Ngoại Lãng ngàn xưa văn hiến
Thần tích và các đạo sắc cho biết, làng Ngoại Lãng thờ Giang sứ Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) là Khai ấp bản cảnh Thành hoàng. Đền Cầu Vường và đình Ba tọa lạc trong một quần thể kiến trúc khá nguy nga tráng lệ là nơi duy trì nghiêm cẩn sự lệ thờ Thành hoàng của làng với những lễ thức cổ xưa. Vào đầu những năm 1950, đình Ba đã bị giặc Pháp tiêu hủy khi chiếm đóng Thái Bình, đến nay chưa phục dựng được xứng tầm, nhưng sự tri ân của các thế hệ cư dân Ngoại Lãng với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận thì không hề nhạt phai. Đó là sự tri ân mang đậm tính nhân văn theo tâm thức “uống nước nhớ nguồn” với một bậc cao tăng từng được các vị hoàng đế của hai triều Đinh - Tiền Lê tựa dựa để tham vấn về chính sự và hơn cả thế là sự tri ân người đã có công xây móng, đắp nền, khai mở mệnh mạch văn hiến cho quê hương Ngoại Lãng. Cùng với Ngoại Lãng, nhiều làng cổ thuộc vùng đất Giai - Lạng cũng đều coi Đỗ Pháp Thuận là tiên công khai ấp và tôn thờ làm Thành hoàng làng.
Sách An Nam cửu kinh long (chín long mạch điển hình của nước An Nam) của Cao Biền vào thế kỷ IX đã viết về thế đất: “Ngũ mã đồng quần/Thất tinh ủng hậu/Chiểu Lãng, Ba Đậu/Địa phát khôi khoa” (Năm con ngựa cùng bày/Chòm thất tinh nâng đỡ phía sau/Chiểu Lãng, Ba Đậu/Đất phát người đỗ đạt). Quả đúng như sự tiên đoán của nhà phong thủy họ Cao, từ thế kỷ XV trở về sau mệnh mạch khoa danh sáng láng của Ngoại Lãng và các làng phụ cận xưa thuộc hương Mần Để đã hiển đạt rạng rỡ. Dằng dặc tên tuổi của các thế hệ ông nghè, ông cử, ông tú xuất hiện ở dải đất này đã lưu danh trong lịch sử dân tộc với vị thế của những danh thần, danh tướng, danh nhân đức cao vọng trọng. Tiêu biểu như hai anh em nhà họ Đỗ là Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm khoa Kỷ Mùi (1499), Hội nguyên Tiến sĩ Đỗ Oánh khoa Mậu Thìn (1508), Tiến sĩ Trần Củng Uyên khoa Bính Thìn (1496), Cử nhân Doãn Uẩn khoa Mậu Tý (1828), Tiến sĩ Doãn Khuê khoa Mậu Tuất (1838)...
Từ sự ghi chép của Cao Biền về thế đất Ba Đậu - Chiểu Lãng có nhà nho trong vùng đã nảy sinh thành ý thơ trong một bài cổ phong ca ngợi miền quê này: “Ngũ mã địa linh/Thất trình quý hiển/Tam tứ tộc kiến/Lãng Trạch đằng phương”. (Đất thiêng năm ngựa/Chất chứa bảy điều/Ba bốn họ gieo/Thơm lừng Đầm Lãng). Theo lý giải của một số vị túc nho thì một vùng địa linh mang hình năm con ngựa chầu chất chứa bảy điều “quý hiển”. Đó là bảy di tích từ thời thuộc Hán (thế kỷ I) đến thời Lý (thế kỷ XI - XIII) của Ngoại Lãng gồm: khu nền đồn lũy của tướng quân Phạm Khánh chống Hán thời Hai Bà Trưng, đền Cầu Vường và đình Ba thờ Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, chùa Quan Lan (xem sóng), đài Văn Lãng (nghe sóng), chùa Bạch Mã (nơi chứa kinh Phật đưa từ nước ngoài về), chùa Phúc Thắng (còn gọi là chùa Hội, chùa Lạng, chùa Đạt Mạn), khu hành điện của triều Lý.
