Đổi thay trên vùng đất Quang Thẩm anh hùng
Xã Quang Thẩm anh hùng xưa
Xã Hồng Phong dưới chế độ cũ là tổng Thái Phú. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xã được đặt tên là Quang Thẩm theo tên của người chiến sĩ cách mạng quê hương. Từ năm 1956 - 1975, xã chia tách thành xã Vũ Hồng, xã Vũ Phong, từ năm 1976 đến nay sáp nhập lại thành xã Hồng Phong.
Tháng 9/1929, đồng chí Phạm Quang Thẩm, người con ưu tú của quê hương, đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng đã rải truyền đơn kêu gọi nhân dân tổng Thái Phú nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Một mặt từng bước xây dựng tổ chức đảng, mặt khác, đồng chí Phạm Quang Thẩm thu hút, tập hợp đông đảo nhân dân các làng Tương Đông, Kênh Đào tham gia các tổ chức quần chúng và thành lập Hội Sư tử ở làng Chi Phong, bí mật tổ chức cho 40 người thường xuyên luyện tập võ nghệ phục vụ cách mạng.
Năm 1939, Phạm Quang Thẩm bị giặc bắt, Chi bộ Thuận An cử đồng chí Phạm Quang Thưởng - đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương đến tổng Thái Phú tiếp tục xây dựng, lãnh đạo các phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng, người dân tổng Thái Phú cùng nhân dân trong tỉnh, trong huyện vùng dậy khởi nghĩa, ngày 25/8/1945 đã giành chính quyền. Tên xã Quang Thẩm ra đời từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, kéo dài đến năm 1955, vừa là sự ghi nhận của nhân dân với người chiến sĩ cách mạng kiên trung vừa là minh chứng cho truyền thống kiên cường, bất khuất của người dân nơi đây.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Hồng Phong đã kiên cường đương đầu với trên 50 trận càn của địch; tiêu diệt và làm bị thương 123 tên địch, bắt sống 50 tên, đập tan âm mưu lập tề của thực dân Pháp và tay sai ở địa phương. Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Phong được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 26 huân chương, 178 huy chương các loại, 85 bằng khen, 63 bằng Tổ quốc ghi công; 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 184 gia đình được tặng bảng vàng danh dự, 21 gia đình được công nhận là cơ sở kháng chiến... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Hồng Phong đóng góp cho đất nước trên 1.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trên 500 tấn lương thực, gần 1.500 tấn thịt lợn hơi, hàng trăm tấn kén cho công nghiệp quốc phòng, hàng vạn ngày công, đặc biệt phối hợp với tỉnh Nam Hà bắn rơi 1 máy bay Mỹ trên bầu trời sông Hồng năm 1969, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2019, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hồng Phong được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Hồng Phong đổi mới ngày nay
Kết thúc hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Hồng Phong đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế. Tận dụng lợi thế vùng đất bãi phù sa màu mỡ, xã lãnh đạo, vận động nhân dân kiên trì, vượt khó lấy sản xuất nông nghiệp làm điểm tựa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt duy trì và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, Hồng Phong là xã duy nhất của huyện Vũ Thư duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm. Với quy mô 257ha dâu, xã hiện có hơn 1.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm, 18 hộ ươm tằm giống, 8 đại lý thu mua kén tằm, tổng thu nhập của nhân dân toàn xã từ nghề trồng dâu, nuôi tằm và kinh doanh dịch vụ trứng giống, kén tằm đạt 80 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Duy Dũng, thôn Thái Phú Thọ thực hiện dịch vụ cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm tại xã Hồng Phong. Ông Dũng cho biết, mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường hơn 1 tạ trứng tằm giống và thu mua trên 120 tấn kén tằm. Kinh doanh trên nền tảng nghề truyền thống của địa phương, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 3 - 5 lao động địa phương. Các hộ không kinh doanh cũng dễ dàng có thu nhập 10 - 40 triệu đồng/hộ/tháng từ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nghề truyền thống thực sự đã mang lại thu nhập ổn định, thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.
Thu nhập của người dân được nâng lên tạo điều kiện đóng góp, ủng hộ để xã đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Nguồn lực của nhà nước, nhân dân và sự chung sức của con em quê hương, Hồng Phong huy động được 21,5 tỷ đồng và gần 10.000 ngày công tiến hành xây dựng nông thôn mới. Nếu như năm 2010, xã mới chỉ đạt 3 tiêu chí nông thôn mới thì năm 2017, Hồng Phong đã hoàn thành 100% tiêu chí, về đích nông thôn mới. Diện mạo làng quê Hồng Phong hôm nay khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Đảng viên Nguyễn Đức Thành, 78 tuổi đời, 54 năm tuổi đảng, thôn Phan Xá, xã Hồng Phong chia sẻ: Giai đoạn 1976 - 1980, nông thôn lạc hậu, nghèo nàn, người dân thì đói ăn, túng thiếu, không được học hành đầy đủ. Từ chỗ chỉ mưu cầu ăn no, mặc ấm thì nay bà con đã có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, dân trí tiến bộ. Làng quê khang trang, giao thông thuận tiện, điện thắp sáng khắp ngõ xóm. Cuộc sống đổi thay tới mức, lớp người cao tuổi chúng tôi, đôi lúc cứ ngỡ như mình đang nằm mơ, sung sướng, hạnh phúc khôn kể xiết. Chúng tôi luôn khắc ghi công ơn Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha ông đi trước đã soi sáng con đường cách mạng để chúng tôi được hưởng vinh quang hôm nay.
Ông Trần Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Phong cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo nhân dân khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, tranh thủ thời cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trong đó tiếp tục định hướng, quan tâm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm bền vững gắn với định hướng phát triển du lịch để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, xã khai thác tối đa các nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm về đích nông thôn mới nâng cao nhằm tiếp tục đổi thay diện mạo nông thôn Hồng Phong khang trang, hiện đại hơn. Truyền thống kiên cường của cha ông xưa là động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hồng Phong ngày nay đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên dựng xây cuộc sống mới, sung túc, tươi đẹp hơn.
Người dân xã Hồng Phong duy trì và phát huy tốt nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, đời sống hiện nay.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh