Thứ 2, 16/09/2024, 10:38[GMT+7]

Sáng mãi vùng quê cách mạng

Chủ nhật, 01/09/2024 | 23:10:21
7,254 lượt xem
Những ngày tháng tám lịch sử, về Hưng Hà, chúng tôi cảm nhận rõ sự khởi sắc của vùng quê cách mạng. Mỗi ngôi làng, góc phố đều rực rỡ cờ đỏ, sao vàng. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Hà luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

Đình Hoàng Nông, xã Điệp Nông (Hưng Hà) từng là căn cứ của bộ đội, du kích địa phương để tu sửa vũ khí phục vụ kháng chiến.

Mốc son lịch sử

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Hà: Những năm 1920, khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin truyền đến Thái Bình, Hưng Hà là nơi sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng. Đầu tháng 7/1929, tại nhà đồng chí Đỗ Gia Chuẩn ở làng Nhuệ (nay thuộc xã Chí Hòa) diễn ra cuộc họp thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thần - Duyên (Tiên Hưng - Duyên Hà). Chi bộ gồm 6 đảng viên: Lương Duyên Hồi, Bùi Văn Mộng, Đỗ Gia Tuấn, Nguyễn Văn Rậng, Nguyễn Đình Liêm, Nguyễn Đức Sành. Đồng chí Lương Duyên Hồi, Tỉnh ủy viên làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thần - Duyên là 1 trong 6 chi bộ được thành lập sớm nhất tỉnh Thái Bình.

Sau khi thành lập, ngày 1/5/1930, Chi bộ đã lãnh đạo hàng nghìn nông dân Tiên - Duyên - Hưng tiến hành cuộc biểu tình, đấu tranh trực diện với thực dân Pháp đòi nhân sinh, nhân quyền. Đây là một trong hai cuộc biểu tình lớn nhất, sớm nhất cả nước và “mạnh nhất Bắc Kỳ”. Tháng 8/1945, khi thời cơ đến, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở Duyên Hà đêm ngày 19/8 và ở Hưng Nhân sáng ngày 21/8. Đồng thời, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, nhanh chóng hàn khẩu đê Đìa, chống giặc đói, giặc dốt, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Trước những thành tích xuất sắc trên, năm 1946, Hưng Hà vinh dự được đón Bác Hồ 2 lần về thăm, động viên và khen ngợi thành tích đắp đê của nhân dân. Đây cũng là mốc son lịch sử trọng đại của Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà.

Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra bước ngoặt lịch sử trọng đại đối với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Duyên Hà - Hưng Nhân nói riêng. Tháng 2/1947, cơ quan Huyện ủy Duyên Hà và cơ quan Huyện ủy Hưng Nhân được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện. Năm 1969, để đáp ứng yêu cầu phát triển, huyện Hưng Hà được thành lập trên cơ sở tái nhập huyện Duyên Hà, huyện Hưng Nhân và một số xã thuộc huyện Tiên Hưng, là những địa danh thuộc Phú Long Hưng đã có từ gần một nghìn năm trước. Huyện Hưng Hà được thành lập đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân Hưng Hà cùng nhân dân các huyện trong tỉnh ra sức thi đua lao động sản xuất, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước tháng 4/1975.

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Hưng Hà đã tiễn đưa hơn 50.000 người con lên đường làm nhiệm vụ ở khắp các chiến trường, trong đó hơn 6.100 người đã anh dũng hy sinh, hơn 3.000 người trở thành thương binh, bệnh binh, hơn 2.700 người bị nhiễm chất độc hóa học; 607 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Huyện Hưng Hà và 8 xã: Chí Hòa, Tiến Đức, Tân Tiến, Cộng Hòa, Minh Khai, Hồng Minh, Hòa Tiến, Hồng An được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là những mốc son ngời sáng, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân trong huyện.

Sức sống mới ở vùng quê cách mạng

Xã Điệp Nông xưa kia là vùng đất có bề dày lịch sử với vị trí tương đối thuận tiện giáp ngã ba Tuần Nông, trên bến dưới thuyền. Đặc biệt, trong đấu tranh chống phong kiến, thôn Hoàng Nông là nơi chiêu binh, tập mã của các tướng sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Năm 1946, đình Hoàng Nông là căn cứ của bộ đội, du kích địa phương để tu sửa vũ khí phục vụ kháng chiến, nơi tuyên truyền văn hóa yêu nước đến nhân dân.

Phát huy truyền thống đó, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, thủ lĩnh Băng Tốn đã quy tụ nghĩa sĩ làm lễ tế cờ trước khi khởi nghĩa tại đình Hoàng Nông. Chính vì vậy, đình làng trở thành dấu ấn lịch sử mà mỗi người dân Điệp Nông khi nhắc đến đều thấy tự hào và là động lực thi đua xây dựng xã Điệp Nông ngày càng vững mạnh.

Ông Bùi Kim Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Điệp Nông cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ở đây có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, miền quê hứng chịu đạn bom ngày nào giờ đã khoác lên mình tấm áo mới, nhà cửa khang trang, đường quê sạch đẹp, làng xóm đầy sức sống. Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, xã Điệp Nông đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch sang hướng hàng hóa với các mô hình liên kết mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Toàn xã có 8 trang trại, 120 gia trại và hơn 200 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định 50,2ha; 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; trường học và trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. 6 tháng đầu năm 2024 có 5 thôn thi công xong 21 tuyến đường điện thắp sáng đường quê với 4.773m. Tổng giá trị thu nhập 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 468 tỷ đồng. 

Ông Trần Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Phát huy thành quả đã đạt được, năm 2024, chúng tôi tập trung lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy vùng chăn nuôi quy mô lớn; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tại xã Hồng An, ký ức 2 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây. Các cụ cao niên trong xã kể lại: Ngày 21/8/1945, tại km143+200 đoạn đê Đìa, xã Hồng An bị vỡ, nước tràn khắp các vùng, lúa mùa mất trắng, nạn đói khủng khiếp hồi tháng 3 âm lịch chưa qua, nạn đói tháng 8 lại đang rình rập. Giữa lúc khó khăn ấy, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chỉ đạo Ủy ban cách mạng lâm thời tổ chức cứu đói cho dân và hàn khẩu đoạn đê vỡ. 

Ông Lê Nguyên Tân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng An cho biết: Lúc đó, cả phía Bắc Thái Bình ngập trong biển nước. Chứng kiến cảnh nước lớn, người dân đói khát, Bác Hồ chỉ đạo tỉnh Thái Bình lập tức đắp đê chống lũ, Bác còn dặn: Công việc trước mắt phải tập trung chống đói, chống rét, nếu để dân đói là Chính phủ có lỗi với dân. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Thái Bình huy động 4 huyện của tỉnh tập trung đắp đê, chỉ sau 3 tháng cán bộ và nhân dân Hồng An cùng các lực lượng hộ đê của tỉnh, huyện đã hàn khẩu xong đoạn đê vỡ.

Thực hiện lời Bác dạy, từ đó đến nay Đảng bộ và nhân dân Hồng An luôn đoàn kết một lòng, tập trung tăng gia sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Trần Ngọc Tạo, quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Hồng An đã huy động tổng kinh phí hơn 49.823 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó nhân dân đóng góp 7.375 triệu đồng, xây dựng 8,06km đường giao thông trục xã, 23,89km đường giao thông trục thôn; kiên cố hóa 2,175km kênh cấp 1 loại 3. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển, giữ vững một số nghề truyền thống như làm long nhãn, dệt vải, may khăn, cơ khí..., tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.

Một Hưng Hà bình yên, no ấm, một miền quê lưu giữ truyền thống cách mạng đang từng ngày khoác trên mình tấm áo mới. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng Hưng Hà sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, kế thừa truyền thống quê hương cách mạng, giành được nhiều thắng lợi hơn nữa.

Thanh Thủy