Thái Bình đất nghề
1 - Nghề mây tre đan
Từ ngàn xưa, tre và mây là hai loại cây trồng chủ lực phủ xanh các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và cũng có thể coi là hai loài cây đặc sản của xứ sở Việt Nam nhiệt đới. Đó cũng chính là nguồn nguyên liệu vô tận để chế tác ra đủ loại vật dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt của các gia đình. Thuở trước, người Việt Nam đã triệt để khai thác hai loại cây này thành nguyên liệu, làm nhà, đóng giường, tủ, bàn ghế, làm ra các loại nông cụ, ngư cụ như đăng, đó, vó, lờ, xời, túm, dậm, rui,… các vật dụng trong mọi gia đình như rổ, rá, dần, sàng, nong, nia, thúng, mủng... Với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, từ chất liệu mây tre đã làm ra những mặt hàng mỹ nghệ, tinh xảo như bàn ghế, tủ sách, đĩa bày hoa quả, lẵng hoa, bát hoa, làn, giỏ, khay, lọ hoa, chao đèn… không chỉ người trong nước ưa dùng mà vào thời thuộc Pháp, hàng mây tre đan Việt Nam đã được người châu Âu ưa chuộng. Theo một số tài liệu lưu trữ thì hàng mây tre đan Việt Nam đã có mặt ở hội chợ Pari năm 1931.
2 - Nghề hàng xáo
Nghề hàng xáo là nghề đong thóc về xay, giã thành gạo và tấm, cám mang ra chợ bán. Nghề này có lợi thế tận dụng sức lao động của mọi lứa tuổi, có thể làm vào ban đêm hoặc cả những ngày trời mưa, hoặc những ngày nông nhàn. Vốn đầu tư cho nghề này đơn giản. Công cụ chủ yếu để hành nghề là một chiếc cối xay, một cối giã gạo và những vật dụng ít tiền khác như thúng, mủng, dần, sàng và đôi quang gánh.
Theo thống kê của một học giả Pháp vào năm 1935, Hải Dương là tỉnh có số người làm nghề hàng xáo đông nhất ở Bắc Kỳ rồi đến Thái Bình. Tài liệu này cho biết, ở Bắc Kỳ có 37.000 người làm nghề hàng xáo thì Thái Bình có 5.600 người.
3 - Nghề dệt vải, dệt lụa
Thuở trước, cư dân Thái Bình ngoài thâm canh lúa nước còn có những vùng đất bãi bồi ven các triền sông lớn như sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà thuận lợi cho việc trồng dâu, trồng bông để dệt vải, dệt lụa. Các mặt hàng chế biến từ tơ tằm, từ bông, gai vốn vô cùng phong phú.
Theo tài liệu lưu trữ, vào những năm 1920, ở Thái Bình có tới 2.250 cơ sở dệt ở 797 làng. Những năm 1938 – 1940, ở Thái Bình có 218 làng trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm sản xuất khoảng 200.000kg kén. Vào năm 1940, tỉnh Thái Bình có tới hơn 5.000 khung cửi với hàng vạn lao động tham gia vào các khâu kéo sợi, mắc sợi, đánh suốt, nện vải…
4 - Nghề sản xuất các mặt hàng từ đay, cói
Từ thế kỷ XV, chiếu Hới đã nổi tiếng và nổi tiếng suốt 5 thế kỷ qua. Ngoài chiếu Hới ở Hưng Hà còn có nhiều làng có “thương hiệu” như chiếu: Bùi Xá, Mỹ Đại, Thụy Vân, Thanh Triều…; Quỳnh Phụ có chiếu Tràng Lũ, Vọng Lỗ; Kiến Xương có chiếu Luật Ngoại, Luật Nội, Diệm Dương, Lịch Bài; Tiền Hải có chiếu Đông Cao, An Hạ, Lũ Phong, An Khang; Đông Hưng có chiếu Vô Song, Kỳ Trọng; Thái Thụy có chiếu Diêm Điền, Thần Huống, Thanh Lương, Thuyền Quan, Trừng Hoài, Phúc Khê… Cùng với chiếu là các mặt hàng chế biến từ cói thịnh đạt ở các làng như đan ró, đan bị ở Tống Văn (thành phố Thái Bình), đan rẽm, đan bị, đan mũ ở các làng An Khang, Lương Phú, Phương Trạch, Công Bồi (Tiền Hải)…
Sách “Tiên Hưng phủ chí” có chép: “Ở các xã Hải Triều, Thanh Triều, Bùi Xá, Thụy Vân, huyện Hưng Nhân, dân chúng nhiều người làm nghề dệt chiếu cói, chiếu dệt ra có nhiều loại cải hoa, in màu khá đẹp. Khoảng đầu niên hiệu Thành Thái (1889 - 1906), các lái buôn người Thanh (Trung Quốc) thấy chiếu cói nước ta tiêu thụ rất mạnh ở thị trường nước ngoài, bèn bỏ vốn đầu tư, đến xã Hải Triều thuê đất làm xưởng dệt chiếu rồi thuê thợ đến làm. Sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” cho biết, vào khoảng những năm 1899 - 1908, ở huyện Hưng Nhân có ba nhà do người Trung Hoa lập ra thu hút hàng trăm nhân công, sản phẩm được chở qua Hải Phòng để đưa sang Hồng Kông. Theo một tài liệu lưu trữ thì vào năm 1938, mỗi tháng toàn tỉnh Thái Bình sản xuất được 60 - 80 tấn chiếu và 350.000 bao cói. Năm 1940, làng Luật Trung (Kiến Xương), làng Vô Ngại (Vũ Thư) nổi tiếng về dệt thảm cói xuất cho bảo tàng Mô ri xơ Long của Pháp.
