Thứ 7, 23/11/2024, 19:00[GMT+7]

Thái Thụy - Miền đất sùng văn chuộng võ

Thứ 6, 26/05/2023 | 15:25:12
16,284 lượt xem
Địa danh Thái Thụy với tên gọi một huyện đã xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ năm 1969, trên cơ sở sáp nhập huyện Thái Ninh và huyện Thụy Anh. Khi thành lập, Thái Thụy là huyện có diện tích và dân số lớn vào bậc nhất của tỉnh Thái Bình với 48 xã, thị trấn. Thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã vào năm 2020, Thái Thụy có 36 xã, thị trấn. Từ thuở hồng hoang đến nay, “sóng ngàn năm vỗ bờ”, đất Thái Thụy ngày một rộng mở hơn và bề dày truyền thống sùng văn chuộng võ của miền đất biển này ngày thêm được bồi tụ.

Khu dân cư xã Hồng Dũng (Thái Thụy).

Ngược dòng lịch sử nhìn về nguồn cội có thể thấy, đa phần các làng xã của huyện Thụy Anh được hình thành sớm hơn so với Thái Ninh. Là dải đất cận kề chân sóng nhưng những mũi tên, mũi giáo, đồ đồng từng phát hiện được ở thị trấn Diêm Điền đã cho thấy vào thời đại đồng thau, cách ngày nay chừng hơn 2.000 năm ở những làng cổ của Thái Thụy đã có cư dân sinh sống.

Đất đai, cư dân được hình thành từ hàng nghìn năm về trước nhưng địa danh Thụy Anh thì ra đời từ thời Hồng Đức (1470 - 1497), do việc đổi tên từ huyện Thái Bình. Cũng như vậy, địa danh Thái Ninh ra đời thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII), do việc đổi tên từ huyện Thanh Lan. Tuy nhiên, về địa danh, địa dư, duyên cách giữa Thụy Anh và Thái Ninh đã có khá nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Ví như, vào thời xưa, ở huyện Thụy Anh có câu ca: “Đầu huyện là xã Ninh Cù/Cuối huyện là xã Bích Du, Sơn Đường”, nhưng sau Bích Du, Sơn Đường lại cắt chuyển về huyện Thái Ninh.

Vào đầu thế kỷ XIX, sử gia Phan Huy Chú  đã viết trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Huyện Thụy Anh thì người cứng cỏi (võ)... Huyện Thanh Lan (Thái Ninh) thì đứng đầu cả xứ miền dưới về học hành, khoa cử (văn)...”. Đó là một nhận định mang tính khái quát, tương đối sát với lịch sử. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã chứng minh là Thái Ninh và Thụy Anh đều rạng ngời cả về văn lẫn võ.

Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nhân học đã cho biết lớp dân cư đầu tiên đặt chân đến sinh sống ở những rẻo đất cổ của Thái Thụy khi mới hình thành là nhóm người Nam Á, sống bằng nghề đánh bắt cá trên các thuyền mủng theo gió nam trôi dạt vào. Tiếp theo là các luồng cư dân về sinh kế cùng một bộ phận tìm đến đất này tựa dựa để xây dựng căn cứ, thực hiện mưu đồ chống xâm lăng. Từ thời Hai Bà Trưng (40 - 43) đất ven sông Hóa, sông Diêm đã có những thủ lĩnh đứng lên chống giặc Hán, nay vẫn còn đền thờ ở các làng ven hai sông. Thời Tiền Lý (544 - 602) dân cư ở những rẻo đất cao như Sơn Đường, Hoành Sơn, Man Sơn... đều theo Lý Bí khởi nghĩa. Từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê... các triều đã cử nhiều tướng súy đến canh giữ miền biển mà dân các làng Quang Lang, Vạn Đồn, Lưu Đồn... đã thờ làm thành hoàng. Các vị vua Lý (1010 - 1225) trên đường hành binh đi dẹp loạn ở phương Nam từng qua vùng đất Thái Thụy và đã đưa một số tù binh về mở đất lập làng Phương Man. Vào thế kỷ XIII - XIV, triều đình khuyến khích các bậc công hầu, khanh tướng về mở mang các điền trang, thái ấp ở vùng hạ lưu sông Hóa, sông Diêm, sông Trà Lý, coi đó là một trong những kế sách quan trọng để hưng nghiệp, giữ nghiệp nhà Trần. Các bậc đại phu như: Bùi Công Bình, Nguyễn Liêu Công, Dương Mãnh Đại... được vua Trần Thái Tông (1225 - 1257) cử về lập ấp Vạn An, xây dựng hành cung Lưu Đồn thường gọi là cung Trần vương dã ngoại. Ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Nghìn, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt đã chiêu tập dân tứ xứ về khai khẩn lập ấp Đa Bối, nay là làng Bái Thượng. Ba chị em công chúa Quý Minh, Bảo Hoa, Quang Ánh con vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377) đã về mở đất ở các làng Giắng, Quài, Sặt...

Thời Lê (thế kỷ XV - XVII), miền đất Thái Thụy có nhiều nhân tài kiệt hiệt, học rộng đỗ cao có võ công văn nghiệp để đời. Nhiều người làm quan đến hàm Thượng thư (tương đương bộ trưởng) như Hình bộ Thượng thư Nguyễn Mậu (làng Bích Du, xã Thái Thượng); Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Định (làng Văn Hàn, xã Thái Hưng); Hình bộ Thượng thư Quách Đình Bảo (làng Phúc Khê, xã Thái Phúc); Lại bộ Thượng thư Quách Hữu Nghiêm (em trai Quách Đình Bảo); Hộ bộ Thượng thư kiêm Lễ bộ Thượng thư Đinh Trinh (làng Vị Khê, xã Dương Hồng Thủy)...

Đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX) Tiến sĩ Phạm Thế Hiển (làng Luyến Khuyết, xã Thụy Phong) là một trí thức đại khoa kiêm toàn đức tài, văn võ. Sau khi thi đỗ ông đã được giao nhiều chức tước cả ngạch văn và ngạch võ ở trong triều ngoài trấn. Khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, Phạm Thế Hiển là người kiên trì chủ chiến, được giao chức Tham tán quân vụ cùng Nguyễn Tri Phương lo chống giặc, bảo vệ Gia Định và qua đời tại Phú Yên khi đang trên đường về kinh thành Huế.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, Tạ Hiện (làng Quang Lang, xã Thụy Hải) khi đang làm Đề đốc Định An (Nam Định - Hưng Yên), thấy cảnh bạc nhược của triều đình Huế bèn từ quan, đứng ra tập hợp nghĩa quân vũ trang chống Pháp và đã liên kết được phong trào rộng khắp ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... khi quân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1883). Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương (1885) đã phong Tạ Hiện làm Đô thống quân vụ Bắc Kỳ. Chung cục, do hoàn cảnh lịch sử, cuộc vũ trang cần vương của Tạ Hiện và các thủ lĩnh khác đã lần lượt thất bại và ông bị Pháp sát hại vào năm 1892.

Đầu tháng 2/1930, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì một người con ưu tú của Thái Thụy là Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong 5 người tham gia sáng lập Đảng.

Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Thụy có những làng kháng chiến tiêu biểu như: Thần Đầu, Thần Huống, Quang Lang, An Định, An Cố, Phúc Khê, Kha Lý... Thái Thụy là huyện có những con người đã gắn liền với lịch sử dân tộc: Tạ Quốc Luật, người chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Bùi Quang Thận, người cắm cờ chiến thắng lên dinh Độc Lập năm 1975. Là huyện có tới 1/3 số xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Về phương diện học hành, khoa cử, Thái Thụy là đất học. Thời phong kiến miền đất này có tới 25 vị đỗ tiến sĩ, chiếm xấp xỉ 20% số tiến sĩ Nho học ở Thái Bình. Một số trí thức đại khoa của Thái Thụy đã trở thành danh nhân đất Việt từng để lại những thi văn tập truyền đời hoặc thơ hay, sứ giỏi lừng lẫy tiếng tăm đất Bắc. Mạch nguồn hiếu học thành danh dồi dào từ ngàn xưa của Thái Thụy đang được tỏa rạng ở thời đại mới.

Thái Thụy còn là một vùng văn hóa văn nghệ dân gian mang sắc thái riêng của cư dân đồng biển. Ca dao, dân ca ở đất này khá phong phú, có nhiều làn điệu dân ca như hò chèo thuyền đánh cá, hát đò đưa, hát diễn chèo, hát văn hầu bóng... dường như nhiều hơn hẳn các huyện trong tỉnh. Lễ hội dân gian ở Thái Thụy với những lễ thức cổ xưa cùng những tục, những trò đua tài thi khéo mang đậm tính thượng võ, tiêu biểu là tục múa ông Đùng bà Đà ở hội làng Quang Lang, tục thi vật cầu ở hội đền Hét, tục đua chải ở hội đền Thuận Nghĩa, tục hát văn hầu bóng ở nhiều hội đền thiêng nơi ven sông, cửa biển như đền Hệ, đền Chòi, đền Hạ Đồng...

Mấy thập niên qua, trên con đường đổi mới và hội nhập, những tinh hoa truyền thống mang dấu ấn sùng văn chuộng võ ở Thái Thụy đã và đang được khai thác, phát huy. Hẳn là, trên chặng đường mới, sức mạnh nội sinh từ những tinh hoa ấy sẽ góp phần thiết thực vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của miền đất này.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương