Thứ 7, 23/11/2024, 19:57[GMT+7]

Những cựu chiến binh khoác áo blouse trắng

Thứ 7, 29/04/2023 | 09:41:56
2,189 lượt xem
Rời quân ngũ trở về quê hương, nhiều người lính tiếp tục gắn bó với nghề y. Khoác trên mình áo blouse trắng, có những lúc phải đối diện với ranh giới sinh tử, giành giật sự sống cho người bệnh, ở họ luôn tỏa sáng bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Bác sĩ Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình (người bên phải) kiểm tra trang thiết bị y tế của bệnh viện.

Chăm sóc sức khỏe quân và dân từ biên giới đến hải đảo

Hơn 30 năm công tác trong ngành y tế, bác sĩ Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình vẫn nhớ như in kỷ niệm những ngày trong quân ngũ, điều trị cho quân và dân trên đảo Bạch Long Vĩ. 

Bác sĩ Bùi Thanh Sơn chia sẻ: Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi tham gia công tác tại Bệnh xá E952 vùng I, Quân chủng Hải quân, đảo Bạch Long Vĩ, rồi lại chuyển sang Đoàn đo đạc biển và biên vẽ hải đồ, Bộ Tham mưu Hải quân. Nhiệm vụ của tôi thời đó là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Quá trình thực hiện khám chữa bệnh trên đảo Bạch Long Vĩ có nhiều khó khăn, thiếu thốn, có những lúc phẫu thuật cho người bệnh phải dùng cả đèn pin, đèn măng xông để chiếu sáng. Song, tình cảm gắn bó của quân dân trên đảo đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả. 

Gần 10 năm gắn bó trong quân đội, bác sĩ Bùi Thanh Sơn đã vinh dự được nhận thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở đảo xa. Đến năm 2006, ông chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình.

Y sĩ, dược sĩ Nguyễn Đức Đạo, Phó Trạm trưởng, phụ trách Trạm Y tế xã Thụy Văn (Thái Thụy) hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam.

Nhập ngũ năm 1981, sau đó được cử đi học y sĩ, đến năm 1984, y sĩ Nguyễn Đức Đạo, xã Thụy Văn (Thái Thụy) được chuyển về Tiểu đoàn 1, Trường Quân chính, đóng quân ở Lạng Sơn. Tại đây, y sĩ Nguyễn Đức Đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ như: giảng dạy, làm công tác quân y trong trường; đi ngoại tuyến phục vụ các đơn vị biên giới; thực hiện tiêm chủng cho trẻ em và khám chữa bệnh cho người dân vùng biên. 

Y sĩ Nguyễn Đức Đạo chia sẻ: Thời điểm đó, nhận thức của một bộ phận người dân vùng biên giới còn nhiều hạn chế. Khi bị sốt, đậu lào, sốt xuất huyết… người dân không gọi thầy thuốc mà thường tìm đến thầy cúng và dùng lá chữa bệnh. Qua nhiều đợt xuống bản tuyên truyền, vận động, dùng đông tây y kết hợp điều trị, người dân mới hiểu cho con tiêm chủng và chữa bệnh theo hướng dẫn của y tế. Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư y tế, có thời điểm dịch sốt xuất huyết, dịch bọ rệp phức tạp, bộ đội trong đó có cán bộ y tế rất vất vả. Lực lượng y tế phải thường xuyên bám bản để phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân tẩm màn, phun thuốc, đồng thời điều tra dịch tễ, tìm nguồn lây… Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quý mến của nhân dân. Đó cũng là động lực để những người chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Nhớ lại thời điểm mới về công tác tại Bệnh viện Đa khoa thành phố, bác sĩ Bùi Thanh Sơn chia sẻ: Thời điểm đó, cơ sở vật chất Bệnh viện đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn. Để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và nâng tầm vị thế của Bệnh viện, tôi đã tham mưu triển khai phát triển phẫu thuật nội soi. Vào thời đó, đây là kỹ thuật ít có bệnh viện tuyến huyện thực hiện được. Từ 512 dịch vụ kỹ thuật, hiện Bệnh viện đã thực hiện được hơn 4.000 dịch vụ kỹ thuật.

Cùng với thực hiện tốt công tác quản lý, đưa Bệnh viện ngày càng phát triển, bác sĩ Sơn còn trực tiếp tham gia phẫu thuật cho người bệnh, can thiệp cứu sống nhiều ca bệnh khó; đồng thời tích cực nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Bác sĩ Sơn là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Với y sĩ Nguyễn Đức Đạo, sau khi xuất ngũ, ông về công tác tại Trạm Y tế xã Thụy Văn. Hiện ông đang đảm nhiệm chức danh Phó Trạm trưởng, phụ trách Trạm Y tế xã Thụy Văn (Thái Thụy). Gần 30 năm trong nghề, y sĩ Nguyễn Đức Đạo luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trạm có lúc còn nhiều thiếu thốn. Khi các trạm y tế gặp khó khăn, thiếu chức danh quản lý, y sĩ Đạo sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở đơn vị công tác mới. Bản chất của người lính đã giúp ông vượt qua tất cả, không chùn bước trước khó khăn. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, y sĩ Đạo cùng nhiều cán bộ, nhân viên y tế tham gia trực chốt kiểm dịch ở cầu sông Hóa. Bên cạnh đó, ông còn tích cực phòng, chống dịch ở địa phương, thực hiện nhiều nhiệm vụ: điều tra truy vết, tiêm vắc-xin… Sự tận tâm, trách nhiệm của y sĩ Đạo được nhiều người dân xã Thụy Văn tin tưởng, quý mến. 

Bà Đào Thị Xuân, thôn An Định chia sẻ: Mỗi khi đến khám chữa bệnh, người dân chúng tôi đều được y sĩ Đạo đón tiếp tận tình, chu đáo. Ông luôn thăm hỏi kỹ các triệu chứng bệnh để hướng dẫn, tư vấn điều trị kịp thời.

Y sĩ Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng (người ngồi giữa) triển khai công tác tiêm chủng.

Kiểm soát bệnh tật là công việc vất vả, đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao song y sĩ Phạm Văn Đồng, Phó khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng luôn tiên phong vào tuyến đầu điều tra truy vết, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch... Y sĩ Phạm Văn Đồng tâm niệm: Phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới làm được công việc này. Đi sớm, về tối, làm cả ngày nghỉ lễ, tết, thậm chí phải chấp nhận rủi ro của nghề. Bất cứ khi nào có thông tin về dịch bệnh là lập tức lên đường. Bản thân tôi từng là người lính nên luôn xác định dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất của người lính, tiên phong đi đầu trong khó khăn.

Chất phác, nói là làm… đó là những gì đồng nghiệp nhận xét về cựu chiến binh, y sĩ Phạm Văn Đồng. Với những cống hiến trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Phạm Văn Đồng đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, Sở Y tế và huyện.

Cùng với hội cựu chiến binh các ngành, địa phương, hiện nay tại nhiều đơn vị y tế đã thành lập hội cựu chiến binh. Đây là nơi để các cựu chiến binh khoác trên mình màu áo blouse trắng giao lưu, học hỏi, cùng ôn lại những ngày tháng trong quân ngũ, đồng thời động viên, chia sẻ và phát huy những kết quả đạt được trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Như Hoàng