quá trình này.

Xưa và nay, Thái Bình vẫn được coi là đất chèo mà các làng xã nay thuộc huyện Đông Hưng có nghệ thuật chèo nổi trội và phổ cập nhất với những gánh chèo đi hành nghề ở nhiều nơi khi các làng vào đám. Dân gian vẫn gọi đó là chèo sân đình. Trong tác phẩm Tiên Hưng phủ chí, viết vào năm 1928, tác giả Phạm Nguyên Hợp đã xếp hoạt động nghệ thuật này là một nghề mang tên tạp kỹ.

Thuở trước, các gánh chèo tứ trấn thường lập bài vị thờ ba vị tổ nghề là: Đặng Hồng Lân, Đào Văn Só, Đào Nương. Đền thờ bách linh xưa ở làng Châu Giang (xã Đông Quan) cũng thờ tổ nghề hát. Bà Đào Nương được dân làng Hoàng Quan (xã Đông Phương) lập đền thờ gọi là đền Bà Thượng vì bà được phong là Thượng đẳng thần. Đình Hoàng Quan cũng thờ bà làm thành hoàng của làng.

Thực tế điền dã cho thấy chèo sân đình trong các làng xã của huyện Đông Hưng có thể đã hình thành muộn nhất là vào giữa thế kỷ XVIII và phát triển đến mức khá phổ biến vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Ngoài làng chèo Khuốc nổi danh tứ xứ với những gánh chèo truyền đời, có thể điểm đến các làng có ít nhất là một vài gánh chèo đi hành nghề trong và ngoài làng với những ông trùm, những đào kép, những tay nhạc, những mảng trò được dân gian truyền tụng như: Thượng Liệt, Thượng Tầm, Lịch Động, Nguyên Xá, Tăng, Phạm, Tuộc, Hoàng Quan… 

Theo hương ước cổ của nhiều làng trong huyện thì dường như làng nào vào đám cũng có hát chèo theo sự lệ được ghi trong thần tích. Hầu hết các gánh đi lưu diễn ở khắp nơi nhưng theo khoán lệ thì cứ vào ngày 12 - 13 tháng 8 là về quê tế tổ nghề tại nhà ông trùm rồi ra tế ở đình. 

Theo số liệu khảo sát, từ giữa thế kỷ XVIII đến năm 1945, làng Khuốc từng đã hình thành tới 15 gánh chèo theo quy mô to nhỏ khác nhau mà dân làng tự đặt là Khuốc lớn, Khuốc nhỡ, Khuốc nhỏ gắn với tên ông trùm như: gánh cụ Thương Trác, gánh cụ Kép Mục, gánh cụ Khóa Thi, gánh cụ Xã Lục, gánh cụ Chánh Ân... So với nhiều làng chèo ở Thái Bình thì dường như chèo làng Khuốc từ khi hình thành đến nay không hề bị đứt quãng. Chèo đã thấm vào máu thịt của từng người dân làng Khuốc.

Nếu như nghệ thuật chèo được coi là một loại hình diễn xướng dân gian mang tính phổ cập ở Thái Bình thì nghệ thuật múa rối nước Thái Bình là một đặc sản chỉ riêng có ở huyện Đông Hưng. Trên một địa bàn khoảng chừng 10km2, các làng ở vùng ven sông Tiên Hưng gần trung tâm huyện lỵ Đông Hưng vốn trước đây đã có 7 phường rối nước cổ truyền: Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài (xã Nguyên Xá); Tăng (xã Phú Châu); Tuộc (xã Phú Lương); Đống (xã Đông Các); Kỳ Trọng (xã Đông Hà). Phường rối nước cũng hình thành do các ông trùm làm mạnh thường quân chi tiền lập ra như những phường (gánh) chèo nhưng rối nước là một nghề chơi công phu hơn, tốn nhiều tài lực hơn, từ việc tạo tác quân rối, nhà thủy đình đến việc ăn tập… Từ khi Nhật đảo chính Pháp (1943) trở đi, một số phường hoạt động khó khăn dần; đến khi nạn đói năm 1945 ập đến thì tan hẳn. Sau năm 1954, rối nước ở Đông Hưng được khôi phục dần, trước chủ yếu ở làng Nguyễn sau đến làng Đống còn các làng Kỳ Hội, Tăng, Tuộc thì không khôi phục được.

