Chủ nhật, 10/11/2024, 05:32[GMT+7]

Từ vùng đất sình lầy đến vóc dáng đô thị hiện đại

Thứ 6, 01/09/2023 | 07:04:56
13,942 lượt xem
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, thành phố Thái Bình nay đã có nhiều đổi thay từ những góc phố, con đường hay các công trình xây dựng, giao thông. Thành phố đang từng ngày vươn xa, tạo nên vóc dáng của một đô thị hiện đại mang nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa.

Thị xã Thái Bình được thành lập muộn so với thị xã của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ - năm 1890. Tuy nhiên, cách đây 2.000 năm, mảnh đất này đã có dân cư từ nhiều địa phương hội tụ sinh sống. Trải qua quá trình vật lộn, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã hoành hành, để trụ vững, nhân dân thị xã xưa đã cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy cỏ dại thành vùng đất trù phú với địa danh Kỳ Bố Hải Khẩu. Trong quá trình đấu tranh với giặc giã và cải tạo thiên nhiên, cư dân thị xã Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp, với nhiều truyền thống đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục cải tạo thiên nhiên; có nền văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc; có nhiều ngành nghề thủ công nổi tiếng; có truyền thống hiếu học; đặc biệt là truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước chống giặc ngoại xâm và đấu tranh với các thế lực cường quyền, phong kiến phản động.

Vị trí địa lý cùng với những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp đó là tiền đề thuận lợi để Kỳ Bố Hải Khẩu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thái Bình; đồng thời cũng là địa bàn sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chi bộ Đảng Cộng sản thị xã Thái Bình là chi bộ được thành lập sớm (ngày 30/6/1929) ngay sau khi thành lập Đảng bộ Cộng sản Thái Bình. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân có ánh sáng cách mạng chỉ đường và đã giành được nhiều chiến công hiển hách. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân thị xã đã tiễn đưa trên 14.000 người con thân yêu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Kết thúc chiến tranh có 1.960 anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng đất nước, quê hương, 1.659 thương binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thái Bình lại tiếp tục phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức do hậu quả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ để lại. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Diện mạo thị xã ngày càng khang trang, sạch đẹp. Năm 2003, thị xã Thái Bình được công nhận đô thị loại III; một năm sau, Chính phủ thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình. Ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.

Gần 70 năm trôi qua, kể từ ngày thành lập, thành phố Thái Bình đã không ngừng đổi thay và lớn mạnh. Thay cho những nhịp chèo mải miết năm xưa là những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Trà Lý đang từng ngày góp sức cho sự phồn thịnh của đất nước. Từ những đầm lầy, ruộng hoang đã mọc lên nhà cửa phố xá khang trang, những trung tâm thương mại sầm uất giữa phố xá đông vui, dần xóa nhòa những nét thô mộc, lam lũ của một phố thị cách đây chưa xa. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực, ra sức khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại. 

Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song thành phố vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch hàng năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Công tác tài chính, thu ngân sách bảo đảm yêu cầu kế hoạch. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt mức cao. UBND thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và tổ chức triển khai thực hiện ngay, đồng bộ các nhiệm vụ để cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Cơ bản hoàn thiện đồ án quy hoạch chung thành phố Thái Bình đến năm 2035, từng bước hoàn thành và phủ kín các quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có một số quy hoạch tại các khu vực đô thị quan trọng để phát triển đô thị (khu vực ven sông Trà Lý, khu đô thị hiện hữu, khu vực phía Tây Bắc thành phố, khu vực phát triển đô thị tại các xã Đông Mỹ, Vũ Lạc, Vũ Phúc…); các quy hoạch chi tiết đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư: quy hoạch các khu đất tạo nguồn, quy hoạch chi tiết tại quy hoạch phân khu ven sông Trà Lý, quy hoạch nút giao Phúc Khánh, quy hoạch mở rộng đường Hai Bà Trưng và chỉnh trang khu đất sân vận động, quy hoạch chi tiết khu trung tâm tại phường Lê Hồng Phong... Tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các tồn tại, tháo gỡ dứt điểm một số nút thắt, điểm nghẽn góp phần tạo cảnh quan, nâng cao năng lực giao thông, chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội; đến nay đã hoàn thành đường Chu Văn An, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Ngô Quyền; cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu...

Có được những thành tựu to lớn đó là do nhân dân thành phố Thái Bình đã phát huy truyền thống anh hùng, củng cố khối đại đoàn kết cùng nhau nỗ lực khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để vững bước xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Minh Nguyệt