Thứ 7, 23/11/2024, 19:32[GMT+7]

Tuổi xuân hiến dâng trên tuyến lửa

Thứ 7, 29/04/2023 | 20:53:44
6,789 lượt xem
Chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ghi dấu trang vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Làm nên chiến thắng vĩ đại ấy có đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung, Công an Thái Bình nói riêng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình đã tạm biệt quê hương lên đường chiến đấu, dâng hiến trọn vẹn thanh xuân cho đất nước.

Lãnh đạo Công an tỉnh gặp gỡ, động viên cán bộ tình nguyện tăng cường cho An ninh miền Nam. Ảnh minh họa.

Người anh hùng quê lúa

Trong trang sử vàng truyền thống của Công an Thái Bình, sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ công an Phan Văn Viêm mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Phan Văn Viêm sinh ra và lớn lên trên vùng quê Thụy Ninh (Thái Thụy) giàu truyền thống cách mạng, năm 1947 ông sớm giác ngộ tham gia cách mạng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, với sự gan dạ và tài thao lược trong chiến đấu, trên cương vị xã đội phó xã Thụy Ninh ông tham gia nhiều trận đánh trên các chiến trường và bị thương trên đường số 6 Hòa Bình năm 1953. Tháng 10/1957, ông trở về quê và được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã, rồi Trưởng Công an huyện Thụy Anh. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình tình nguyện lên đường chi viện cho An ninh miền Nam, trong đó có ông Phan Văn Viêm.

Sau khi huấn luyện 1 năm tại Trường C500, vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu, cuối năm 1967, trên cương vị cán bộ Ban An ninh thị xã Kon Tum, ông Viêm cùng đồng đội đánh chiếm nhà lao Mỹ, ngụy tại thị xã Kon Tum trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Sau chiến dịch, ông được đề bạt Trưởng ban An ninh thị xã Kon Tum và phụ trách đội công tác A25. Với bản lĩnh cách mạng, tinh thần mưu trí, dũng cảm của người chiến sĩ an ninh, ông Phan Văn Viêm cùng đồng đội đã tiêu diệt nhiều tên mật vụ, chỉ điểm đầu sỏ khét tiếng, từng bước củng cố các cơ sở bí mật tại địa bàn chiến lược cửa ngõ phía Tây Bắc, thị xã Kon Tum, tạo hành lang vững chắc cho lực lượng ta thâm nhập vào nội thị hoạt động thường xuyên và làm bàn đạp khi mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt của bọn Mỹ - ngụy. Đáp trả lại, địch điên cuồng mở hàng loạt chiến dịch càn quét, bố ráp nhằm tiêu diệt lực lượng an ninh của ta. Trong một lần đi nắm tình hình, bị địch phát hiện và vây bắt, ông Viêm và đồng đội rút xuống hầm bí mật. Địch huy động một lực lượng lớn cảnh sát dã chiến và cả trực thăng bao vây, kêu gọi đầu hàng. Trước tình thế hiểm nguy, các chiến sĩ an ninh của ta hạ quyết tâm thà hy sinh chứ không để rơi vào tay địch, các anh đã bật nắp hầm chiến đấu và anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù. Sau khi mang xác các chiến sĩ phơi giữa sân vận động để uy hiếp, khủng bố tinh thần nhân dân và lực lượng cách mạng, kẻ thù đã hèn hạ đem thi thể các anh đi thủ tiêu, hôm đó là ngày 29/10/1971. Sự hy sinh anh dũng của hai cán bộ an ninh để lại niềm tiếc thương vô hạn và dấy lên cao trào cách mạng trong quần chúng ở vùng cao nguyên. Phan Văn Viêm anh dũng hy sinh cũng đúng như quyết tâm trong bức tâm thư “Hứa hẹn cùng nhau” của ông và người em trai Phan Văn Na cùng viết trước lúc lên đường chi viện cho An ninh miền Nam: “...Trong lúc làm nhiệm vụ, chẳng may rơi vào tay quân thù, thà hy sinh xương máu cũng kiên quyết một lòng không bao giờ phản bội xưng khai”. Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng, ngày 9/11/2004, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Công an nhân dân Phan Văn Viêm. Sau gần 40 năm nỗ lực kiếm tìm, năm 2010 gia đình và đồng đội đã tìm thấy phần mộ và đưa anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm về yên nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà.

Bức tâm thư giao ước và chân dung liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Viêm.

Chiến công đặc biệt của người chiến sĩ an ninh

Năm 1967, chiến sĩ công an Đinh Văn Đãn (quê xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà) nhận lệnh điều động của Công an Thái Bình tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau mấy tháng hành quân bí mật vượt dãy Trường Sơn, ông và đồng đội được phân công làm nhiệm vụ xây dựng và củng cố lực lượng an ninh tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn (Bình Định). Đây là những địa bàn chiến lược ven biển miền Trung nên ngoài việc bố phòng cẩn mật các căn cứ chiến đấu, Mỹ - ngụy còn thẳng tay càn quét đàn áp dã man lực lượng cách mạng. Với vai trò là Phó ban An ninh huyện Hòa Nhơn, ông Đãn đã không quản ngại hy sinh, gian khổ nhiều lần cùng đồng đội vào sát các đơn vị của địch để nắm tình hình, qua đó từng bước xây dựng được lực lượng cơ sở hoạt động bí mật, vận động nhân dân ủng hộ hậu cần, nhân lực phục vụ cách mạng. Trước những diễn biến tình hình chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kể từ sau Hiệp định Paris 27/1/1973, trên chiến trường tỉnh Bình Định cục diện chiến tranh ngày càng có lợi cho cách mạng. Lực lượng công an vũ trang trên địa bàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng nhân dân, tích cực hỗ trợ và phục vụ đắc lực cho lực lượng vũ trang, quân ta đã đánh bại nhiều thủ đoạn, âm mưu hết sức thâm độc, xảo quyệt nhằm hành quân lấn chiếm của chính quyền Sài Gòn nhất là ở phía Đông Phù Mỹ, Bắc Hoài Nhơn, Đông Bắc Tuy Phước...

Hồi tưởng về chiến công đặc biệt của mình, ông Đinh Văn Đãn bồi hồi kể: Tháng 7/1973, tôi trong vai trò chỉ huy một đơn vị công an vũ trang cùng đồng đội từ trên núi bí mật tiến xuống vùng ven biển, nhiều ngày ngụy trang trong rừng sú vẹt dưới sự đùm bọc của nhân dân để làm nhiệm vụ. Một buổi sáng, sự yên tĩnh bị phá nát bởi sự xuất hiện bất ngờ của một chiếc máy bay trực thăng liên tục quần đảo trên khu vực đơn vị đang ẩn nấp, không để địch xác định mục tiêu và gọi máy bay đến ném bom đội hình của ta, chờ chiếc trực thăng bay vòng lại, tôi vừa hạ lệnh chiến đấu vừa trút nguyên băng đạn AK vào thẳng chiếc máy bay. Bất ngờ trúng đạn, chiếc trực thăng lảo đảo rơi và bốc cháy, thấy bóng hai chiếc dù bung ra, tôi hô đồng đội xông lên bắt giặc lái và chạy theo bóng chiếc dù đỏ và xác định phải bắt sống vì đó có thể là chỉ huy địch. Sau khi tiếp đất và bị khống chế, người đeo dù đỏ tự nhận mình là phóng viên của một tờ báo tại Sài Gòn đi lấy tư liệu đã bị tôi và đồng đội đưa vào thuyền của dân khẩn trương sơ tán khỏi hiện trường. Lập tức địch cho máy bay, xe tăng và lực lượng hùng hậu phong tỏa, càn quét khu vực máy bay vừa bị bắn hạ để tìm đồng bọn. Tại căn cứ của ta, trước những lý lẽ sắc bén của người chiến sĩ an ninh dày dặn kinh nghiệm, người “phóng viên” đeo dù đỏ bị tôi bắn hạ và bắt sống kia đã phải cúi đầu thú nhận mình là đại tá tỉnh trưởng Quảng Ngãi đi thị sát chiến trường. Qua khai thác, ta còn biết được viên đại tá ngụy còn có con trai là trung tá đang làm cảng trưởng Sa Huỳnh. Nhận thấy thời cơ có một không hai, tôi liền dùng biện pháp nghiệp vụ liên lạc và vận động người con trai ra hàng cách mạng. Sau đại tiệc liên hoan khiến cả đơn vị địch đều say túy lúy, đúng giờ đã định, người con trai là trung tá ngụy đã dẫn một số lính kéo 2 khẩu lựu pháo theo đường bí mật đã được vạch sẵn chạy về phía ta. Trước thái độ thành khẩn, hợp tác và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, hai bố con tù binh được công nhận hợp tác với cách mạng và lực lượng công an bí mật đưa ra miền Bắc để bảo đảm an toàn.

Với chiến công có một không hai, ông Đinh Văn Đãn được thăng quân hàm vượt khung, giữ chức Trưởng Công an huyện, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Công an huyện Hoài Nhơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục về công tác tại Công an Thái Bình, liên tục cống hiến, được phong quân hàm Đại tá cho đến ngày nghỉ chế độ.

Góp sức cho ngày toàn thắng, trên 300 cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình đã tạm biệt hậu phương, tình nguyện lên đường chi viện cho An ninh miền Nam. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, vượt lên khó khăn gian khổ hy sinh, các đồng chí luôn chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 28 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí để lại một phần xương máu ở chiến trường, nhiều đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Gần nửa thế kỷ kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975 nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ Công an nhân dân quê hương Thái Bình vẫn còn ngời sáng và mãi trường tồn.

Minh Hưng