Thứ 7, 23/11/2024, 22:19[GMT+7]

Tỷ phú nông dân

Thứ 3, 17/01/2023 | 10:47:39
12,416 lượt xem
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao trở thành tỷ phú nông dân.

Nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư làm giàu từ trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Anh Thủy - nông dân Việt Nam xuất sắc

Năm 2022 là năm thành công với nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) bởi anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc. Anh Thủy đã dành hết toàn bộ vốn liếng tích góp từ việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi để xây dựng trang trại tổng hợp quy mô 150.000 gà thịt, mỗi năm xuất bán gần 450.000 gà thương phẩm, hơn 1.000 lợn thịt. Với diện tích trang trại rộng 7ha, anh Thủy đã xây dựng hệ thống chuồng nuôi khép kín, khoa học với hệ thống máy phun sương làm mát, quạt thông gió, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng bể chứa thức ăn tự động giúp anh dễ dàng quản lý công việc chăn nuôi. Ngoài ra, trang trại của anh Thủy còn liên kết với 7 doanh nghiệp ở miền Bắc xây dựng hệ sinh thái phát triển kinh doanh từ việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng sản phẩm đến bao tiêu sản phẩm thịt gà ủ muối. Hiện nay anh đã thành công với việc liên kết sản xuất sản phẩm gà vàng ủ muối được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua với số lượng lớn, chất lượng sản phẩm thơm ngon nên giá thành dù có tăng nhưng vẫn đông khách hàng tìm mua. 

Anh Thủy chia sẻ: Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi dịp đầu năm tăng cao nhưng gia đình tôi chăn nuôi vẫn có lãi. Năm 2022, sau khi bán hết đàn lợn thịt, gà thịt tôi thu về hơn 4 tỷ đồng. Hiện nay, tôi tập trung nghiên cứu kỹ thuật sản xuất phân bón cho cây trồng từ nguồn chất thải chăn nuôi ủ hoai mục, đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể trong tương lai, giúp tôi bảo vệ môi trường, giải quyết bài toán về chất thải trong chăn nuôi.

Nguồn chất thải chăn nuôi được nông dân Phạm Xuân Thủy nghiên cứu, sản xuất thành phân bón cho cây trồng.

Anh Luận trồng nấm thu tiền tỷ

Đến  thôn Hải Triều Xuân, xã Tân Lễ (Hưng Hà) hỏi anh Trần Văn Luận ai cũng biết bởi anh là một trong những người trẻ tuổi, năng động, dám nghĩ, dám làm và gặt hái thành công từ nghề trồng nấm. Cơ sở xuất bán sản phẩm sang cả các tỉnh, thành lân cận. Anh Luận chủ yếu sản xuất phôi nấm sò, nấm mộc nhĩ bởi đây là hai loại nấm được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Với 2,5 mẫu đất chuyển đổi, anh đã đầu tư gần 1,7 tỷ đồng để làm nhà, giàn treo nấm, mua máy trộn phôi, giàn sấy, lò hấp tiệt trùng. Mỗi năm, anh xuất bán từ 5 - 6 tấn nấm mộc nhĩ khô, từ 15 - 17 tấn nấm sò tươi, sau khi trừ chi phí, anh thu về từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng/năm. 

Anh Luận cho biết: Trồng nấm đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, bảo đảm độ ẩm, môi trường hạn chế những loại vi khuẩn, sinh vật gây hại, chính vì thế tôi trồng thêm các loại cây xanh tạo bóng mát, có hệ thống tưới nước tự động, máy đo độ ẩm giúp theo dõi quá trình phát triển của nấm tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi chọn mùn gỗ keo để làm phôi bởi gỗ keo giúp cho cây nấm sò, nấm mộc nhĩ phát triển to hơn, khi sấy khô cũng cho trọng lượng tốt hơn các loại mùn cây khác. Bình quân mỗi tháng tôi xuất bán 1 lứa nấm tươi đi các tỉnh, thành, nhờ mô hình này mà gia đình tôi đã sắm được ô tô, con cái được học hành đầy đủ, tạo thêm việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân Trần Văn Luận, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà đầu tư máy hấp tiệt trùng để sản xuất nấm.

Anh Thắng trồng quất bonsai

Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Trần Phú, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) được biết đến là một trong những nhà vườn làm cây quất thế, quất bonsai lớn của địa phương. Có hơn 3.600m2, với đôi bàn tay khéo léo của mình anh Thắng đã tạo dáng, thế cho hơn 3.000 chậu cây quất cảnh, quất bonsai các loại. Hiện nay anh Thắng còn nhân thành công giống quất cẩm thạch có lá màu vàng xanh, là sản phẩm độc và lạ trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Giống quất cẩm thạch được anh Thắng nhân giống từ một thân cây quất cách đây 3 năm, hiện toàn bộ vườn của anh có hơn 100 gốc quất cẩm thạch và đều đã được thương lái đặt mua, giá trung bình cho mỗi chậu quất cẩm thạch từ 800.000 - 1.000.000 đồng. 

Anh Thắng cho biết: Trước kia, gia đình tôi chỉ làm quất chum với các cây to, nhỏ đa dạng. 5 năm trở lại đây tôi chuyển sang làm quất bonsai, quất mini, tìm mua cả những khúc cây, tảng đá có dáng, thế đẹp để ghép cây quất bán trong dịp tết. Năm nay tôi xuất bán được hơn 100 gốc quất cẩm thạch với màu sắc độc đáo đã thu hút rất đông người mua. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, tôi còn lên tận làng nghề Bát Tràng, Hà Nội để tìm mua chậu cây đẹp bởi hiện nay người chơi cây tết ngoài tìm mua những cây đẹp, có dáng, thế độc đáo và lạ mắt thì việc chọn mua một cái chậu phù hợp với dáng cây cũng rất quan trọng, quyết định đến giá thành bán ra của cây có cao hay không. Sau khi trừ chi phí, mô hình của tôi thu về từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình của anh Nguyễn Văn Thắng, xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình hiện có hơn 3.000 gốc cây quất thế, quất bonsai.

Những nông dân từng một thời chân lấm tay bùn như anh Thủy, anh Luận, anh Thắng giờ đây đều đã thành công với con đường khởi nghiệp mà mình đã lựa chọn. Họ không chỉ là những nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là những gương sáng để nhiều nông dân học và làm theo, thúc đẩy phong trào phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tiến Đạt