Thứ 7, 09/11/2024, 22:24[GMT+7]

Cựu quân nhân tích tụ ruộng đất cho thu nhập cao

Thứ 4, 08/11/2023 | 09:22:45
13,413 lượt xem
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Nguyễn Ngọc Duy, thôn Vĩnh Ninh, xã Tây Ninh (Tiền Hải) gắn bó với đồng ruộng từ năm 2008, khi đó trong tay chỉ có gần 2 mẫu ruộng của gia đình. Chứng kiến những “bờ xôi ruộng mật” bị người dân bỏ hoang, anh cùng gia đình quyết định vận động bà con cho thuê lại gần 100 mẫu ruộng để xây dựng cánh đồng lớn, cấy lúa hàng hóa.

Anh Nguyễn Ngọc Duy đầu tư máy cuốn rơm

Nguyễn Ngọc Duy chia sẻ: Thời điểm đầu mới ra đầu tư, tôi gặp rất nhiều khó khăn do cỏ mọc um tùm, nhiều chuột, hệ thống tưới, tiêu chưa có nên hiệu quả sản xuất không cao. Sau đó tôi đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình cấy lúa quy mô lớn, cải tạo đồng ruộng, đầu tư cấy lúa hàng hóa. Tuy nhiên, gia đình tôi vốn ít lao động, nếu như cứ thuê khoán nhân công thì tốn kém, hiệu quả lại không cao bằng trực tiếp quản lý. Vì vậy tôi đầu tư gần 1,4 tỷ đồng để mua máy gặt, máy cấy, máy cuốn rơm, máy làm mạ khay, máy bay phun thuốc trừ sâu và phân bón... phục vụ sản xuất. Khi đầu tư máy móc móc hiệu quả cao hơn rất nhiều, nhất là khi phun thuốc trừ sâu bằng máy trên diện tích lớn sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, kịp thời vụ và không hại đến sức khỏe. Nhiều hộ dân thuê gia đình tôi làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp nên có thêm thu nhập đáng kể. 

Với gần 100 mẫu ruộng, anh Duy cấy giống lúa BC15, vụ xuân năm 2023 thu về hơn 100 tấn thóc. Gia đình liên kết với 2 cơ sở bảo đảm đầu ra cho toàn bộ sản phẩm. Anh chia sẻ: Tùy theo giá thành c-ủa thóc tươi hoặc thóc khô thời điểm thu hoạch cao hay thấp sẽ quyết định bán, từ đó sẽ tối đa lợi nhuận. Sau khi trừ chi phí, mô hình tổng hợp giúp gia đình tôi thu về 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Hiện nay, mô hình tích tụ ruộng đất cấy lúa hàng hóa ổn định, anh Duy mong muốn được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để gia đình có diện tích đất đủ rộng để đầu tư xây dựng kho bảo quản nông sản và máy sấy công nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất của gia đình và làm dịch vụ bảo quản, sấy thóc cho bà con. Anh cho biết thêm: Hiện nay người dân không có chỗ phơi thóc nên cứ đến vụ thu hoạch lại phơi ra đường giao thông, không bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm cũng không đạt yêu cầu nên nếu có kho và máy sấy thóc phục vụ bà con sẽ mang lại rất nhiều tiện ích, nâng cao giá trị hạt gạo. 

Ông Phạm Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tây Ninh cho biết: Địa phương hiện có 20 gia đình tích tụ từ vài chục tới cả trăm mẫu ruộng cấy lúa nhưng anh Nguyễn Ngọc Duy là người trẻ, dám nghĩ, dám làm, tiên phong đầu tư máy móc vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của địa phương nên ngoài cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất của tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền xã chủ động phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo HTX DVNN điều tiết bảo đảm giá làm đất, cấy máy, thu hoạch lúa phù hợp, thúc đẩy sản xuất phát triển. Những năm tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ không có nhu cầu cấy lúa nhượng lại ruộng cho các hộ có nhu cầu, mở rộng mô hình tích tụ ruộng đất như của gia đình anh Duy, từng bước xây dựng thương hiệu gạo Tây Ninh không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Anh Nguyễn Ngọc Duy đầu tư máy bay phun thuốc trừ sâu để thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp.

Tiến Đạt