Các nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc viết về Giao Châu đã cho biết, vùng đất Giai - Lạng thời thuộc Lương (thế kỷ VI) có rất nhiều đầm, trong đó có đầm Bạch Lãng (Lãng Trạch), giữa hồ này có một gò đất rộng. Trên gò dựng ngôi chùa Quan Lan (xem sóng). Theo từ vựng chữ Hán thì các từ “lan”, “lãng”, “ba”... đều có nghĩa là sóng (ngôi đình thờ Thiền sư Đỗ Pháp Thuận có tên gọi đình Ba). Một số nhà nghiên cứu về Phật học đã suy đoán chùa Quan Lan là nơi dừng chân nghỉ ngơi của các nhà sư Ấn - Hồ trên đường truyền bá đạo Phật vào Giao Châu và cũng có thể là nơi dừng chân nghỉ ngơi của các vị cao tăng Giao Châu hoặc Trung Hoa trên đường sang đất Phật Ấn Độ tu nghiệp. Rất có thể sự suy đoán này mang tính khách quan, khoa học. Bởi vì, lịch sử Phật giáo của Việt Nam đã có khá nhiều nguồn tài liệu cho thấy đạo Phật vào Việt Nam theo hai con đường chính thống là từ Ấn Độ và từ Trung Quốc.
Khoảng thế kỷ thứ VI đã có các nhà sư Ấn - Hồ dong buồm vượt biển vào cửa Bố Hải theo dòng Bạch Lãng qua cửa Tuần Vường để ngược dòng sông Hồng lên Luy Lâu (Bắc Ninh) truyền giáo. Đến thế kỷ X, Đỗ Pháp Thuận là một vị cao tăng tinh thông cả Nho, Phật, Đạo đã có con mắt xanh nhận biết rõ vị thế của vùng đất này mà khai khẩn mở mang thêm để hoằng dương Phật pháp, tạo tiền đề cho miền quê này sớm trở thành một trung tâm Phật giáo ở vùng duyên hải Bắc Bộ.
Đất lành chim đậu, có lẽ do nhận biết rõ vị thế đất thiêng của trang Ngoại Lãng nên vào đầu triều Lý, một nhà Nho kiêm phù thủy Đạo giáo cao siêu thuộc giáo phái Hoàng Giang nhưng rất sùng đạo Phật đã đưa cả gia đình từ phường Hoàng Giang (Hải Dương) đến định cư ở trang Ngoại Lãng để con trai ông là Đỗ Đô (1042 - ?) có điều kiện tầm sư học đạo, dự khoa thi Bạch Liên ở Trung Quốc đã đỗ đầu, khi về nước trở thành Giáo chủ giáo phái Hoàng Giang, là vị quốc sư được các vị vua anh minh đầu triều Lý sủng ái, tin dùng. Vua Lý Thánh Tông đã mời Đỗ Đô tham gia triều chính tới bậc Vệ đại phu và ngự ban đạo hiệu là Đạt Mạn Thiền sư. Trong một lần hộ giá nhà vua đi kinh lý về phương Nam qua trang Ngoại Lãng, Đỗ Đô đã xin cho xây hành điện tại đây để vua ngự lại. Bên cạnh hành điện có viện đọc kinh gọi là Phúc Thắng tự. Khi vua Lý Thánh Tông băng hà, Nhân Tông nối ngôi đã mời Đỗ Đô làm cố vấn. Sau mười năm làm cố vấn bên vua, Thiền sư trở về chùa Phúc Thắng. Khi nhà vua được tin ngài hóa thân đã ngự xa giá về Ngoại Lãng dựng đền, tạc tượng phụng thờ ngay trên nền hành điện cũ (nay là đền Thượng). Tại ngôi đền này còn lưu giữ được đôi câu đối cổ: “Chiếm Bạch Liên khoa, Lý thế nhị tông suy thượng phụ/Diễn Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam tổ nhận tiền sư”. Nghĩa là: Đỗ khoa Bạch Liên, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông suy ông là bậc thượng phụ/Diễn giảng giáo lý phái Hoàng Giang ba vị tổ phái Trúc Lâm nhận ông là bậc thầy đi trước.
Theo định lệ cổ truyền, dân làng Ngoại Lãng, nay là xã Song Lãng hai năm một lần mở hội chính từ ngày mồng 6 đến ngày 12 tháng Giêng tại chùa Hội và đền Thượng để tưởng niệm ngày hóa của Thiền sư Đỗ Đô mà dân gian xa gần vẫn quen gọi là hội Lạng. So với nhiều hội làng cổ truyền của Việt Nam đang được duy trì trong xã hội đương đại thì hội Lạng là một trong số rất ít hội còn gìn giữ được khá nguyên dạng các sự lệ mang sắc thái tín ngưỡng của người Việt cổ. Ví như việc duy trì 3 hình thức rước: rước tranh chân dung Thiền sư Đỗ Đô về nhà Hội chủ, rước Thánh Đỗ Đô đi cáo yết Thành hoàng Giang sứ Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ở đền Cầu Vường và đình Ba, rước thánh giá vân du ở quanh đền, chùa nơi Thánh Đỗ Đô đã tu hành. Trong ba lần rước này thì độc đáo hơn cả là đám rước Thánh Đỗ Đô đi cáo yết Thành hoàng làng. Khi rước đến nơi thì hạ kiệu Thiền sư Đỗ Đô và làm lễ tán hoa (rắc hoa mò gà) để chặn đường ma quỷ. Các nhà nghiên cứu nhân học thường khá thống nhất khi khẳng định đây là một hình thức tín ngưỡng có từ thời Hùng Vương của người Lạc Việt.
Khi kiệu thánh được rước trở về đền Thượng thì làm lễ cúng khoa “khai bát thí thực” (cúng chúng sinh, cô hồn). Tiếp đến là khoa “thông hành tịnh trùy” với những lời cổ, chưa thấy có trong nghi lễ thờ Phật của các chùa ở Việt Nam. Toàn bộ khoa cúng này có 37 đường thỉnh kinh, nhà sư đọc xong một câu thần chú lại đập một vồ vào cái “tịnh trùy”. Mỗi đường thỉnh kinh kèm theo một câu thần chú trong đó có cả âm Việt cổ, âm Hán, âm Phạn, cả tiếng Kinh lẫn tiếng Mường. Ví dụ: “Úm tát nghiệt tha! Đát điệt tha! Ông ta bà tớ. Đát điệt ta thì ta phộc lấy! Phù Đổng Thiên Vương tróc quỷ nhập tịnh trùy” (Đại ý là: “Các vị quỷ thần hãy nghe thần chú: Quỷ Tát nghiệt tha, quỷ Đát điệt tha - quỷ đàn ông, quỷ đàn bà thì ta trói lại. Phù Đổng Thiên Vương hãy bắt quỷ cho vào cái tịnh trùy này!”. Xưa, sau những khoa cúng này có lệ tế thần bằng trâu bò, huyết thực, cỗ thái lao, cỗ Nha Môn có chè già lam, bánh dày. Song hành với tục cúng Nha Môn là tục thi cỗ chay của các giáp trong làng gồm cỗ cái, cỗ cơm, cỗ nước với nhiều loại trái cây của bốn mùa được tạo bằng bột nếp và hương vị đúng với hương vị của từng loại trái cây như chuối, hồng, na, cam, quýt, đào, táo, hồng, vải, nhãn trông giống hệt trái cây thật. Ngoài thi cỗ chay, hội vật làng Lạng cũng có sức cuốn hút các xới vật xa gần về dự.
Cùng với tục đánh cồng vào đêm 30 tết Nguyên đán tại đền Thượng thì khoa cúng “Thông hành tịnh trùy” và tục cúng Nha Môn và thi cỗ chay còn duy trì được ở hội Lạng đã khẳng định giá trị trường tồn của các lễ tục cổ xưa trong một làng và rất đáng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thiết nghĩ, việc phục dựng một trung tâm Phật giáo đã hình thành và tồn tại hàng ngàn năm trước ở Ngoại Lãng cũng là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm trong chủ trương phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của tỉnh.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh