Thứ 5, 14/11/2024, 11:14[GMT+7]

Chuyện của Doanh và đồng đội ở Hà Giang

Thứ 6, 10/02/2023 | 10:51:51
17,850 lượt xem
Đại đội trưởng Nguyễn Liệu bị thương nặng, Phạm Quốc Doanh cùng đồng đội Chi Móng thay nhau cõng Đại đội trưởng trở lại hang 500. Lúc này trong hang có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang trú ẩn. Băng bó cho Đại đội trưởng xong, Doanh và Chi Móng tiếp tục cõng Đại đội trưởng về hang Dơi. Vừa ra khỏi hang chừng hơn 30m thì roèn roẹt tiếng pháo H12 của Trung Quốc bắn vây quanh cửa hang 500. Một tiếng nổ vang trời, một quả cầu lửa trùm lên khu vực, cửa hang 500 sập xuống.

Cựu chiến binh Phạm Quốc Doanh (người bên phải) và tác giả.

Cựu chiến binh Phạm Quốc Doanh ở xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư đã bật khóc khi mở đầu câu chuyện về mặt trận Vị Xuyên năm 1984, 1985 Doanh cùng đồng đội có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc gây ra với các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trong đó mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) với những điểm cao 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, hang 500. 

Doanh chậm rãi kể, ngày 6/3/1984, xã Nguyên Xá tiễn trên 20 người con nhập ngũ, tất cả đều được huấn luyện và chiến đấu ở Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 cùng tham gia trận đánh ngày 12/7/1984 trên điểm cao 772. Sau trận đánh vô cùng ác liệt với quân thù, bảy người bạn, người đồng hương thân yêu của anh gồm Bùi Văn Mạo, Đỗ Văn Miện, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Công Trứ, Phạm Duy Định, Phạm Bá Thiếp và Trần Trọng Thái đã mãi mãi nằm lại ở điểm cao 772 cùng với hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356. Trung đội 1, Đại đội 7 của Phạm Quốc Doanh có 34 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Trung đoàn 876 đánh điểm cao 772 chỉ có 6 người còn sống trở về. Ngày 12/7/1984 được coi là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356.

“Ác liệt và tàn khốc vô cùng” - anh thốt lên như vậy rồi kể tiếp về trận đánh ngày 15/1/1985 lấy lại điểm cao 300, 400 do quân Trung Quốc chiếm giữ. 20 giờ, đơn vị ém quân ở hang 500, một hang khá rộng, khi ấy trong hang có khoảng 50 - 60 cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị đặc công, thông tin, trinh sát trú ẩn. Tôi cùng Đại đội trưởng Nguyễn Liệu, Chính trị viên Đại đội Trần Các, Phúc là liên lạc Đại đội và Nam chiến sĩ hậu cần cùng quê Nguyên Xá đi vào phía cuối hang, 21 giờ một người vỗ vai tôi hỏi: Chú mày quê đâu vậy? Dạ, em quê Thái Bình ạ. Ô, vậy thì đồng hương với anh rồi, sau trận này sẽ cho chú em về phép mấy ngày nhé… Mãi sau này Phạm Quốc Doanh mới biết người vỗ vai động viên anh trước khi vào trận là Thượng úy Nguyễn Xuân Thuyên, quê ở xã Vũ Tây, nay là xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 149. Trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh địch đang chiếm giữ điểm cao 300, Nguyễn Xuân Thuyên đã mãi không thể trở về ký giấy cho Phạm Quốc Doanh nghỉ phép. Tiểu đoàn trưởng Thuyên đã anh dũng hy sinh trong trận đánh.

Đúng 12 giờ đêm hôm đó tiếng thủ pháo của các chiến sĩ đặc công mở đầu trận đánh, mưa đạn xối xả trên điểm cao 300, 400, cả khu vực điểm cao rung chuyển ầm ập, đạn pháo của ta, đạn pháo của địch thi nhau nã xuống. Đại đội trưởng Liệu hét vào máy bộ đàm chỉnh hướng pháo: “Cấp tập mỗi khẩu 200 quả”. Khoảng 1 giờ 30 phút sáng hôm sau Đại đội trưởng Liệu bị thương vào đầu và vai, Doanh cùng đồng đội Chi Móng người Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội thay nhau cõng Đại đội trưởng Liệu quay lại hang 500 để quân y băng bó sơ cứu. 3 giờ sáng ngày 16/1/1985, Doanh cùng Chi Móng tiếp tục đưa Đại đội trưởng Liệu về hang Dơi. Cả ba người vừa ra khỏi cửa hang 500 vài chục mét thì trên đầu roèn roẹt tiếng đạn pháo H12 của quân Trung Quốc bắn vây quanh cửa hang, Doanh và Chi Móng mới kịp dúi Đại đội trưởng Liệu vào một hốc đá thì một tiếng nổ rung trời kèm theo là một cầu lửa trùm kín cửa hang 500. Cửa hang bị sập xuống, phía trong hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang trú ẩn không thể thoát ra ngoài được nữa. Đưa được Đại đội trưởng Liệu về hang Dơi an toàn, đến 8 giờ 30 phút Doanh trở lại hang 500 gặp Thạo người đồng đội là lính vận tải đang ôm theo một chiếc cẳng chân đi xuống. Thạo thảng thốt nói với Doanh, anh em hy sinh cả rồi, tao chỉ cắt được đoạn chân này chẳng biết là của ai đem đi chôn thôi. Nói mà nước mắt Thạo giàn giụa. Thạo nói: Mẹ nó chứ! Trận sau mình không để cho chúng nó yên thân. Doanh bước vào phía cửa hang 500 bị bịt kín, chân dẫm lên một chiếc áo trấn thủ, trước mắt Doanh nhiều đồng đội bị đá đè lên, nhiều xương thịt đồng đội lẫn vào nhau…

Vừa nhập ngũ tháng 3/1984 thì tháng 7 Phạm Quốc Doanh và đồng đội đã vào trận mặt trận Vị Xuyên nóng bỏng và vô cùng ác liệt, ngày đêm bám chốt quyết chiến với quân thù. Cựu chiến binh Phạm Quốc Doanh kể tiếp: Tháng 3/1987, tại chốt phụ dưới chân cầu Khỉ đường sang đồi không tên, tiểu đội của Doanh được trên giao nhiệm vụ sẵn sàng đánh hướng vu hồi bảo vệ cầu Khỉ. 14 giờ Doanh và hai đồng đội là Tuấn và Thỉnh đi trinh sát địa hình trận địa, ba người cẩn trọng quan sát về phía trước bất ngờ phát hiện một mục tiêu đang di chuyển từ hướng ngôi nhà Mán bỏ hoang. Doanh nhận định là thám báo, lập tức chỉ huy đồng đội tản đội hình, cả ba nằm ép mình sau các tảng đá ven suối, hướng AK về phía mục tiêu di động. Khi người lạ chỉ còn cách tổ trinh sát chừng 30m Doanh bật dậy hô lớn: “Thấu xẻng thâu xi khoan thai” (Đứng lại, bỏ súng giơ tay lên). Người lạ sững lại và giơ tay đầu hàng, Doanh lập tức chỉ huy đồng đội áp sát trói tên thám báo đưa về hầm chỉ huy đại đội, sau đó tên thám báo được dẫn giải bàn giao cho chỉ huy Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 khai thác. Hắn khai tên là Lý Hán Văn, từng có thời gian làm công nhân ở mỏ Apatít Lào Cai. Sau đó đi lính và là trinh sát pháo binh luồn sâu thực hiện nhiệm vụ vẽ đường sang đỉnh 2000 của ta. Tiếp đó, chiều muộn ngày 14/6/1987, Tiểu đội trưởng Doanh cử 4 đồng đội trực sẵn sàng chiến đấu, còn lại 8 đồng đội chuẩn bị ăn cơm chiều. Không khí trên chốt nặng nề và oi nồng, Doanh chủ quan nói với các đồng đội: Giờ này bọn chúng không dám đánh đâu và nhắc anh em sắp cơm ra ngoài hầm ăn cho mát. Cửa hầm là một mặt ruộng bậc thang rất hẹp bên cánh trái đồi không tên. Mọi người vừa ngồi xuống, có người chưa kịp trôi miếng cơm thì một quả đạn pháo từ bên kia biên giới bắn sang rơi sượt bậc thang cách các đồng đội của Doanh chưa đầy 1 mét, rất may quả đạn phát nổ ở mặt ruộng phía dưới nếu không cả mâm cơm hôm ấy chẳng còn ai, chỉ có Tình và Hoán người quê xã Vũ Đoài và Thỉnh quê ở Yên Bình, Yên Bái bị thương. Đến nay mới chỉ có Thỉnh được xếp hạng thương tật. Hoán bị mảnh pháo cắt cụt ngón chân cái, một mảnh vào ống chân còn Tiểu đội trưởng Doanh thì mảnh pháo găm vào vai và đuôi mắt bên trái nay vẫn còn sẹo.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam là vô cùng thảm khốc, đau thương mất mát đã lùi vào quá khứ. Đầu xuân Quý Mão, tôi có dịp ngồi lại cùng cựu chiến binh Phạm Quốc Doanh, anh đang đảm nhiệm cán bộ tư pháp xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Câu chuyện của Doanh và đồng đội - những người lính giữ biên cương của Tổ quốc như Bùi Văn Tứ, Bùi Văn Tại, Bùi Văn Dương, Bùi Văn Nam cùng quê Nguyên Xá; Hoàng Văn Biền, xã Phú Xuân; Nguyễn Văn Báu, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình)… là những người bạn đồng ngũ đã một thời không tiếc tuổi thanh xuân quyết tử để gìn giữ cương vực của Tổ quốc. Họ nhớ về ngày giỗ trận 12/7/1984 của Sư đoàn 356 bởi ngày đó quân Trung Quốc xâm lược dã man đã cướp đi sinh mạng hàng trăm đồng đội của họ. Sau trận đánh Phạm Quốc Doanh mãi không gặp được Thượng úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Nguyễn Xuân Thuyên, người chỉ huy can trường dũng cảm đã mãi nằm lại mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc. Phạm Quốc Doanh và nhiều đồng đội sau cuộc chiến trở về là những nông dân, lại việc cuốc việc cày, lại đồng ruộng, sớm hôm tảo tần bươn chải lo cho cuộc sống. Nhưng trong trái tim họ không bao giờ quên những ngày này 44 năm trước “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và 39 năm trước ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang họ đối mặt với quân thù.

Nguyễn Công Liêm 

Thành phố Thái Bình