Trong di sản múa dân gian cổ truyền của Việt Nam thì múa giáo cờ giáo quạt của làng Thượng Liệt, nay thuộc xã Đông Tân là một hiện tượng độc đáo. Tương truyền điệu múa này do bà Quý Minh (thời Trần) sáng tạo ra để dân làng vui xuân. Khi bà qua đời dân làng mở hội tế lễ bà và tục múa cũng được xem là một nghi thức lễ thánh, là một điệu múa riêng có của làng Thượng Liệt.

Đến nay, hầu hết các hội làng của Đông Hưng còn duy trì  được nhiều trò chơi, trò diễn dân gian cổ truyền mà tục thi pháo đất có thể coi là một trò đua tài thi khéo mang đậm dấu ấn của cư dân lúa nước còn sót lại. Thuở trước, nhiều làng trong phủ Tiên Hưng, tiêu biểu hơn cả là các làng: Tuộc, Đún, Lác, Dô, Sàng, Vĩnh, Nguyễn, Cốc, Phạm… nay thuộc các xã Phú Lương, An Châu, Đô Lương, Mê Linh, Liên Giang, Lô Giang, Nguyên Xá… đều có trò thi này. Mấy thập niên qua, pháo đất đã cùng với chèo, rối nước, cây bông, đèn trời, múa giáo cờ giáo quạt… của Đông Hưng xuất hiện tại các sự kiện văn hóa ở khá nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Đông Hưng cũng là quê hương của nhiều nghề thủ công truyền thống từ xưa đã từng được nhiều người dân trong nước và nước ngoài biết đến. Sách Tiên Hưng phủ chí của tác giả Phạm Nguyên Hợp (viết năm 1928) đã liệt kê về các nghề thủ công ở phủ này, trong đó nghề dệt vải và nghề hàng nan các làng xã trong phủ đều có. Sách này đã đề cập đến nghề dệt lụa nõn của làng Nguyễn và nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ của làng Duyên Tục. Sách Tỉnh Thái Bình của tác giả Dương Thiệu Tường xuất bản năm 1933 có điểm đến nghề đan bị, dệt chiếu ở các làng Duy Tân, Kỳ Trọng, Phong Lôi và ở làng Nguyên Xá, có sản xuất một thứ lụa gọi là lụa Nguyễn, lụa này đã được trưng bày hội chợ triển lãm tại Pari (Pháp) vào những năm 1936 - 1939. Sách này cũng điểm đến nghề làm pháo bông của làng Nguyễn và nghề dệt vải ở làng Duyên Tục.

Hiện tượng làng Nguyên Xá đa nghề có thể coi là một trong những trường hợp khá hiếm ở Việt Nam. Người làng Nguyễn vốn nổi tiếng là sành nghề, sành ăn, sành mặc, sành chơi. Thuở trước, người sành ăn những món ngon ở tứ trấn thường nhớ đến “làng Nguyễn bánh cáy, khoai ráy Động Trung”, “cốm Nguyễn, ổi Bo”, “bánh đúc Trạm Chay, bánh giầy Nguyên Xá”, “Lương Cụ bánh đa, mạch nha làng Nguyễn”… cùng những đặc sản về các loại giò, các loại chả mang tên làng Nguyễn. Người sành mặc hàng tơ lụa cao cấp thì nhớ “ró Tống Văn, khăn lụa Nguyễn”. Người sành chơi thì tìm về làng Nguyễn để tận hưởng cái thú “sáng rối, tối chèo”, xem đốt cây bông, thả đèn trời, thi diều sáo, pháo đất, trò nhời... Làng Nguyễn là một trong những địa chỉ tiêu biểu của Đông Hưng đã hội tụ khá đậm đặc các sắc thái văn hóa, văn nghệ dân gian của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Từ nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian trong cả nước hoặc từ nước ngoài khi tìm về Thái Bình nghiên cứu về từng lĩnh vực khác nhau như chèo, rối nước, múa dân gian, ẩm thực dân gian… đều đã tìm đến Đông Hưng và có khá nhiều công trình mang tầm quốc gia, quốc tế đã được công bố. Hẳn là, với bề dày truyền thống của miền quê sớm hội tụ và lan tỏa những tinh hoa văn hóa, văn minh lúa nước, Đông Hưng sẽ mãi mãi là một địa chỉ giàu sức hấp dẫn du khách thập phương tìm về và chắc chắn là những di sản văn hóa ở đất này sẽ ngày thêm được thắp sáng hơn.

Nguyễn Thanh