Cố nhạc sĩ Thái Cơ: Đau đáu hướng về quê hương
Còn khá minh mẫn, nhanh nhẹn và sắc sảo so với độ tuổi của mình, dù các con cháu, họ hàng đều có mặt đông đủ nhưng bà Cúc vẫn tự thực hiện các phần việc trong buổi lễ trao tặng, bàn giao hơn 200 tư liệu, hình ảnh của chồng mình. Lời nói rõ ràng, rành mạch và đầy tự hào nhưng cũng không khỏi nghẹn ngào khi bà chia sẻ về lý do quyết định trao tặng toàn bộ kỷ vật cho bảo tàng. Bà bảo: Thái Bình là nơi ông nhà tôi đã sinh ra và lớn lên. Dù có sinh sống và công tác ở nơi đâu, cả cuộc đời vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương, ở nơi đây ông đã viết nhiều bài hát như “Nghe tiếng trống quê hương”, “Vòng tay mẹ Hưng Hà”, “Quỳnh Phụ yêu thương”... Đây cũng là nơi có bà con họ hàng, con cháu chúng tôi vẫn đang sinh sống, vậy nên tôi dành những kỷ vật quý giá này cho quê hương.
Cố nhạc sĩ Thái Cơ (1934 - 2004) tên thật là Đậu Vũ Như (Đầu Vũ Như), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông Cao, xã Tây Tiến (Tiền Hải). Từ nhỏ, ông đã sớm yêu âm nhạc qua những làn điệu dân ca, hò, vè, hát chèo trên quê hương. Dù sớm có tình yêu với âm nhạc nhưng phải đến năm 1958, khi chuyển về Nhà máy gỗ cầu Đuống làm công tác tuyên huấn, ông mới có sáng tác đầu tay là ca khúc “Tiếng còi thi đua”. Ngay lập tức, ca khúc này đạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải nhất của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Thành công từ ca khúc này đã giúp ông xác định được thiên hướng theo con đường sáng tác âm nhạc của mình.
Trong hơn 3 thập kỷ, nhạc sĩ Thái Cơ sáng tác liên tục và đều tay. Đó là kết quả từ niềm say mê với âm nhạc và tình yêu tha thiết với cuộc sống. Ông đi nhiều, đến với các vùng mỏ, công trường, xí nghiệp, lâm trường... Thực tế đó đã giúp các sáng tác âm nhạc trở nên toàn diện hơn, đồng thời đa dạng về đề tài. Trong số các sáng tác của cố nhạc sĩ Thái Cơ, nổi tiếng hơn cả có lẽ là ca khúc “Rặng trâm bầu”. Về ca khúc này, vợ của cố nhạc sĩ chia sẻ: Khi nhạc sĩ sáng tác “Rặng trâm bầu”, không thể vào miền Nam do chia cắt của chiến tranh, ông đạp xe vào đến Bến Hải, chứng kiến những trận bom Mỹ thả, những trận chiến ác liệt của bộ đội mình với quân thù mới trở ra sáng tác được. Sau khi bài hát đến với công chúng, tác giả đã nhận được rất nhiều bức thư tay từ mọi miền đất nước thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng sáng tác này, đó là niềm khích lệ, động viên lớn lao mà cố nhạc sĩ Thái Cơ và gia đình luôn trân quý.
Trong số những tư liệu, hiện vật của cố nhạc sĩ Thái Cơ trao tặng cho Bảo tàng tỉnh, cây đàn ghita đã nhuốm màu thời gian với những vết sơn bong tróc được vợ của cố nhạc sĩ dành nhiều tình cảm hơn cả bởi đó là kỷ vật đã cùng ông trên khắp các chiến trường chống Mỹ, ca vang những ca khúc khích lệ, động viên tinh thần chiến sĩ nơi tiền tuyến vững tay súng, vững niềm tin bảo vệ chủ quyền của đất nước. Cũng với cây đàn ghita ấy, ông đã sáng tác nên những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng như “Rặng trâm bầu”, “Qua bến đò Quan”, “Khi thành phố lên đèn”... đặc biệt trong đó, ca khúc “Nghe tiếng trống quê hương” được ông sáng tác vào đúng ngày lễ hội Văn hóa truyền thống của tỉnh Thái Bình 14/10/1976.
Bà Cúc xúc động chia sẻ: Tôi không biết nhiều về âm nhạc nhưng ông nhà tôi mỗi khi sáng tác xong một ca khúc luôn ôm đàn ghita, hát cho tôi nghe. Khi tôi nói có cảm nhận như thế nào về ca khúc ấy, ông đều ghi âm cả lại. Hay như mỗi khi tôi đọc ca dao, hò, vè..., ông ấy thường chép lại và lấy đó làm chất liệu dân gian trong những sáng tác âm nhạc của mình.
Cứ thế, âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của gia đình cố nhạc sĩ Thái Cơ. Và giờ đây, những kỷ vật như chứng nhân cho quá trình ra đời của các sản phẩm âm nhạc, những tập bản thảo ngay ngắn, những cuốn sổ viết tay ghi chép lịch trình làm việc, những huân, huy chương, kỷ niệm chương của cố nhạc sĩ, những bức thư tay thể hiện tình cảm yêu mến của khán, thính giả trên cả nước dành cho những sáng tác của ông... đều được dành tặng cho Bảo tàng tỉnh để thay lời người vợ đã ở tuổi xưa nay hiếm kể những câu chuyện về cuộc đời của một người nhạc sĩ với những sáng tác âm nhạc bất hủ luôn dành tình cảm yêu thương tha thiết cho quê hương.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng