Chủ nhật, 04/05/2025, 14:14[GMT+7]

Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế

Chủ nhật, 04/05/2025 | 07:21:46
242 lượt xem
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Trần Đăng Khoa, xã Nam Hải (Tiền Hải) luôn cần cù lao động, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, ông còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, tích cực góp sức xây dựng quê hương.

Cựu chiến binh Trần Đăng Khoa, xã Nam Hải (Tiền Hải) phát triển mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một thời oanh liệt 

Ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội. Mỗi dịp tháng tư về, những cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh như ông Trần Đăng Khoa lại bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu hào hùng. Ông chia sẻ: Tôi nhập ngũ tháng 4/1972, thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Tháng 7 năm đó, tôi làm trinh sát Đại đội 20, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi hành quân xuyên rừng, vượt đường 9 Nam Lào. Chặng đường hành quân với những bữa ăn vội vã, cơm không đủ no, chúng tôi vẫn nhường nhau từng phần, giữ vững tinh thần và niềm tin chiến thắng. Đó là thời kỳ mà tôi không thể nào quên. 

Mỗi khi hồi tưởng lại, trong ký ức của tôi lại hiện về với bao cảm xúc. Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận đánh cuối cùng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 phối hợp cùng Sư đoàn 312 và Sư đoàn 367 đánh chiếm các cứ điểm Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương), tiêu diệt các đơn vị còn lại của Sư đoàn 5, Sư đoàn 18, Lữ đoàn kỵ binh số 1 và Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến của địch. Sau đó, lực lượng thọc sâu tiến vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tổng tham mưu ngụy. 

Chiến sự diễn ra ác liệt, đến ngày 29/4, Sư đoàn 320B tiêu diệt chi khu quân sự Tân Uyên, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công về hướng Lái Thiêu, Sài Gòn. Đội hình thọc sâu của Sư đoàn triển khai theo các hướng Trại Hủi, Khánh Vân, Búng, vượt Lái Thiêu, qua cầu Vĩnh Bình, tiến thẳng vào Sài Gòn. Trước sức tiến công áp đảo, quân địch tan rã, nhiều sĩ quan, binh lính phải bỏ súng, lột quân phục để thoát thân. Lúc khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung đoàn 48 tiến vào Bộ Tổng Tham mưu, thu giữ ấn, kiếm và nhiều tài liệu quan trọng. Lá cờ giải phóng được cắm trên nóc trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong tiếng reo hò vang dội của cán bộ, chiến sĩ. Sau đó, các đơn vị tiếp tục tỏa đi đánh chiếm các mục tiêu đã phân công. 

Khắp các nẻo đường, từng đoàn quân giải phóng nối tiếp nhau tiến vào thành phố. Niềm vui vỡ òa khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Những người lính siết chặt tay nhau, cười trong nước mắt. Có người dù bị thương, sức khỏe yếu vẫn cố gắng ngồi dậy, hát vang khúc ca chiến thắng, gọi nhau cùng hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. 

Cựu chiến binh Trần Đăng Khoa, xã Nam Hải (Tiền Hải) phát triển mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gương mẫu làm kinh tế giỏi 

Đã 50 năm trôi qua kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa như ông Khoa vẫn giữ trọn phẩm chất bộ đội trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Ông Khoa cho biết: Sau ngày giải phóng, tôi tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 1978 xuất ngũ trở về địa phương. Làm kinh tế ở vùng quê nghèo vốn đã khó, với người lính vừa rời quân ngũ, lại càng nhiều thử thách. Tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần không lùi bước, tôi quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, năm 2000, ông Khoa mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về sức khỏe và vốn. Được sự động viên của gia đình, đồng đội và sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông vay 100 triệu đồng đầu tư đào ao nuôi cá, trồng cây màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích 2,7ha. Nhờ kiên trì học hỏi, áp dụng kỹ thuật, mô hình kinh tế của ông từng bước mang lại hiệu quả. Hiện trang trại mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, ông Khoa còn tích cực tham gia công tác xã hội. Trong nhiều năm tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vận động nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông cũng là hội viên gương mẫu trong phong trào của Hội CCB, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng góp 30 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Phạm Mã Siêu, Chủ tịch Hội CCB xã Nam Hải nhận xét: Ông Khoa là tấm gương điển hình về ý chí vươn lên làm giàu chính đáng để hội viên học tập, noi theo. Thời gian tới, Hội CCB xã sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phát huy tinh thần gương mẫu của CCB trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày