Nẻo về đất mẹ
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Đông, hơn 10 tuổi Trần Văn Lai theo đoàn người “tha phương, cầu thực” phiêu bạt vào Nam làm công nhân đồn điền cao su. Trong kiếp nô lệ, đói khổ, bệnh tật, đày ải của đời phu cạo mủ cao su, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh rừng thiêng, nước độc “mỗi gốc cây chôn một thân người công nhân” càng khiến chàng trai “đất mặn đồng chiêm” Trần Văn Lai khôn nguôi căm phẫn giặc Pháp, nung nấu tinh thần giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia hoạt động công vận và nhanh chóng trở thành thành viên rồi tổ trưởng Công hội cao su ái hữu, một tổ chức bí mật bảo vệ cán bộ Nam Kỳ khởi nghĩa. Năm 1945 - 1946, ông là tổ trưởng tổ chiến đấu Thanh niên Tiền phong, những năm tiếp theo ông là tổ trưởng trừ gian phá hoại, Ban công tác thành phố Sài Gòn thuộc chiến khu 7.
Sau Cách mạng Tháng Tám, giặc Pháp bội ước quay trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, ông được tổ chức giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn núp dưới danh nghĩa doanh nhân chuyên ngành xây dựng. Với vỏ bọc này, ông dễ dàng hoạt động ngay trước mũi quân thù. Ông được Chỉ huy Quân khu bí mật cài vào hoạt động tại các cơ quan đầu não của địch như dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng), cơ quan Viện trợ Mỹ USOM và tòa Đại sứ Mỹ… với nhiệm vụ tổ chức xây dựng các cơ sở cách mạng, vận động quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng, trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Bộ Chỉ huy Quân khu các tin tức, tài liệu và tình hình quân địch. Ông cũng đồng thời đảm trách nhiệm vụ đưa đón các đồng chí lãnh đạo đơn vị quân sự, Quân khu ra, vào hoạt động tại Sài Gòn, xây dựng chỗ trú ém, bảo vệ cán bộ của ta ra, vào nội thành được bảo đảm an toàn. Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng được tổ chức giao cho ông nhiệm vụ bằng mọi cách phải xây dựng hầm bí mật ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn hoa lệ để tiếp nhận vũ khí của ta chuyển vào nội thành đồng thời cất giấu bí mật, cẩn thận chờ khi có thời cơ cung cấp cho quân đội ta đánh úp địch từ trong lòng địch. Năm 1965, với vỏ bọc doanh nhân, nhà thầu xây dựng và trang trí nội thất trong dinh Độc Lập, Trần Văn Lai được cách mạng giao vẽ sơ đồ Dinh Độc Lập, nắm quy luật tuần tra canh gác của binh lính địch trong dinh gửi ra Quân khu. Trước đó, ông đã cùng vợ là bà Phạm Thị Phan Chính (nữ biệt động Sài Gòn, hy sinh cuối năm 1964, được suy tôn là liệt sĩ) đã bảo lãnh cho hai cán bộ của ta bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc trở ra chiến khu an toàn. Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn xác nhận: “Vì là nhà thầu khoán, sửa sang, trang trí cho dinh Độc Lập mà anh Năm Lai được cấp giấy ra vào dinh và vì được tự do đi lại để sửa chữa trang trí dinh nên chỉ có anh Năm Lai mới có điều kiện, khả năng vẽ được sơ đồ dinh Độc Lập chuyển ra Bộ Chỉ huy Quân khu an toàn. Khi ấy tôi nhận xét anh Năm Lai đã chịu đựng thời đánh Pháp, giờ đánh Mỹ, đã biểu thị được lòng trung kiên đối với Đảng. Là người có bản lĩnh, mưu trí, dạ, dũng cảm và kinh nghiệm hoạt động đô thị, thực hiện các hoạt động là bình phong qua mắt địch, có thể giữ trọng trách lớn”.
Với kinh nghiệm hoạt động nơi đô thị, ông đã thu thập toàn bộ bản đồ hệ thống đường cống ngầm của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ, phối hợp với ông Nguyễn Văn Giên cắt ra thành nhiều mảnh, đánh dấu ký hiệu thứ tự rồi ngụy trang không để địch phát hiện, dùng ô tô riêng với danh nghĩa nhà thầu khoán xây dựng của dinh Độc Lập vận chuyển ra Quân khu tuyệt đối an toàn. Đại tá Hoàng Đạo, nguyên Trưởng ban Điệp báo Miền, thuộc Phòng 2, Bộ Tham mưu Miền thời kháng chiến chống Mỹ xác nhận: “Một trong những chiến công của Năm Lai là phối hợp với Nguyễn Văn Giên (Ba Giên), một cơ sở của ta trong vai kỹ sư cầu đường lấy toàn bộ bản đồ hệ thống đường cống ngầm Sài Gòn… Việc lấy được bản đồ cống ngầm Sài Gòn giúp quân ta luồn lách, trú ẩn và đánh địch”. Năm 1966, ông dùng xe riêng của mình dưới danh nghĩa doanh nhân Mai Hồng Quế, nhà thầu khoán đưa đồng chí Ngô Thành Vân (tức Ba Đen, thủ trưởng đơn vị Biệt động 159) từ căn cứ về Sài Gòn trinh sát và ngược ra căn cứ an toàn. Sau lần trinh sát và trở ra căn cứ ấy, Ba Đen đã chỉ huy thành công trận tấn công tòa Đại sứ Mỹ dịp tết Mậu Thân 1968. Đầu năm 1969, đánh hơi thấy hoạt động bí mật của ông, quân địch ráo riết truy lùng và treo thưởng cao hòng bắt bằng được biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai. Trước tình hình truy lùng của địch, tổ chức điều ông trở ra căn cứ rồi lui về Quảng Ngãi hoạt động với hồ sơ căn cước tên là Phạm Sửu. Tại đây, từ năm 1970 - 1974 ông hai lần bị giặc bắt, bị tra tấn hết sức dã man nhưng một lòng kiên trung với Đảng, với Quân đội nhân dân Việt Nam, ông không hé răng khai một lời. Quân địch đành thua và giam cầm ông.
Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, tự Mai Hồng Quế, danh nghĩa nhà thầu xây dựng giàu có đô thành Sài Gòn thời ấy có ai biết được đó chính là chiến sĩ biệt động Sài Gòn kiên trung, bất khuất. Những chiến công thầm lặng của ông đã giúp cách mạng tổ chức nhiều đợt tấn công hiệu quả vào sào huyệt và cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, làm cho chúng thất điên bát đảo và hoàn toàn sụp đổ bằng đại thắng mùa xuân ngày 30/4/1975. Ông được trao tặng nhiều bằng khen của Quân khu Sài Gòn - Gia Định do có thành tích xuất sắc tạo chỗ trú ém, tạo cơ sở bí mật cất giấu vũ khí, mở đường qua chiến trường Long Khánh, bảo vệ an toàn cho cán bộ vào nội thành Sài Gòn và trở ra căn cứ, xây dựng hầm bí mật và lái xe đưa đón cán bộ Quân khu hoạt động bí mật trong lòng địch. Kỷ vật thiêng liêng của những năm tháng hoạt động đưa đón cán bộ cách mạng là chiếc xe Volkswagen Beetle từng cùng ông vào sinh ra tử, gắn bó máu thịt nay được con cháu ông hiến tặng cho Bảo tàng Thái Bình xem như hình bóng của ông từ nơi xa xôi hành trình nẻo về đất mẹ.
Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai rời quê hương từ năm 13 tuổi, đi làm thuê kiếm sống rồi giác ngộ cách mạng. Trải qua bao nhiêu gian nan, cực khổ, ông trưởng thành trong sự dìu dắt của cách mạng, ông đã sống, chiến đấu kiên trung, bất khuất vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những kỷ vật gắn bó máu thịt với ông, trong đó có chiếc xe ô tô từng được ông sử dụng để qua mắt kẻ thù được gia đình ông hiến tặng cho Bảo tàng Thái Bình là minh chứng hết sức trung thực và sinh động về cuộc chiến đấu vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng