Thứ 7, 23/11/2024, 05:03[GMT+7]

Họa sĩ Đỗ Như Điềm: Tuổi cao vẫn miệt mài sáng tạo

Thứ 6, 27/09/2024 | 09:49:00
13,381 lượt xem
Ở tuổi 75, vừa xuất bản, lưu giữ cho mình cuốn sách “50 tác phẩm tranh cổ động đạt giải toàn quốc giai đoạn 2018 - 2024”, họa sĩ Đỗ Như Điềm (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) vẫn luôn bận mải bên khung tranh, giá vẽ và hối hả trong thời gian gấp rút của những cuộc thi, liên hoan. Cần mẫn sáng tác, nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa nói chung, tranh cổ động nói riêng, hàng trăm bản gốc tác phẩm đạt giải được ông lưu giữ như “báu vật” cuộc đời, ấp ủ dành tặng lại những địa chỉ phù hợp.

Họa sĩ Đỗ Như Điềm trao tặng bức tranh cổ động “Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đam mê hội họa của người lính

Họa sĩ Đỗ Như Điềm là một trong những hội viên cao tuổi nhất của Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông chia sẻ, dù có nhiều tác phẩm được công chúng biết tới song ông vẫn luôn nhớ thành công đầu tiên với bản thân mình là bức tranh cổ động được sáng tác cách đây tròn 50 năm, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đó là tác phẩm “Tổ quốc gọi thanh niên Thái Bình đáp lời” được đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Văn học Nghệ thuật Thái Bình năm 1975 và đã được in, phát hành toàn quốc. Thành công tuy nhỏ bé nhưng là nguồn động lực lớn cho niềm tin và hy vọng với nghiệp vẽ. Năm 1976, ông vinh dự được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Niềm đam mê hội họa của người lính Đỗ Như Điềm cứ lớn dần theo năm tháng. Ông quyết tâm theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp năm 1984, đến năm 1994 thì được kết nạp vào hội trung ương.

Năm 1991, họa sĩ Đỗ Như Điềm về nghỉ chế độ hưu trí. Ông vẫn giữ nguyên tác phong chỉn chu của người lính Cụ Hồ, chỉ có khác là giờ đây hầu hết thời gian được dành cho niềm đam mê hội họa. 

Họa sĩ Đỗ Như Điềm tâm sự: Cũng như các họa sĩ khác, tôi vẽ nhiều thể loại tranh, vậy nên đã có một giai đoạn tạm dừng niềm đam mê tranh cổ động để tập trung cho một dự án nghệ thuật dài hơi khác của bản thân mình. Nhưng đã có lửa mà vẫn luôn ấp ủ thì nó lại cháy lại, những ý tưởng mới cứ đến và mình luôn suy nghĩ, trăn trở về điều đó. Trong giai đoạn cảm nhận sức khỏe của bản thân không còn được như xưa, tôi quyết định dành toàn bộ thời gian còn lại của mình cho tranh cổ động, đến với những cuộc thi, liên hoan như những “cuộc chơi” đầy thú vị, là món quà dành tặng cho chính niềm đam mê của bản thân mình suốt bao tháng năm miệt mài cống hiến.

Gắn bó với bột màu, cọ vẽ hơn 50 năm, họa sĩ Đỗ Như Điềm vẫn luôn cảm thấy “lạ” với chính niềm đam mê của bản thân mình. Lý do là bởi trong khi nhiều người quan niệm tranh cổ động là khô khan và thực tế hiện nay không còn nhiều họa sĩ vẽ tay thể loại tranh này, ông vẫn luôn yêu những nét vẽ mềm mại trên tác phẩm của mình. Ông nhận thấy chỉ khi tự tay pha trộn bột màu, hòa được sắc màu phù hợp, tự tay phác họa từng chi tiết từ nhỏ nhất mới có thể truyền tải toàn bộ “cái hồn” của hiện thực vào trong bức tranh.

Tác phẩm tranh cổ động “Nước trong nông nghiệp” của họa sĩ Đỗ Như Điềm được trưng bày tại Bảo tàng Victoria and Albert, Vương quốc Anh.

Trách nhiệm xã hội của họa sĩ, cựu chiến binh

Một trong những bức tranh cổ động của họa sĩ Đỗ Như Điềm được lan tỏa trên nhiều con đường, ngõ xóm, phát hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở nên quen thuộc với không ít người dân những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là bức tranh “Chung sức đồng lòng chống dịch Covid-19”. Điều đặc biệt, bức tranh này được ông gấp rút hoàn thành trong thời gian chỉ 1 ngày, từ đặt hàng của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bằng trách nhiệm của người họa sĩ với cộng đồng, tinh thần sẵn sàng cao của một người lính, từ sự sáng tạo của bản thân, nét vẽ khoáng đạt, có tính thời sự, tính cổ động cao, ông mang đến cho người xem một cách cụ thể những việc cần làm, góp phần cùng cả nước tập trung chống dịch Covid-19.

Năm 2024, tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, họa sĩ Đỗ Như Điềm trăn trở suy nghĩ làm sao góp phần để mốc son này soi sáng qua nhiều thế hệ và chuyển tải một cách sâu sắc những thông điệp, lời tri ân trước những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước để mang đến cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Trong khi đó, riêng về đề tài Điện Biên Phủ, ông đã vẽ hơn 20 năm, làm sao để tìm ra sáng tạo mới, không đi theo “lối mòn” trong tư duy hội họa của bản thân mình và các họa sĩ khác... Kết quả từ quá trình trăn trở với cuộc thi, họa sĩ Đỗ Như Điềm là tác giả duy nhất vinh dự đạt bộ giải thưởng gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích, ngoài ra còn có một số tác phẩm khác được trưng bày, thể hiện trách nhiệm xã hội của một họa sĩ, cựu chiến binh.

Tuổi càng cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, ông cũng dành thời gian tìm những “điểm đến” phù hợp gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình. Năm 2022, ông dành tặng 3 bức tranh được vẽ tay, đã đạt giải toàn quốc: “Bác luôn quan tâm thiếu niên, nhi đồng vùng cao, biên giới”, “Bác gần dân, vì dân”, “Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có 2 tác phẩm tranh cổ động của ông về đề tài môi trường mang tên “Nước trong nông nghiệp” và “Chặn ngay nạn chặt phá rừng ngập mặn” được trưng bày tại Bảo tàng Victorya and Albert, Vương quốc Anh. Tại Bảo tàng tỉnh cũng có nhiều tác phẩm tranh của họa sĩ Đỗ Như Điềm. Ông tin tưởng, với trách nhiệm lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất của các bảo tàng, tác phẩm nghệ thuật sẽ sống mãi với thời gian, phát huy giá trị và đến với đông đảo công chúng.

Tú Anh