Thứ 7, 09/11/2024, 22:23[GMT+7]

Ngọc Đường “công vinh quảng nghiệp”

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:31:16
13,671 lượt xem
Ngọc Đường là một làng cổ, sau chia thành hai làng là Nam Đường và Cao Bạt, nay thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương. Vào thời thuộc Pháp, “lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường” không chỉ vang danh trong nước mà còn theo con đường tơ lụa đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu. Cho đến nay, với “lụa Bộ La, là Sóc” đã coi như khó có thể khôi phục, nhưng đũi Ngọc Đường thì mấy thập niên qua đã có những năm tháng “thăng hoa” để trở thành làng dệt đũi Nam Cao, nổi danh trong và ngoài nước.

Dệt đũi Nam Cao. Ảnh: Thu Thủy

Hiện chưa đủ cứ liệu để xác định nghề dệt đũi Ngọc Đường có từ bao giờ. Có một số truyền thuyết cho rằng nghề này đã có từ khoảng hơn 400 năm trước. Theo gia phả của một số dòng họ trong hai làng Nam Đường - Cao Bạt và một số làng lân cận thì được biết vào những năm đầu thế kỷ XVIII, ở hai làng này đã có nghề dệt đũi. Nhiều cụ cao niên ở Thái Bình cho rằng cái dải lưng xanh trong câu ca: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh...” thường nghe ở nơi này, nơi kia chính là cái thắt lưng được dệt bằng vải đũi nhuộm màu xanh. Còn nhiều bậc cao niên ở Kiến Xương thì cho rằng, thuở trước khung dệt của Nam Đường - Cao Bạt vốn dệt đũi khổ nhỏ chuyên nhuộm màu để làm thắt lưng và may quần áo tế trong các lễ hội. Trước năm 1945, các cô gái con nhà quyền quý từ thị thành đến thôn quê đều rất ưa dùng thắt lưng bằng vải đũi nhuộm xanh, nhuộm đỏ theo các gam màu đậm, nhạt khác nhau vốn được dệt từ Nam Đường - Cao Bạt.

Cũng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, dưới thời phong kiến việc truyền nghề của làng rất nghiêm ngặt. Do vậy, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén vốn phát triển ở nhiều làng xã thuộc đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nhưng nghề dệt lụa, là, đũi, nái, lĩnh, nhiễu... từ tơ tằm thì chỉ khép kín ở một số làng. Riêng nghề dệt đũi nổi tiếng chỉ bó hẹp trong làng Ngọc Đường.

Khi người Pháp sang cai trị vào nửa cuối thế kỷ XIX, người sành mặc Âu phục thường ưa dùng vải đũi để may áo và làm vải lót cho các bộ comple sang trọng. Những người thợ dệt đũi Nam Đường - Cao Bạt đã khôn khéo cải tiến khung dệt để mở rộng khổ đũi đáp ứng kịp thời nhu cầu của giới tiêu dùng quý phái.

Những thập niên đầu thế kỷ XX, nghề dệt đũi ở Cao Bạt - Nam Đường khá thịnh đạt. Có những năm vải đũi Tuýt So được dệt từ hai làng này đã được xuất khẩu sang Pháp với số lượng lớn. Theo trí nhớ của một số cụ già ở xã Nam Cao thì vào khoảng những năm 1936 - 1939, đũi Ngọc Đường đã được trưng bày triển lãm ở Pari. Bấy giờ, có nghệ nhân tài hoa có công mở mang thêm nghề dệt đũi đã được Tuần phủ Thái Bình ban tặng bức đại tự khảm 4 chữ mạ vàng: “Công vinh quảng nghiệp” (mở mang làm rạng rỡ nghề).

Sản phẩm đũi Nam Cao được dệt thủ công bằng tơ tằm có những đặc tính riêng, độc đáo. Mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, nhuộm màu, giặt sạch và mau khô... phù hợp với điều kiện tự nhiên và sở thích người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới nên được các bạn hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trong khoảng 30 năm (1955 - 1985), nghề dệt đũi ở Nam Cao vẫn được duy trì nhưng có thời điểm bị thu hẹp lại với một vài hộ trong xã sản xuất nhỏ lẻ, cầm chừng và cũng có những năm tháng tưởng chừng như nghề này đã mai một hẳn ở đất Ngọc Đường - Nam Cao.

Vào đầu những năm 1960, các làng nghề đi vào sản xuất tập thể theo cơ chế tập trung và hợp tác xã dệt Nam Hưng được thành lập. Sau nhiều năm hoạt động theo cơ chế bao cấp, sản xuất thua lỗ, hợp tác xã giải thể và từ đó, nghề dệt đũi chỉ còn ở từng gia đình.

Vận hội mới đã đến với đũi Ngọc Đường từ giữa những năm 1980 và phát triển rực rỡ trong vòng gần hai thập kỷ, đúng với nghĩa là “Công vinh quảng nghiệp”. Trong những năm 1985 - 1990, nghề đũi Nam Cao đã nổi danh ở thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu đi nhiều nước Đông Âu. Vào những năm này, mỗi năm làng đũi Nam Cao tiêu thụ chừng 4.000 - 5.000 mét vuông sản phẩm. Hàng làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, cả làng căng sức ra làm nghề này. Ngay cả những người lạc quan nhất thì vài năm trước đó cũng không thể mơ thấy được rằng nghề dệt đũi đã làm “thay da đổi thịt” mảnh đất này. Đường nhựa sớm chạy dọc xã, nối liền với trục đường huyện. Đường vào các xóm và đến tận các hộ gia đình đều lát gạch hoặc đổ bê tông. Những biệt thự tân kỳ nối tiếp nhau vươn cao hơn những cây cổ thụ.

