Thứ 3, 19/11/2024, 11:19[GMT+7]

Từ “tiếng trống ngũ liên” đến con đê biển hôm nay

Thứ 2, 12/10/2015 | 09:32:22
5,292 lượt xem
Ðã quá “thất tuần” nhưng nhờ ông trời phú cho trí nhớ nên tôi cũng thấy mừng. Ấy vậy nhưng do “nhớ bền” mà nhiều khi sinh ra... “sợ dai”. Ví như chuyện “tiếng trống ngũ liên” báo hiệu vỡ đê ở mãi xa thời “để chỏm”, vậy mà mỗi khi nhớ đến là tôi lại “sợ thót tim”.

Tuyến đê biển thuộc địa phận xã Thụy Hải (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm.

 

Trong 4 mối họa, nước được liệt vào hàng nguy hại số một: Thủy, hỏa, đạo, tặc. Riêng với người dân vùng duyên hải, bão biển, sóng thần mà ập đến cầm chắc đại họa không từ một ai.

 

“Nước lụt thì lút cả làng”, để hạn chế hiểm họa, người người chỉ còn cách chung lưng đấu cật tạo ra những con đê, con chạch bằng đất rồi gửi gắm cả số phận vào nó. Trong cuộc đọ sức sinh tử giữa “giặc nước” và con người, nếu chẳng may đê vỡ không biết từ bao giờ ông cha ta đã dùng “tiếng trống ngũ liên” để báo nguy. Ðình đám, hội hè, tiếng trống ăm ắp không khí hân hoan, rộn rã. Riêng “tiếng trống ngũ liên” báo hiệu vỡ đê cứ thúc lên là thấy gai người. Nghe tiếng trống định mệnh này, dù ngày hay đêm, hết thảy già trẻ, gái trai phải hò nhau đổ ra hộ đê. Không giữ được đê đồng nghĩa ngập lụt, chết chóc, mất nhà mất cửa, chẳng biết bấu víu vào đâu. Còn dại lắm, đang tuổi “đồng ấu”, tôi đã mấy lần chứng kiến “tiếng trống ngũ liên”, đến bây giờ vẫn hằn sâu nơi ký ức. Cùng là người quê nhưng lớp chào đời sau ngày ta giành chính quyền so với tôi tỏ ra “lạc hậu”, không hiểu “tiếng trống ngũ liên” là gì. “Lạc hậu” lại chính là “diễm phúc” bởi “tiếng trống ngũ liên” hiển hiện thứ “âm thanh bất hạnh” suốt những năm dài nô lệ. May mắn thay, trên vùng đất mênh mông cả tả và hữu cửa sông Diêm Hộ hôm nay, cứ đảo mắt là gặp ngay hệ thống đê biển chưa hề thấy bao giờ. Khác hẳn những đê đất còm nhom ở ngày xa, đê biển bây giờ được hình thành từ bê tông cốt thép theo một quy trình công nghệ hết sức tiên tiến.

 

Từ bờ tả cửa Hộ cưỡi xe máy hoặc ngồi ô tô theo mặt con đê bê tông phi một lèo là tới ngay nút địa đầu huyện tiếp giáp với Hải Phòng. Thú vị nhất là từ xã Thái Thượng bên bờ hữu cửa Hộ khởi nguồn một con đê đáng gọi là có một không hai ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Hai mái đê thoai thoải bám sâu vào lòng đất. Thân cao, mặt rộng, con đê như bức trường thành bằng bê tông chạy một mạch hàng chục cây số sang hướng cửa Trà Lý.

 

Ở vùng cửa Hộ đối mặt với bão dữ sóng thần, xưa kia, hết cha truyền lại con nối cứ phải nơm nớp nghe “tiếng trống ngũ liên” loan báo vỡ đê. Cũng nơi này hôm nay, con cháu tha hồ yên tâm an cư lạc nghiệp trên những vùng đất nằm sau hệ thống đê hiện đại mà xưa kia dẫu lãng mạn đến mấy cũng không thể mơ.

 

Bao nhiêu năm qua, hễ nhắc tới đất cửa Hộ y như rằng tôi rùng mình nhớ ngay đến “tiếng trống ngũ liên”. Còn giờ đây, chẳng việc gì phải sợ nữa rồi. Hôm nay nhắc tới “tiếng trống ngũ liên” chính lại gợi cho tôi niềm kiêu hãnh bởi tiếng trống định mệnh ấy đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ, bởi ngay dưới chân đây là hình hài một tuyến đê biển bề thế, kiên cố, đủ sức chặn đứng thủy triều, bảo vệ trọn vẹn những vùng nội đồng trù phú của miền quê Thái Thụy.

 

Hoàng Ngọc Khuyến

Diêm Ðiền, Thái Thụy

  • Từ khóa