Thứ 7, 23/11/2024, 10:27[GMT+7]

PHỦ SÓC Ngày ấy - Bây giờ

Thứ 2, 04/10/2010 | 11:02:49
4,979 lượt xem
Với truyền thống cách mạng từ hàng ngàn năm để lại, ngày nay, cùng với tốc độ đô thị hóa, Vũ Quý đang thay đổi từng ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 13,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp chiếm 20,5%, công nghiệp - XDCB chiếm 48,5% và dịch vụ thương mại 31%.

Thị trấn Vũ Quý hôm nay. Ảnh: Thành Tâm

Về Vũ Quý (Kiến Xương) hôm nay, mới thấy được tốc độ phát triển của đô thị loại 5 đang thay da đổi thịt từng ngày. Nằm trên trục đường 39B, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và huyện, nơi đây chính là phủ lỵ Kiến Xương xưa kia với tên gọi phủ Sóc.

 Theo lịch sử kể lại, xã Vũ Quý trước Cách mạng tháng 8/1945 là làng Động Trung thuộc tổng Xuân Vũ, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; nay là hai xã Vũ Quý và Vũ Trung. Có từ cách đây hàng ngàn năm, sau khi đất xã Vũ Quý hình thành, dân cư từ khắp nơi: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An đã về đây khai phá làm ăn sinh sống. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Vũ Quý đã trở thành điểm đóng bốt chính của chúng tại chùa Đại Ngạn với tên gọi là bốt Đông Quý chỉ huy các bốt lẻ ở xung quanh, có pháo 105 ly bắn tầm xa yểm trợ cho đoàn tàu địch vận chuyển quân vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm từ Đà Lạt vào thành phố Nam Định.

 

Mặc dù là địa bàn giặc Pháp tập trung đánh phá ác liệt; song, với truyền thống yêu nước, cán bộ đảng viên, lực lượng vũ trang nhân dân xã Vũ Quý vẫn kiên cường bền bỉ bám trụ, bình tĩnh, chủ động đối phó.

 

Từ ngày 3/3/1950 đến 29/6/1954, quân và dân đã phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương độc lập chiến đấu hơn 65 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 272 tên địch, làm bị thương 257 tên, gọi hàng 13 tên, bắt sống 26 tên; thu 79 súng, 172 quả mìn, 92 lựu đạn cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng và các chiến lợi phẩm khác.

 

Cùng với thành tích chiến đấu giải phóng quê hương, Vũ Quý còn thực hiện tốt việc huy động sức người, sức của cho chiến trường. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, toàn xã đã tiễn đưa 179 thanh niên lên đường nhập ngũ, kết nạp 239 đồng chí vào du kích trực tiếp tham gia chiến đấu; đóng góp cho kháng chiến 60 chỉ vàng, 96 lạng bạc, 135 người phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, chi viện cho chiến trường hàng trăm tấn lương thực.

 

Trong kháng chiến, nơi đây chính là cơ sở cất giấu cán bộ; điển hình như: Từ đường họ Nguyễn Đăng (thôn 5), chùa Hanh Cù (thôn 1) đã được công nhận là Di tích lịch sử. Tháng 7/1954, hòa bình lập lại, trên địa bàn xã đã có tới 17 cơ quan đơn vị Nhà nước, và đây cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, an ninh chính trị, quốc phòng trọng điểm của huyện Kiến Xương.

 

Với truyền thống cách mạng từ hàng ngàn năm để lại, ngày nay, cùng với tốc độ đô thị hóa, Vũ Quý đang thay đổi từng ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 13,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp chiếm 20,5%, công nghiệp - XDCB chiếm 48,5% và dịch vụ thương mại 31%.

 

Cùng với chủ trương chung của tỉnh, Vũ Quý đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống lúa, 100% giống lúa ngắn ngày đã được đưa vào sản xuất. Do vậy, năng suất lúa hàng năm được giữ vững, bình quân đạt 130 tạ/ha. Không chỉ chú trọng phát triển cây lúa, hàng năm, Vũ Quý còn tập trung mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm với diện tích gieo trồng chiếm hơn 40% diện tích đất canh tác.

 

Hệ thống giao thông đồng ruộng cũng từng bước được nâng cấp; Vũ Quý đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, bình quân 2 thửa/hộ. Bên cạnh việc tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp, Vũ Quý còn dành nhiều nguồn lực phát triển công nghiệp – TTCN. Toàn xã hiện có 1 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và 16 tổ hợp, doanh nghiệp.

 

Những năm qua, địa phương đã khuyến khích và động viên các tổ hợp, doanh nghiệp phát triển và du nhập nghề mới như: thêu ren, thảm len, dệt len, may mặc... thu hút 1.000-1.200 lao động. Đặc biệt, được sự quan tâm của tỉnh và huyện, năm 2005-2006, Vũ Quý đã được phê duyệt đầu tư cụm công nghiệp với tổng diện tích 9,3 ha.

 

Đến nay, cụm công nghiệp đã tiếp nhận 3 dự án; trong đó, 2 công ty đã xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động. Với lợi thế là địa phương có 1,7 km nằm trên trục đường 39B, cách thị trấn Thanh Nê 7 km, cách Thành phố Thái Bình 7 km; hoạt động thương mại dịch vụ ở Vũ Quý phát triển khá. Một số cửa hàng bán buôn, bán lẻ như: vận tải, ăn uống, cơ khí, điện tử, may mặc, khám chữa bệnh, dịch vụ nông nghiệp... phát triển mạnh.

 

Hoạt động của các thành phần kinh tế ở địa phương hiện nay đa dạng, phong phú và có hiệu quả đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế và thay đổi diện mạo quê hương. Toàn xã hiện có 180 hộ kinh doanh buôn bán lớn nhỏ dọc hai bên đường 39B. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,5%.

 

Thành tích chiến đấu vẻ vang, Vũ Quý đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, kỷ niệm chương và cờ truyền thống; năm 2005, Vũ Quý đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 11 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; Năm 2010, Vũ Quý được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại 5. Đảng bộ và chính quyền xã nhiều năm đạt danh hiệu TSVM.

 

Ông Nguyễn Đăng Hồng – Chủ tịch UBND xã cho biết: Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và những thành tựu đạt được trong những năm qua, khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, xây dựng thị trấn ngày càng phát triển hơn, trong thời gian tới, Vũ Quý tập trung phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch thị trấn. Theo đó, Vũ Quý tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ sản xuất khoa học, tiên tiến, phát triển bền vững.

 

Tập trung đôn đốc xây dựng cụm công nghiệp đã được quy hoạch, ưu tiên các dự án vào cụm công nghiệp với công nghệ hiện đại, sử dụng nguyên liệu tại xã, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng diện tích và nâng cấp chợ Sóc lên loại 1, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa phát triển.

Minh Hương 

  • Từ khóa