Khi thị trường Đông Âu mất đi, đũi Nam Cao gặp khó khăn. Việc sản xuất bị lắng lại một thời gian ngắn. Nhưng rồi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đũi Nam Cao đã nhanh nhạy hơn các làng nghề khác, họ kịp thời chuyển hướng sang thị trường Lào, Campuchia và các nước Tây Á. Nghề dệt đũi lại phát triển và còn có sức bật mạnh hơn xưa. Từ xã Nam Cao vươn ra tới cả các xã lân cận như Lê Lợi, Đình Phùng, Quốc Tuấn...

Trong xu thế chung của những năm đầu đổi mới, nhiều làng nghề thủ công truyền thống trong cả nước phục hồi và đua nhau phát triển. Nghề dệt các mặt hàng từ tơ tằm của nhiều làng nghề cũng nhanh chóng được chấn hưng. Trong tỉnh có lụa Phương La, ngoài tỉnh có lụa Vạn Phúc (Hà Nội) đã sớm nổi danh. Nhưng vào thời điểm ấy, đũi Nam Cao đã trở thành hàng độc nhất vô nhị trong làng dệt Việt Nam.

Có lẽ, điều làm cho các sản phẩm đũi của Nam Cao trở nên độc đáo, thu hút được nhiều khách hàng sành dùng đồ tơ lụa trong và ngoài nước quan tâm là bởi nó được sản xuất cơ bản theo phương pháp thủ công cổ truyền vốn có. Ðó không phải là những sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt mà là hàng được làm thủ công đòi hỏi sự công phu cần mẫn, khéo léo của người thợ dệt Nam Cao. Khó có thể thấy hết được những công sức lao động, sự sáng tạo và cả những kinh nghiệm, những bí quyết, bí truyền của người Nam Cao trong các công đoạn từ tẩy chuội, xe sợi, nhuộm màu... để từ những mảnh kén tằm, những gốc đũi tưởng chừng như chỉ còn là phế thải lại được những người thợ ở Nam Cao biến thành những tấm đũi mềm mại với những gam màu đất, nâu đỏ, tím tía, rợn hồng, xanh lục, xanh lơ...

Những năm đầu mới khôi phục, nghề dệt đũi tập trung các cơ sở dệt ở xã Nam Cao, mấy năm sau đó đã lan tỏa ra 15 xã vệ tinh lân cận. Khi cao điểm, nghề dệt đũi đã có hơn 2.700 khung dệt, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động ở các xã. Các khung dệt thủ công này hầu hết đã được cơ giới hóa, điện khí hóa, vừa giảm sức người lại cho năng suất cao hơn. Trong làng dệt đã hình thành các doanh nghiệp tư nhân, các tổ hợp dệt và các hộ cá thể chuyên dệt. Các khâu cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm đều đã có những doanh nghiệp chuyên lo. Thợ dệt chỉ cần tăng năng suất, bảo đảm chất lượng là có thu nhập khá. Hàng chục doanh nhân là chủ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng đũi trong làng luôn tất bật ngược xuôi tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, dường như không muốn thỏa mãn với các thị trường quen thuộc như Lào, Thái Lan, Tây Á... và họ đã cạnh tranh được ở các thị trường khó tính của một số nước Đông Á, châu Âu. Đến năm 2002 tại xã Nam Cao có một số doanh nghiệp tiêu biểu của làng như dệt nhuộm Đông Thành, dệt Đài Hòa, dệt An Liên, dệt Quang Bình... đã có tiếng tăm trong ngành dệt may của Việt Nam. Từ một xã đất ít, người đông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Nam Cao với nghề dệt đũi truyền thống đã trở thành điểm đến của một điển hình phát triển làng nghề của tỉnh Thái Bình.

Nghề dệt đũi Ngọc Đường - Nam Cao nổi cồn trong cơ chế mới nhưng rồi cũng thu mình, trầm xuống từ chính cơ chế này. Vào những năm 2005 - 2007, mặt hàng đũi gặp khủng hoảng thị trường, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao nên các doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, buộc họ phải hạ giá mua vào và hoạt động cầm chừng. Các hộ gia đình có máy làm hàng gom cho các doanh nghiệp cũng trữ tơ để chờ đũi lên giá mới dệt. Kẻ đến, người đi tìm mua tơ, bán đũi ở Nam Cao không còn tấp nập như vài năm trước đó. Số lượng đũi xuất khẩu của các doanh nghiệp trong xã chỉ bằng một phần rất nhỏ so với những năm thịnh vượng. Từ hàng chục nghìn lao động trong nghề dệt đũi chỉ còn lại một số ít vẫn đang mài miệt tìm đường ra với nghề này.

Hiện tại, sản lượng và doanh thu từ nghề dệt đũi ở Nam Cao có sa sút nhưng tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của làng nghề này lại đang có những tín hiệu phát triển tốt. Số lượng khách du lịch từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... tìm đến đến trải nghiệm trong ngày đang ngày một thêm nhiều. Hy vọng là nghề dệt đũi từng có danh tiếng “Công vinh quảng nghiệp” sẽ tiếp tục được tỏa sáng trên những chặng đường mới.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)