Thứ 7, 23/11/2024, 20:31[GMT+7]

Anh hùng Ngô Văn Lủi: Chiến sĩ đặc công huyền thoại

Thứ 4, 26/04/2023 | 08:41:35
5,947 lượt xem
Đến thăm anh hùng Ngô Văn Lủi, ông dặn tôi phải nói thật to vì ông bị thủng một bên màng nhĩ, đây là di chứng chiến tranh nhưng cũng là kỷ niệm về trận đánh lớn đầu tiên của ông. Ở trận đánh đó, dù bị thương nhưng khi tỉnh lại ông đã tự băng bó vết thương rồi tiếp tục ôm bộc phá lao vào đánh địch.

Anh hùng Ngô Văn Lủi (người ngoài cùng bên phải) kể chuyện truyền thống.

Trận đánh làm nên anh hùng

Ngô Văn Lủi nhập ngũ tháng 10/1968 khi 18 tuổi, nhờ sức khỏe tốt nên được chọn làm lính đặc công, đưa đi huấn luyện đặc công bộ và đặc công nước. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, có lẽ ông nhớ nhất trận đánh sân bay Pochentong (Campuchia), trận đánh đã làm nên tên tuổi của người anh hùng quê lúa sau này.

Năm 1970, quân ngụy của tướng Lon Nol (Campuchia) chỉ có 2 sân bay, trong đó sân bay Pochentong chứa 95% máy bay các loại. Sân bay này được quân đội Mỹ sử dụng để chứa vũ khí, đạn dược, lính chiến đấu và là hậu phương lớn của quân Mỹ, sẵn sàng nhận lệnh đánh phá Việt Nam bằng đường không. Nhiệm vụ của Ngô Văn Lủi cùng đồng đội khi đó được gọi tên chính xác là “đánh Mỹ trên đất Campuchia”.

Sân bay Pochentong được quân đội Mỹ xây dựng kiên cố với hệ thống tháp canh, hàng rào kẽm gai, hàng rào chống tăng dày đặc. Muốn đánh được sân bay này phải trinh sát thực địa nhiều lần để nắm rõ vị trí, các điểm xung yếu và các hướng đánh có thể triển khai. Sau gần 4 tháng trinh sát, các chiến sĩ của ta phát hiện được một đường cống ngầm dẫn vào sân bay, đây là con đường rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong chiến thắng sau này.

Tháng 1/1971, đơn vị của Ngô Văn Lủi nhận lệnh đánh sân bay Pochentong, cụ thể là đánh vào khu vực máy bay, khu sửa chữa máy bay, khu nhà ở của phi công, trung tâm radar và kho bom đạn, xăng dầu, hậu cần. Sau phát súng mở màn, Ngô Văn Lủi ôm bộc phá lao lên. Ông nhớ lại: Tôi vào được khu nhà ở của phi công bằng đường cửa sổ, đặt bộc phá, châm dây cháy chậm rồi nhanh chóng thoát ra. Khi ở đơn vị chúng tôi đã tính toán dây cháy chậm dài 7cm thì phải chạy được 50m bộc phá mới nổ; nhưng không hiểu sao khi đó mới chạy được khoảng 30m thì bộc phá đã nổ, tôi bị sức ép ngất đi. Lúc tỉnh lại thấy máu chảy ra ở ngực và tai, tôi tự băng bó vết thương rồi tiếp tục đánh 4 quả bộc phá loại 1kg vào các dãy nhà ở của phi công. Tổng cộng có 16 máy bay quanh sân đỗ bị đội của tôi tiêu diệt, một mình tôi diệt 9 chiếc. Trận đó đồng đội tôi đánh phá đúng nơi chứa xăng dầu, đạn dược của địch nên chúng tổn thất lớn. Tôi còn nhớ là đơn vị thông báo có tới 115 máy bay, trên 1.000 quân địch bị tiêu diệt, sân bay cháy lớn và phải mất 3 ngày mới dập được lửa. Thời điểm đó chỉ có 67 chiến sĩ đặc công tham gia trận đánh nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, một mình có thể phải đánh với 100 tên địch, hy sinh là điều mà chúng tôi sẵn sàng đối mặt.

Sau trận đánh sân bay Pochentong, Ngô Văn Lủi cùng đồng đội tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn. Với những chiến công vẻ vang của mình, năm 1974, khi tập kết ra Bắc, Ngô Văn Lủi nhận được giấy khen rồi được mời tham dự Đại hội anh hùng thi đua toàn quân.

Bình dị giữa đời thường

Gặp anh hùng Ngô Văn Lủi những ngày gần kề 30/4, chúng tôi được ông dẫn ra tham quan Câu lạc bộ Lê Quý Đôn, nơi ông sinh hoạt cùng nhiều người cao tuổi. Tại đây, ông là thầy giáo dạy môn thái cực trường sinh, chủ nhiệm câu lạc bộ cờ tướng. Bà Lương Thị Loan, tổ 8, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) cho biết: Anh hùng Ngô Văn Lủi là người rất tâm huyết, trách nhiệm với các hoạt động, phong trào của Câu lạc bộ. Anh thường có mặt rất sớm vào buổi sáng để dạy cho những hội viên cao tuổi mới tham gia luyện tập dưỡng sinh, thường xuyên thăm hỏi, động viên những hội viên ốm đau, cao tuổi. Từ khi tham gia lớp dạy thái cực trường sinh của anh Lủi tôi thấy sức khỏe mình tốt lên rất nhiều.

Sinh sống ở tổ dân phố, anh hùng Ngô Văn Lủi luôn được người dân kính trọng và quý mến. Ông tất bật cả ngày với việc đưa đón, chăm sóc các cháu, thường xuyên động viên nhân dân trong tổ đoàn kết, chung sức xây dựng tổ dân phố văn hóa. Ông Vũ Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Thái Bình đánh giá: Đồng chí Ngô Văn Lủi là người rất tâm huyết, trách nhiệm với phong trào, hoạt động của địa phương; luôn tích cực tham gia công tác hội, được nhiều cựu chiến binh nể trọng. Sau khi xuất ngũ, ông đã tích cực tham gia các phong trào của Hội Cựu chiến binh như giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh, thăm hỏi hội viên ốm đau, tiễn hội viên qua đời. Trên cương vị Bí thư Chi bộ, bằng sự khéo léo, uy tín của bản thân đồng chí đã tập hợp, đoàn kết nhân dân tổ 6, phường Tiền Phong hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Anh hùng Ngô Văn Lủi cùng vợ.

Với những thành tích trong chiến đấu, Ngô Văn Lủi nhiều lần được phong tặng dũng sĩ (dũng sĩ quyết thắng, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ diệt máy bay...), 6 lần được tặng Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân chương Quân công cùng nhiều bằng khen của Đảng, Nhà nước. Kể cả khi về hưu, ông vẫn nhận được bằng khen của trung ương và của tỉnh vì những đóng góp tích cực trong xây dựng các phong trào, hoạt động của địa phương.


Tiến Đạt