Thứ 5, 14/11/2024, 11:16[GMT+7]

Nhận diện truyền thống huyện Vũ Thư

Thứ 6, 21/04/2023 | 06:49:27
6,529 lượt xem
Huyện Vũ Thư được thành lập ngày 17/6/1969, trên cơ sở sáp nhập huyện Thư Trì và một phần huyện Vũ Tiên. Từ xa xưa, các thế hệ cư dân tứ trấn từng vẫn lưu truyền câu phương ngữ: “Thứ nhất Thư Trì, thứ nhì Vũ Tiên” chính là để nói sự “nhất, nhì” về truyền thống văn vật, văn hiến của hai huyện này. Trải đã hàng nghìn năm, nhân tài, vật lực của Thư Trì - Vũ Tiên đời nối đời dồi dào, hưng thịnh; triều đại nào cũng có anh tài, tuấn kiệt được sử xanh lưu truyền.

Vào thời Lý (thế kỷ XI - XII), huyện Thư Trì còn tên là huyện Bổng Điền vì huyện lỵ đặt tại hương Bổng Điền. Cũng tương tự như vậy, vào thuở ấy huyện Vũ Tiên vốn đặt lỵ sở ở hương Kỳ Bố nên còn gọi là huyện Bố. Trải ngàn năm, địa dư, duyên cách, tên gọi của các làng xã của hai huyện này đã bao phen thay đổi nhưng địa danh Thư Trì và Vũ Tiên thì trường tồn đến khi huyện Vũ Thư được thành lập.

Từ thế kỷ X trở lại đây, sử sách đã lưu danh nhiều địa danh của Vũ Thư như những điển hình về thâm canh lúa. Vào thế kỷ XI, các bậc vua anh minh đầu triều Lý đã về vùng Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền để khuyến khích nông tang. Đất đai của Bố Hải khẩu thuở ấy nay thuộc địa phận Vũ Thư và thành phố Thái Bình.

Trải hàng chục thế kỷ, đến thời đại Hồ Chí Minh, Vũ Thư vẫn là một điển hình thâm canh lúa nước. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Vũ Thư có Tân Phong đạt năng suất lúa dẫn đầu miền Bắc để đến cuối năm 1966, Thư Trì cùng Vũ Tiên đứng trong tốp đầu của 10/13 huyện thị của Thái Bình giành “Bảng vàng năm tấn”. Và, diệu kỳ thay, vào ngày cuối cùng của năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về mừng công với quê hương năm tấn Thái Bình. Nơi Bác Hồ dừng chân để chung vui với Thái Bình cũng chính thuộc miền quê các vua triều Lý đã về cày ruộng làm lễ tịch điền.

Kinh tế lúa nước phát triển thì nghề thủ công truyền thống cũng được mở mang. Vũ Thư đã có những làng nghề thủ công được “dân biết mặt, nước biết tên” như làng dệt lụa Bộ La, làng cốm Thanh Hương, làng thêu Minh Lãng, làng đa nghề Cọi Khê... Nếu như vào những thập niên đầu thế kỷ XX, lụa Bộ La đã được nhiều nước Tây Âu ưa dùng thông qua việc bày bán ở hội chợ Pari (Pháp) thì đến thập niên cuối thế kỷ XX, hàng thêu ren xuất khẩu của Minh Lãng lại được nhiều châu lục biết đến và ưa chuộng.

Từ đầu thế kỷ XI, khi Phật giáo đang giữ vai trò trọng yếu trong đời sống chính trị thì vùng đất Vũ Thư từng là nơi hội tụ của các vị quốc sư triều Lý như Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Đỗ Đô, Đỗ Pháp Thuận, Từ Đạo Hạnh... Trải 10 thế kỷ qua, dấu chân tu hành của các vị danh sư triều Lý còn in đậm ở những ngôi chùa nổi tiếng của Vũ Thư như chùa Keo, chùa Phượng Vũ, chùa Hội... Đó cũng là một trong những duyên cớ để các làng xã của Vũ Thư sớm có một hệ thống chùa chiền đậm đặc và những thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng với quy mô hoành tráng mà chùa Keo là một biểu tượng vĩnh hằng.

Về truyền thống học hành, khoa cử thì Vũ Thư cũng có khá nhiều những điển hình tiêu biểu. Trải gần nghìn năm khoa cử Nho học, vùng đất tỉnh Thái Bình ngày nay có xấp xỉ 120 người thi đỗ đại khoa (từ Phó bảng, Tiến sĩ đến Trạng nguyên) thì huyện Vũ Thư có 25 vị, được khẳng định là vùng quê có học phong nổi trội truyền đời. Làng Ngoại Lãng nay thuộc xã Song Lãng, là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng của Việt Nam với nhiều dòng họ khoa danh kế thế. Làng Hoàng Xá, xã Nguyên Xá; làng An Để, xã Hiệp Hòa; làng Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất; làng Thuận An, xã Việt Thuận... cũng là những làng khoa bảng từng có nhiều nhà nho được lưu danh.

Nhận diện về truyền thống văn hóa văn hiến của Vũ Thư không thể không nhắc đến nét đặc sắc của hơn 30 lễ hội cổ truyền với những hội lớn. Ngoài hội chùa Keo có nhiều tục đua tài thi khéo còn có thi thả diều ở hội Sáo Đền, thi cỗ chay ở hội Lạng...

Chèo cổ ở Thái Bình vốn hình thành theo thế tam giác với ba đỉnh là Hà Xá (Hưng Hà), Khuốc (Đông Hưng) và Sáo Đền (Vũ Thư). Chèo Sáo Đền, nay thuộc xã Song An từng đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân, nhiều gánh chèo nổi danh tứ chiếng.

Các thế hệ cư dân Vũ Thư không chỉ cần mẫn trong lao động sản xuất, thành đạt trong học hành, tài hoa trong sáng tạo văn hóa mà còn kiên trung, bất khuất chống ngoại xâm và chống áp bức cường quyền. Trên dải đất cổ từ làng Phú Lộc xã Việt Hùng đến làng Bổng Điền xã Tân Lập có đậm đặc các di tích phụng thờ các danh tướng chống quân Đông Hán vào buổi đầu công nguyên cùng với bao huyền tích, huyền thoại còn lưu truyền.

Vào thế kỷ thứ VI, nhiều tên đất, tên người của Vũ Thư đã được lưu danh trong sử sách vì trang An Để, nay thuộc địa phận hai xã Hiệp Hòa và Xuân Hòa là một căn cứ quân sự lớn, có vị thế quan trọng để Lý Bí (Lý Bôn) triển khai kế sách đánh đuổi giặc Lương lập nên nhà nước Vạn Xuân. Vào thế kỷ X, vùng đất Vũ Thư, trong đó có một số làng xã đã được sáp nhập vào thành phố Thái Bình vốn là miền đất mang tên Bố Hải đã được chọn làm nơi đặt đại bản doanh của sứ quân Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh đã nương náu, tựa dựa để khai thác sức người sức của, dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn lập nên nhà nước Đại Cồ Việt. Vào thế kỷ XIII, khi họ Trần giành được vương triều đã sớm chọn trai tráng của các làng xã của Thư Trì và Vũ Tiên tham gia vào các đội quân: Thiên Thuộc, Củng Thần, Thánh Dực... để làm lực lượng tin cậy bảo vệ kinh thành. Khi nhà Trần triển khai kháng chiến chống Nguyên Mông, một dải sông Hồng, sông Trà thuộc địa phận Vũ Thư đã trở thành phòng tuyến hiểm trở triển khai thế trận thủy chiến.

Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận thế kỷ XVIII là “thế kỷ nông dân khởi nghĩa” và tôn vinh Hoàng Công Chất (? - 1767) quê làng Hoàng Xá, xã Nguyên Xá là vị lãnh tụ nông dân khởi nghĩa lớn vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trải 30 năm (1739 - 1769), nghĩa quân Hoàng Công Chất đã từ Thái Bình tiến vào đánh chiếm Thanh - Nghệ - Tĩnh rồi tiến lên vùng Việt Bắc, Tây Bắc, được bà con các dân tộc ít người tôn xưng là “ông Chúa bản mường”. Đầu thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa do “vua Ba Vành” ở làng Minh Giám có mẹ là người làng Cọi, vào thuở ấy cả hai làng đều thuộc huyện Vũ Tiên. Cuộc khởi nghĩa này đã diễn ra quyết liệt trên diện rộng thuộc nhiều tỉnh ở vùng duyên hải Bắc Bộ, kéo dài suốt 16 năm (1811 - 1827) với nhiều thành lũy được xây dựng tại các xã Vũ Hội, Việt Thuận, Vũ Tiến, Duy Nhất và nhiều trận chiến đẫm máu đã diễn ra tại địa bàn Vũ Thư.

Từ  khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858 trở đi, trải đằng đẵng hơn nửa thế kỷ trước khi có Đảng, các thế hệ cư dân Vũ Thư đã bền bỉ, quật cường chống Pháp gắn liền với tên tuổi của Tiến sĩ Doãn Khuê (Song Lãng), Nguyễn Doãn Cử (Duy Nhất), Đốc Phước (Hồng Lý), Hiệp Vỡi (Vũ Hội), Phạm Tư Trực (Nguyên Xá)... Đó chính là tiền đề để Vũ Thư sớm trở thành miền đất ươm gieo và phát triển những hạt mầm cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao truyền về và sớm ra đời chi bộ cộng sản mang tên Thư - Vũ. Dưới cờ Đảng quang vinh, nhiều người con ưu tú của Vũ Thư đã thành danh, có những người đã được khắc ghi tên tuổi vào sử xanh và trở thành những nhân vật lịch sử được nhiều nước trên thế giới biết đến mà trường hợp ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ quê làng Cọi Khê là một trong những điển hình.

Trong chừng mực nào đó, việc phác họa những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa, văn hiến của vùng đất Vũ Thư cũng có thể giúp cho việc nhận diện về người Thái Bình - đất Thái Bình thêm toàn diện và sâu sắc hơn.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)