5 - Nghề đan lưới, vó và các loại ngư cụ
Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông nước nằm kề biển, những lớp cư dân đầu tiên tới đất này khai phá chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản sau mới lên bờ định cư sống bằng nghề trồng trọt. Hầu hết các làng xã ở Thái Bình đều có người mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh lưới, đánh xiếc, đánh xẻo, cất vó tay, vó bè… Trước năm 1945, nghề đan vó, lưới, chài và các loại ngư cụ ở Thái Bình thịnh đạt hơn so với nhiều tỉnh, thành ở Bắc Kỳ. Theo thống kê, toàn xứ Bắc Kỳ có khoảng 30.000 thợ thì Thái Bình chiếm tới hơn 12.000 người.
6 - Nghề rèn sắt
Vào thế kỷ XIII, nhiều làng thuộc huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ đã tổ chức rèn vũ khí cho quân đội nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Thuở trước, mỗi phủ, huyện thường có một vài làng có lò rèn. Có những làng rèn tập trung thợ giỏi sản xuất đồ gia dụng như dao, kéo, cưa, đục hoặc nông cụ như liềm, hái, cày, bừa, cuốc, mai… nổi tiếng được nhiều làng xa gần tìm đến như Động Trung (Kiến Xương); An Lạc (Đông Hưng), Cao Dương, An Tiêm (Thái Thụy);…
7 - Nghề đúc đồng
Nghề đúc đồng và đúc nhôm, gang ngoài làng An Lộng ở huyện Quỳnh Phụ còn có làng Đông Hải nổi danh với câu ca: “Bưng trống Văn Ông, đúc cồng Đông Hải”. Làng Động Trung (Kiến Xương) và làng Cọi Khê (Vũ Thư) vốn là hai làng đa nghề nhưng nghề đúc đồng, sau là đúc nhôm, gang vốn nổi tiếng từ xa xưa. Trải lắm thăng trầm, đến nay nghề đúc kim loại (chủ yếu là nhôm, gang) ở làng Cọi Khê vẫn duy trì và đồ nhôm gia dụng của làng này có bán ở nhiều vùng miền trong cả nước.
8 - Nghề kim hoàn
Theo các tài liệu liên ngành cho biết từ thế kỷ thứ II, người Việt Nam đã biết dùng vàng bạc để làm đồ trang sức. Khái niệm về nghề kim hoàn bao gồm ba nghề khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau. Đó là: nghề chạm, nghề đậu và nghề trơn. Các nghệ nhân kim hoàn làng Đồng Xâm thường thuần thục với cả ba nghề trên nhưng làng này nổi tiếng trong và ngoài nước là nghề chạm bạc. Các mặt hàng từ vàng, bạc rất đa dạng: Nhẫn, vòng tay, vòng chân, dây chuyền, hoa tai, bộ đồ ăn (dao, phuốc-xét, thìa) bộ ly uống rượu, khung gương, hộp phấn, lược, chân cây nến và mạ, bịt các đồ sứ quý. Hàng chạm bạc Đồng Xâm từ thế kỷ XIX đã được người châu Âu ưa dùng, từ sau năm 1954 đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Phố Hàng Bạc thuở trước có khá nhiều người làng Đồng Xâm lên mở cửa hàng, cửa hiệu. Phố này từ xa xưa chuyên chế tác và mua bán vàng bạc.
9 - Nghề làm bún
Kỹ nghệ chế biến lương thực, thực phẩm thành những sản phẩm như bún, bánh, rượu gạo, giò chả, gỏi cá, gỏi nhệch đã đi vào dân ca, ca dao gắn với địa danh của nhiều làng. Trong đó, nghề làm bún là khá phổ biến. Hầu hết các chợ làng xưa đều bán bún với các loại bún rối, bún lá gắn với thương hiệu của mỗi làng. Lễ hội trình nghề truyền thống của một số làng cổ thuộc các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Đông Hưng xưa vẫn có tục thi làm bún.
10 - Nghề làm mắm
Với nguồn thủy sinh vô tận trong môi trường nước ngọt, nước mặn, nước lợ như cá, tôm, cua, cáy, rươi… khi đánh bắt được, ngoài việc chế biến thành những món ăn tươi sống, người dân Thái Bình còn thành thạo với việc chế biến thành các loại mắm để ăn dài ngày với các loại mắm tôm, mắm tép, mắm cua, mắm cáy, mắm rươi và nấu thành nước mắm. Trong truyền thống, mắm Điềm, xã Hồng Thái từng được coi là đặc sản của phủ Kiến Xương dùng để tiến vua, nước mắm làng Mèn (Tiền Hải), làng Quang Lang (Thái Thụy) đã đi vào ca dao, thành “thương hiệu” được nhiều nơi ưa dùng.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh