Thứ 7, 23/11/2024, 09:38[GMT+7]

Gương anh hùng góp sáng Đảng quang vinh

Chủ nhật, 01/09/2024 | 22:59:42
18,447 lượt xem
Thái Bình - miền quê lúa hiền hòa đã sinh ra bao người con ưu tú với những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, về Diêm Điền (Thái Thụy) hôm nay, mỗi du khách đều kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, rưng rưng xúc động khi nghe kể câu chuyện về cuộc đời người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là điểm đến văn hóa, lịch sử.

Tinh thần gang thép của người chiến sĩ cộng sản

Đã nhiều lần được hòa mình trong dòng du khách về dâng hương tại khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, lần nào chúng tôi cũng cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân tình của những người dân miền biển. Những câu chuyện về cuộc đời cách mạng nhiều hy sinh, vất vả, về sự tiếp nối truyền thống yêu nước thương nòi, về tình bạn gắn bó keo sơn trong chốn tù lao... cứ chậm rãi được thuật lại đưa người nghe trở về một giai đoạn lịch sử hào hùng mà bi tráng của dân tộc. Đó là câu chuyện về một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần chèo lái con thuyền cách mạng nước ta tiến lên phía trước. Đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - lãnh tụ Công vận xuất sắc của Đảng và Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy đầu tiên của thành phố Hải Phòng, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động, người con ưu tú của quê hương Thái Bình với cuộc đời hoạt động cách mạng tuy không dài nhưng vô cùng sôi nổi, phong phú, tràn đầy niềm tin và nhiệt huyết trong buổi đầu cách mạng còn muôn vàn khó khăn, gian khổ.

Không gian sâu lắng, đầy xúc cảm của khu hầm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong khuôn viên khu lưu niệm là nơi du khách được lắng nghe về quá trình hoạt động cách mạng và những ngày cuối đời, ra đi khi tuổi còn xanh vẫn một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản. Tháng 4/1931, trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt giữ tại thành phố Vinh. Suốt thời gian bị giam cầm, đồng chí bị tra tấn và hành hạ với đủ ngón đòn tàn bạo của kẻ thù nhưng đến cái tên Nguyễn Đức Cảnh của mình đồng chí cũng kiên quyết không thừa nhận. Bất lực trước tinh thần gang thép của người chiến sĩ cộng sản, chúng đã kết án đồng chí tử hình. Trong suốt những ngày bị giam cầm nghiêm ngặt, đồng chí đã dành hết tâm huyết để viết cuốn “Công nhân vận động” và nhờ đồng chí của mình chuyển ra ngoài, dâng lên Đảng với cả tấm lòng tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trước giờ phút sinh ly tử biệt, khi nghĩ về người mẹ đang mòn mỏi ngóng chờ tin con, đồng chí viết bài thơ “Tạ từ ngôn”, lời thơ như lời động viên, an ủi thân mẫu hãy vơi bớt nỗi đau trước sự hy sinh của người con yêu dấu: “...Tạ từ vĩnh quyết từ nay/Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!”.

Rạng sáng ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch đưa ra pháp trường. Trước máy chém của quân thù, đồng chí đã hô vang: “Đả đảo đế quốc Pháp! Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!” rồi hiên ngang ngẩng cao đầu trước sự kinh ngạc của kẻ thù. Khi đó, đồng chí mới 24 tuổi.

Các trường tổ chức cho học sinh tham quan khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Hành trình tri ân

Bà Hồ Thị Phương, Trưởng ban Quản lý khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: Quá trình tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm của những người con Thái Bình mong muốn đưa đồng chí trở về quê hương, đặc biệt được sự giúp đỡ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hải Phòng, được sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã nhiều tháng ngày tìm kiếm hài cốt đồng chí. 9 giờ 15 phút ngày 21/9/2007, hài cốt đồng chí được tìm thấy tại khuôn viên Công ty Giày da Thống Nhất, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng). Trong 55 ngày đêm hài cốt được đưa về nhà tang lễ Quân khu 3 để bảo quản, đã tiến hành thử ADN với 2 người cháu ngoại của đồng chí. Khi đã có kết quả chính xác, ngày 15/11/2007, nhân dân tỉnh Thái Bình long trọng đón hài cốt đồng chí về với mảnh đất quê hương theo nghi thức cấp quốc gia.

Hiện nay, trên phần mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có in lá cờ đỏ sao vàng để ghi nhớ công ơn của đồng chí đối với Tổ quốc. Đầu của phần mộ quay về giếng ngọc trong khuôn viên khu lưu niệm, là nơi đồng chí được sinh ra. Mùa đông năm 2007, về dâng hương tại đây, cố Giáo sư Vũ Khiêu, nhà khoa học xã hội hàng đầu Việt Nam đã tặng những câu đối hiện được ghi hai bên phần mộ: Sinh tại đây lăng mộ tại đây/Quê cách mạng ấp ôm người chiến sĩ/Đời như thế công lao như thế/Gương anh hùng góp sáng Đảng quang vinh.

Trong khuôn viên khu lưu niệm, du khách còn được tham quan giếng ngọc, bên bờ giếng có tấm bia đá khắc bài thơ “Tạ từ ngôn”. Ngoài ra còn có ngôi nhà thờ tổ của gia tộc Nguyễn Đức, nguyên là trường dạy học của cha đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; mái nhà tranh mà gia đình đồng chí đã sinh sống được phục dựng trên nền đất cũ và nhà tưởng niệm trưng bày những tài liệu về sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, quá trình tìm kiếm, đưa hài cốt đồng chí về với quê hương...

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Tháng 7 vừa qua, nơi đây đã đón hơn 100 đoàn với hàng nghìn du khách từ mọi miền Tổ quốc trở về thành kính tri ân, thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước nói chung, giai cấp công nhân nói riêng đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người con ưu tú đã trọn đời mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tú Anh