Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Chuyện của một cựu chiến binh 3 lần bị thương

Thứ 2, 24/04/2023 | 17:07:08
4,503 lượt xem
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Để có được chiến thắng vĩ đại ấy, biết bao máu xương của quân và dân ta đã đổ xuống. Câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Công Ruân, thôn Bình Chính, xã Việt Thuận (Vũ Thư) - người trực tiếp chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng thành quả chiến thắng năm xưa mà cha ông ta đã giành được.

Ông Đỗ Công Ruân cùng gia đình duy trì phát triển cây chè Mét truyền thống của quê hương.

Năm 1971, ở tuổi 17, ông Ruân xung phong lên đường nhập ngũ và được phân công vào Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn 2, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Do vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, ông Ruân được phân công nhiệm vụ truyền đạt thông tin, yêu cầu, mệnh lệnh của cấp trên xuống các đại đội. Ông Ruân dũng cảm băng rừng, vượt núi, hoàn thành nhiệm vụ giao liên. Tuy nhiên, ông vẫn luôn khao khát được ra chiến trường trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.

Tháng 9/1972, ông viết đơn xin xuống đơn vị chiến đấu, nhiều người cản ông rằng “chiến trường ác liệt, có đi mà không có về”, nhưng ông Ruân vẫn kiên định ý chí. Khi đó, ông Ruân cùng đơn vị có nhiệm vụ giải vây cho bộ đội ta đang bị lính Mỹ bao vây ở khu vực xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Lực lượng của ta mỏng, vũ khí thô sơ, địch được trang bị vũ khí hiện đại, liên tục nhảy dù, đánh đột kích. Bộ đội ta vừa đào hầm trú ẩn vừa đánh tỉa địch. 

“Ban đầu, mỗi chiến sĩ được phát 2 nắm cơm nhỏ và mấy hạt muối/ngày. Nếu anh nuôi không may bị địch vây thì cả ngày hôm đó chúng tôi phải nhịn đói chờ hôm sau. Nước dưới suối sẵn nhưng nếu ra lấy nước uống sẽ khó thoát khỏi nòng súng của lính Mỹ nên tôi cùng đồng đội rải áo mưa trong rừng, chờ hứng nước mưa cho vào bình tông, uống dè. Về sau, địch tấn công ác liệt quá, quân ta không thể tiếp tế được lương thực, không có cơm, không có muối, 10 ngày liền chúng tôi phải cắt rau tàu bay luộc ăn để chống đói, gian khổ vô cùng” - ông Ruân kể lại.

Ở đơn vị chiến đấu, ông Ruân vô tình được phân cùng trung đội với người anh và em họ Nguyễn Văn Cân, Nguyễn Văn Phó (quê ở Việt Hùng, Vũ Thư), là con của bác gái và dì ruột của ông. Tháng 10/1972, khi ông Cân đang vác khẩu súng B40 đi trước ông Ruân vài mét trong rừng thì bị địch phát hiện, chúng nã súng chính xác vào ông Cân. Ông Ruân đau đớn nhìn anh họ hy sinh ngay trước mắt mình. Khi đó, bị địch phục kích, ông Ruân cũng bị nhiều vết đạn trượt qua, bị thương khắp người. Ở trận chiến không lâu sau đó, ông Ruân nhận tiếp tin báo ông Phó cũng đã hy sinh. Ba anh em họ, thì 2 người đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Quảng Trị, chỉ có ông Ruân may mắn sống sót.

Tháng 7/1974, ông Ruân cùng đơn vị tiến đánh ở Đà Nẵng. Thời điểm đó, bộ đội ta phải kết hợp sử dụng pháo dã chiến D-44 trên đỉnh đồi cao để chiến đấu với tàu hải quân Mỹ từ biển vào. 

Ông Ruân chia sẻ: Ta phải tranh thủ kéo pháo vào ban đêm để tránh bị địch phát hiện. Hàng chục chiến sĩ, mỗi đêm chỉ kéo lên được 20 - 30m, không may pháo bị tụt xuống 1 - 2m, ai cũng xót xa. Đây là chiến trường ác liệt, trung đoàn của ông Ruân bị thương vong nhiều, có ngày hy sinh 180 chiến sĩ. Ông Ruân bị thương lần thứ 2. 

“Khi tôi cùng với đồng đội đang hành quân trên sườn đồi thì bất ngờ bị lính Mỹ phục kích phía dưới, ném liên tiếp lựu đạn mỏ vịt vào đoàn người. Anh Phan Hồng Kha (quê ở Kiến Xương) bị trúng lựu đạn hy sinh tại chỗ, tôi bị thương khắp người từ mặt, cánh tay, sườn, hông, nhưng may mắn vết thương không quá sâu” - ông Ruân kể lại.

Tháng 4/1975, đơn vị của ông Ruân được lệnh di chuyển vào Đồng Nai, theo hướng Đông Nam cùng với 4 cánh quân khác tạo thành các gọng kìm tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tình thế địch lúc này vô cùng nguy cấp nên chúng điên cuồng chống trả với quyết tâm cho “Sài Gòn tắm máu”. Chúng huy động xe tải quân sự GMC, xe côngtennơ, nã pháo cối,… nên bộ đội ta phải chiến đấu vô cùng ác liệt, cam go. Trong một lần áp sát 1 lô cốt của địch đã bị bỏ trống tại Đồng Nai vào ban đêm, ông Ruân và 3 đồng chí vào kiểm tra tình hình. Nghe có tiếng người trò chuyện, 1 chiến sĩ của ta hỏi: “Hồ Chí Minh, mật khẩu là gì?”. Bên kia im lặng, không nói gì, ông Ruân và đồng đội biết là gặp phải lính ngụy. Chúng cũng hô to “Việt cộng” rồi ném lựu đạn vào quân ta, ông Ruân bị thương lần thứ 3 trong tình huống này.

Ngày 30/4/1975, nhận được tin bộ đội ta đã chiếm được dinh Độc Lập, Sài Gòn đã được giải phóng, đơn vị của ông Ruân được lệnh dừng lại, tiếp quản căn cứ địa Long Bình (Đồng Nai). Niềm vui giải phóng sung sướng vỡ òa nhưng ông Ruân và đồng đội chưa được dừng chiến đấu, mà tiếp tục tham gia chống quân Fulro tại vùng cao nguyên Lâm Đồng nhiều tháng sau đó. 

“Đồng chí Trung đội phó của tôi tên là Ấn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã có quyết định phục viên, nhưng đêm ngày 2/9/1975, do bị tàn quân của lính Fulro tấn công bất ngờ, anh Ấn anh dũng hy sinh. Đất nước đã giải phóng nhưng ước mơ trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình của anh Ấn mãi mãi không thực hiện được” - ông Ruân xúc động thương nhớ người đồng đội của mình.

Tháng 10/1977, xuất ngũ trở về quê hương, ông Ruân trở thành công nhân xây dựng, góp phần dựng xây quê hương và phát triển kinh tế gia đình. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi dịp tháng 4 về, ký ức ông Ruân lại tràn đầy những khoảnh khắc, kỷ niệm về một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng xen lẫn nỗi nhớ thương đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Quỳnh Lưu