Thứ 7, 09/11/2024, 22:33[GMT+7]

Văn hóa dòng họ ở Thái Bình

Thứ 6, 23/02/2024 | 16:50:22
26,436 lượt xem
So với nhiều địa phương khác trong toàn quốc thì tỉnh Thái Bình có những nét riêng về các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và dân cư. Những nét riêng đó đã tác động đến sự hình thành văn hóa các dòng họ ở Thái Bình. Mỗi dòng họ đều có những tự hào riêng về truyền thống của họ mình, đặc biệt là những dòng họ văn hiến đã xuất hiện những người con có đức, có tài, có cống hiến cho quê hương, đất nước, từng được sử sách lưu danh.

Khung cảnh tại một bến sông ở Thái Bình, năm 1928. Ảnh tư liệu

Với dân tộc Việt Nam, dòng họ là sự tập hợp các gia đình, gia tộc. Khởi thủy của nhiều làng cổ ở Việt Nam là sự cư trú của một gia tộc với các tên Nguyễn Xá, Bùi Xá, Ngô Xá, Đặng Xá, Hoàng Xá, Vũ Xá... Các sắc thái văn hóa của mỗi làng và văn hóa các dòng họ được đặt trong mối quan hệ gia đình - làng - nước, từ các mối quan hệ ứng xử trong họ, ngoài làng với phương châm ứng xử truyền thống “ra làng giữ lấy họ, ra họ giữ lấy anh em”. Một trong những sắc thái đáng chú ý trong văn hóa làng của Thái Bình là làng nhiều họ. Ở một số tỉnh thuộc vùng Trung du Bắc bộ có thể tìm thấy những làng chỉ có dăm ba họ cư trú, nhưng hiện tượng này dường như khó tìm thấy ở Thái Bình. Tuyệt đại đa số các làng Thái Bình đều có trên 10 dòng họ, thậm chí có làng đến trên 30 dòng họ. Có những làng có dăm bảy dòng họ cùng một tộc danh như: Nguyễn, Đặng, Phạm, Vũ… nhưng có nguồn gốc từ những vị thủy tổ khác biệt nhau, khó có khả năng tìm thấy sự liên quan về huyết thống.

Nguồn tư liệu gia phả thành văn hiện còn đã cho thấy nguồn gốc các dòng họ ở Thái Bình khá phong phú. Có dòng họ từ các tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông về, có dòng họ từ vùng Đông Triều, Hải Dương đến, có dòng họ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ra, có dòng họ từ Hà Nam, Nam Định sang… lại có những dòng họ gốc từ đâu chưa rõ đến cư trú ở Thái Bình từ rất sớm rồi một vài chi phái ở lại tiếp tục sinh sôi phát triển còn một số chi phái tìm đến những vùng miền khác cư trú theo những biến động cơ học khác nhau.

Điều cần phải khẳng định là văn hóa các dòng họ vốn là thành tố trực tiếp cấu thành, hòa quyện với văn hóa làng. Thuở trước, mỗi dòng họ có người hiển đạt, nổi danh thường gắn liền với danh dự của làng, nhiều khi người ta biết đến tên làng qua những nhân vật lịch sử của một dòng họ cụ thể ở làng. Ví như Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ quê làng Hải Triều thì người đương thời và hậu thế thường gọi là quan Trạng Hải Triều. Cũng như vậy, Bảng nhãn Lê Quý Đôn quê làng Diên Hà thường được tôn xưng là quan Bảng Diên Hà, Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm người làng Kinh Lũ thường được tôn xưng là ông Nghè Kinh Lũ... Với những người có danh vọng, có đức tài, có uy tín với cộng đồng thì cách tôn xưng trực tiếp gắn với danh dự của dòng họ như Phạm tiên sinh, Lê tiên sinh, Vũ tiên sinh…

