Thứ 5, 19/09/2024, 05:10[GMT+7]

Ký ức “đội đá vá đê” Mỹ Lộc

Thứ 2, 19/08/2024 | 08:59:06
10,823 lượt xem
Tháng 8/1945, khi chính quyền cách mạng huyện Thư Trì và Vũ Tiên vừa được thành lập, còn non trẻ đã gặp khó khăn nghiêm trọng. Đêm ngày 21/8/1945, đê Mỹ Lộc (xã Việt Hùng) bị vỡ khiến ruộng đồng, xóm làng ngập lụt, sản xuất đình đốn, nạn đói hoành hành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đoàn kết góp công, góp của hàn khẩu đê thành công, được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, khen ngợi. Trải qua gần 80 năm thăng trầm, đê Mỹ Lộc hiện càng vững vàng, che chắn lũ dữ, giúp người dân nơi đây yên tâm dựng xây cuộc sống mới.

Từ vùng quê với những ngôi nhà tranh, ngõ xóm lầy lội xưa, giờ đây diện mạo làng quê Mỹ Lộc, xã Việt Hùng (Vũ Thư) đã khang trang, hiện đại hơn.

Ký ức người nữ du kích “đội đá vá đê”

98 tuổi đời, 75 năm tuổi đảng, bà Trần Thị Thành, thôn Phú Chử, xã Việt Hùng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhắc lại câu chuyện đê Mỹ Lộc vỡ năm 1945, bà kể lại chi tiết: Đêm đó, bà cùng anh, chị em trong gia đình đang quẩy gánh lá dâu lên chợ Thuận Vi bán, nhưng mới ra đến đầu làng thì bất ngờ nghe tiếng “ùm!” lớn vang lên, đoạn đê thôn Mỹ Lộc bị vỡ, tiếp theo là những tiếng la hét thất thanh của người dân. Đoạn đê bị vỡ dài hơn nửa cây số, nước sông Hồng cuồn cuộn tràn vào, đã nhấn chìm làng mạc, ruộng đồng của xã Việt Hùng và hầu hết huyện Thư Trì trong biển nước. Người dân phải chạy lên đê hoặc leo lên cây cao, tránh lụt, cảnh màn trời chiếu đất, đói khổ vẫn ám ảnh bà Thành đến tận bây giờ.

Khi nhân dân đang hoang mang, Tỉnh ủy lập tức chỉ đạo ủy ban cách mạng lâm thời các huyện đoàn kết huy động nhân dân toàn tỉnh đóng góp sức người, sức của để hàn khẩu con đê. Chỉ sau vài ngày đê vỡ, nhân dân Thư Trì, Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải và cả người dân tỉnh Nam Định đã góp hàng trăm cừ sách giỏi, hàng chục thuyền tre, hàng vạn cây tre, hàng trăm mét khối gạch đá, hàng nghìn bó rơm rạ cùng nhân dân Thư Trì hàn khẩu đê, ngăn nước lũ. “Thời đó chỉ có sức người đội đá, vác đất vá đê. Khi đó tôi đang ở tuổi 19 “bẻ gãy sừng trâu”, tuy người gầy bé nhưng hăng lắm, có thể đội được những hòn đá to, nặng. Sau gần 1 tháng thi công, đê Mỹ Lộc được hàn khẩu thành công, bước đầu ngăn nước lũ để nhân dân khôi phục sản xuất chống đói” -  bà Thành chia sẻ.

Tuy con đê được hàn khẩu xong nhưng để bảo đảm đê vững và an toàn lâu dài thì phải đắp con đê mới, tránh đắp lại chính chỗ đê vỡ. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình trực tiếp chỉ đạo huyện Thư Trì, Vũ Tiên, tháng 3/1946 bắt đầu khởi công công trình đắp đê Mỹ Lộc. Hàng ngàn dân công, cán bộ không quản ngại gian khổ, vất vả nhiều ngày ròng đắp đê, nhân dân địa phương hy sinh ruộng để lấy đất đắp đê, phục vụ chè nước động viên dân công. Sau gần 2 tháng thi công, công trình đê Mỹ Lộc đã hoàn thành, dài hơn 600m, cao 4,5m, chân rộng 15m, mặt đê rộng 3,5m với hơn 10 vạn mét khối đất đá, đủ sức chặn đứng dòng nước hung dữ của sông Hồng vào mùa lũ.

Nghe tin tỉnh đắp thành công 2 tuyến đê, ngày 28/4/1946, Bác Hồ về thăm Thái Bình, trong đó Người có đến kiểm tra đê Mỹ Lộc. Gần 80 năm đã trôi qua nhưng nhắc tới kỷ niệm được gặp Bác Hồ, bà Thành vẫn xúc động, bồi hồi: Khi đó, tôi vừa tham gia đắp đê vừa là Đội phó Đội du kích liên lạc huyện Thư Trì nên được phân công cùng đoàn cán bộ, nhân dân trong xã, trong huyện đón Bác. Trước khi Bác đến, tôi liền chạy về ruộng nhà mình, đào được củ khoai lang to, cầm sẵn trên tay, mong có cơ hội biếu Bác. Khi Bác đến, Bác xem rất kỹ đoạn đê mới đắp và nhắc nhở nhân dân phải đầm đất kỹ hơn nữa. Kiểm tra đê xong, Bác cùng cán bộ, nhân dân đi thong thả trên đê. Tôi run run, lo lắng nhưng vẫn cố gắng mạnh dạn chạy vượt lên: “Thưa Bác, cháu xin biếu Bác củ khoai của nhà cháu trồng, để bày tỏ lòng kính yêu Bác ạ!”. Cả đoàn cười ồ lên, Bác cũng cười tươi, một tay nhận củ khoai, một tay xoa xoa đầu tôi. Lúc đó, tôi sung sướng lâng lâng. Tôi khá bất ngờ, Bác là lãnh đạo đất nước nhưng giản dị, hiền từ, gần gũi và ấm áp vô cùng.

Đê thêm vững, nhân dân thêm ấm no

Gần 80 năm sau ngày đê Mỹ Lộc được đắp lại, trải qua nhiều biến cố, đổi thay nhưng tuyến đê vẫn giữ nguyên vị trí và được gia cố, đào đắp ngày thêm vững vàng, chắc chắn hơn. Bà Vũ Thị Tuyết, thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng kể lại: Năm 1971, trận bão to, lũ dâng, nước sông Hồng tràn qua đê. Tôi cùng dân làng, các chiến sĩ bộ đội tiếp tục gánh đất đắp đê, trồng che chắn sóng. Hàng năm, đến rằm tháng 7 mà không có bão lũ to là nhân dân phấn khởi, ăn mừng. Đê hiện nay “to” gấp 3 - 4 lần xưa kia. Từ khi có thủy điện Hòa Bình, lũ dữ đã được hạn chế nhưng nhân dân vẫn luôn quan tâm bảo vệ tuyến đê. Đê vững chãi, bà con yên tâm tăng gia sản xuất, đời sống ngày thêm khấm khá, ấm no. Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Lộc 2 cho biết, ngày nay mặt đê được cứng hóa, mở rộng, đê còn là tuyến giao thông quan trọng phục vụ sinh hoạt và kết nối giao thương, phát triển kinh tế của một số xã phía Bắc huyện Vũ Thư.

Vùng đất cửa đê Mỹ Lộc vỡ xưa kia là đồng chiêm, ruộng trũng, làng mạc nghèo nàn, xác xơ, người dân đói khổ, lầm than. Gần 80 năm qua, nhân dân Việt Hùng kiên trì, một lòng theo Đảng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đồng thời kiên cường quai đê trị thủy, dựng xây cuộc sống, giờ đây đã trở thành “phố Búng” sầm uất, nhà cửa san sát, khang trang. Diện mạo xã Việt Hùng “thay da đổi thịt” từng ngày, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tiếp tục đoàn kết dựng xây quê hương đổi mới đi lên.

Ông Phan Văn Ban, Bí thư Đảng ủy xã Việt Hùng (Vũ Thư) 

Hiện nay, địa phương luôn quan tâm bảo vệ tuyến đê để phục vụ sản xuất, bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong việc hàn khẩu, đắp đê, trị thủy của các thế hệ cha ông đi trước cho chúng tôi bài học lớn. Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Việt Hùng nguyện đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt khó tiến hành công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, văn minh.
 Ông Phạm Duy Vở, thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng (Vũ Thư)
Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Bác Hồ, các cấp, các ngành luôn quan tâm công tác quai đê, trị thủy, giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng quê hương. Đối với người dân xã Việt Hùng chúng tôi, con đê gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con suốt nhiều thế hệ qua. Chúng tôi sẽ ra sức bảo vệ, gìn giữ đê an toàn, xứng đáng với những lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm đê Mỹ Lộc năm xưa.

Quỳnh Lưu