Vùng đất Thái Bình vốn là sự hội cư của các luồng cư dân từ nhiều nơi đến. Qua khảo sát cho thấy, hiện tại ở Thái Bình các dòng họ có khoảng gần 100 tộc danh khác nhau như: An, Bạch, Bùi, Cao, Chu, Chử, Diệp, Doãn, Dư, Dương, Đàm, Đào, Đầu, Đậu, Đặng, Đinh, Đoàn, Đỗ, Đồng, Giang, Hà, Hán, Hoa, Hoàng, Hồ, Hứa, Huỳnh, Kiều, Khiêm, Khiếu, Khổng, Khúc, Khương, Lã, Lại, Lâm, Lê, Lều, Lộ, Luân, Lư, Lương, Lý, Mã, Mai, Mạc, Ninh, Nhâm, Nhữ, Ngọ, Ngô, Ngụy, Nghiêm, Nguyễn, Phạm, Phan, Phí, Phùng, Phương, Phó, Quản, Quách, Tạ, Tăng, Tiến, Tiêu, Tề, Tô, Tống, Từ, Tưởng, Thái, Thanh, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trương, Uông, Vi, Võ, Vũ, Vương, Xuân… Nhiều dòng họ cùng một tộc danh nhưng không cùng chung nguồn gốc. Họ Trần, họ Vũ ở Thái Bình có hơn 600 chi họ. Họ Ngô ở Thái Bình có hơn 170 chi họ… Các họ khác như họ Nguyễn, họ Đặng, họ Đỗ… cùng với khoảng hơn 30 tộc danh khác chiếm số đông trong tỷ lệ cư dân ở nhiều làng cũng có chung đặc điểm này. Những dòng họ mang tộc danh Nguyễn, Phạm, Bùi, Trần, Đỗ, Vũ… sống ở hầu khắp các làng xã trong tỉnh. Có những dòng họ trải nhiều đời nhưng cũng ít phát triển, chỉ có ở một vài làng, thậm chí chỉ thấy còn ở một làng trong tỉnh, như các họ: Mã, Phương, An, Nhữ, Thạch, Đầu, Tiêu, Từ, Xuân, Lư, Ngọ, Đồng, Chử… Các dòng họ cùng huyết thống thuở trước thường quần cư cùng một khu vực trong làng nhưng nay đã sống theo kiểu xôi đỗ, đan xen với các dòng họ khác. Với đặc điểm làng nhiều họ tuy có họ “lớn”, họ “bé” nhưng do quan hệ giao thoa về hôn nhân giữa các dòng họ nên quan hệ trong làng thường là “phi nội tắc ngoại” theo xu hướng ngoại hôn ở họ, nội hôn ở làng. Quan hệ giữa người làng với nhau trong các mối quan hệ cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh đã tạo nên nguyên lý cố kết bền chặt theo tâm thức “máu loảng còn hơn nước lã”.

Lại cũng cần phải thấy rằng, hiện tượng đổi họ, thay tên vì nhiều lý do khác nhau không phải hiếm xảy ra đối với các dòng dân cư khi đến Thái Bình sinh cư lập nghiệp. Trong lịch sử, chúng ta biết đến nhiều họ hiện nay gốc từ họ Mạc nhưng cũng có nhiều trường hợp đổi họ để được trở thành dân chính cư, tránh tiếng ngụ cư hoặc đổi họ để tránh những hiềm khích, hận thù, mặc cảm đeo đẳng từ quá khứ… đến nay chưa khảo cứu được nhiều. Đặc trưng làng nhiều họ và hôn nhân theo xu hướng ngoại hôn ở họ, nội hôn ở làng đã dẫn đến thực trạng văn hóa dòng họ ở Thái Bình không khép kín mà luôn được phát triển, vun đắp trong xu thế hội nhập với văn hóa làng. Việc nhận diện một cách khách quan, chuẩn xác về văn hóa từng dòng họ trong một làng nhiều họ sẽ có cơ sở khách quan, khoa học để nhận diện cụ thể hơn, toàn diện hơn về sắc thái văn hóa của Thái Bình.

Tỉnh Thái Bình có nhiều dòng họ văn hiến tiêu biểu như: họ Bùi làng Đồng Thanh (thành phố Thái Bình) có lịch sử hơn 1.000 năm, đời nối đời có người hiển đạt công danh. Họ Doãn làng Ngoại Lãng (Vũ Thư); họ Lê làng Phú Hiếu (Hưng Hà), họ Đào làng Thượng Phán, họ Đỗ làng An Bài (Quỳnh Phụ); họ Quách làng Phúc Khê (Thái Thụy); họ Ngô làng Trình Phố (Tiền Hải); họ Nguyễn Doãn làng Dũng Nghĩa (Vũ Thư)... là những dòng họ khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt cao. Họ Đinh làng Đô Kỳ (Hưng Hà), họ Nguyễn Đăng, họ Nguyễn Công, làng Động Trung (Kiến Xương), họ Vũ làng Tô Xuyên (Quỳnh Phụ), họ Vũ Đại Đồng ở làng Lục Linh (Thái Thụy)... có nhiều đời phát công hầu, khanh tướng.

Văn hóa dòng họ thường được biểu hiện ở khía cạnh duy trì từ đường, phần mộ và các lễ thức thờ cúng tổ tiên, theo đạo lý “ẩm thủy tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn), qua gia phả, gia huấn, tộc ước và các hình thức sinh hoạt của dòng họ... Có những dòng họ đã tồn tại và phát triển trên đất Thái Bình với bề dày hàng nghìn năm như họ Bùi ở Tân Bình (Vũ Thư) thờ Bùi Quang Dũng, Bùi Quang Đạt từ thời Đinh (thế kỷ thứ X) nay vẫn còn từ đường, gia phả. Trong số hơn 30 vị đỗ đại khoa (từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên) thời Lê sơ (thế kỷ XV) còn tới 25 từ đường con cháu nối dõi tông đường cho tới tận ngày nay theo thế thứ từ 25 - 30 đời. Cho đến nay, đã có gần 200 ngôi từ đường dòng họ thờ các vị đỗ đại khoa thời phong kiến (từ Phó bảng đến Trạng nguyên) và các từ đường thờ những nhân vật lịch sử từng lưu danh trong sử sách, hoặc các từ đường dòng họ gắn với những sự kiện lịch sử, cách mạng hiện còn ở Thái Bình đã được cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia hoặc di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ngoài việc xây cất từ đường, các dòng họ còn rất chú ý đến việc giữ gìn, chăm sóc mộ phần của tổ tiên và những người trong họ đã khuất bóng theo tâm thức “sống vì mồ vì mả, đâu vì cả bát cơm”. Những thập niên gần đây, tục tế tổ, giỗ họ, chạp họ, các hình thức khuyến học trong nhiều dòng họ được khơi dậy và nhân lên làm phong phú thêm văn hóa các dòng họ.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nếu như các làng xã có tục lệ, hương ước quy định các hoạt động của làng xã thì các dòng họ cũng thường có tộc ước quy định các hình thức sinh hoạt trong dòng họ. Đối với những dòng họ có người được học hành thì tộc ước thường được soạn thảo thành văn, được chép vào gia phả, còn lại đa phần là quy định truyền khẩu nhưng “việc họ” cũng như “việc làng” mọi thành viên trong họ phải nhất mực tuân thủ. Cũng như vậy, việc biên soạn và tục biên gia phả của mỗi dòng họ thường rất được quan tâm. Có thể coi gia phả là một trong những thước đo để nhận biết về văn hóa của mỗi dòng họ.

Cùng với các hoạt động chấn hưng văn hóa dòng họ, ý thức tìm về cội nguồn được củng cố và nâng lên. Việc liên kết các dòng họ cùng một tộc danh trên phạm vi toàn quốc đã được hầu hết các dòng họ triển khai. Đó là một việc làm mang ý nghĩa tâm linh và mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần không nhỏ vào quá trình “vấn tổ tầm tông”, khai thác và phát huy những tinh hoa truyền thống văn hóa của các dòng họ đồng thời góp phần chấn hưng đạo đức, đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)