Gặp “nhà báo của núi rừng” trên đất lúa
Người lính cầm bút
Gặp nhà báo Lê Vũ Huy Tuyến trong căn nhà nhỏ giản dị ở thôn Ðồng Uyên, xã Thái Phúc (Thái Thụy) trong lúc ông đang cặm cụi bên máy tính chuẩn bị cho trang tin của đài truyền thanh xã. Dù đã bước qua tuổi "thất thập", mái tóc đã bạc phơ nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, giọng nói dứt khoát, lướt bàn phím máy tính như... thanh niên.
Hai thế hệ làm báo ngồi cùng nhau. Ông kể cho tôi nghe về cơ duyên trở thành nhà báo của mình. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Lê Vũ Huy Tuyến thuộc diện bộ đội được cử đi đào tạo. Ông học lớp nghiệp vụ báo chí 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11/1976) do quân đội tổ chức rồi học nghiệp vụ chính trị tại Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1977, khi tình hình biên giới phức tạp, ông lên đường làm nhiệm vụ tại Tây Bắc. Thời điểm ấy, vì có nghiệp vụ báo chí nên ông được tuyển vào tòa soạn Báo Lai Châu và sự nghiệp viết báo của ông bắt đầu từ đó. "Gọi là người có nghiệp vụ chứ thực ra mình chỉ có sáu tháng học tập. Ba bốn tháng đầu chỉ có những tin ngắn đăng trên báo" - ông tâm sự. Tháng 12/1978, sau chuyến công tác tại các xã biên giới cụm Giào San, huyện Phong Thổ cùng Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Trọng Tháp, Lê Vũ Huy Tuyến có bài "Ðánh vào đầu chúng nó" gửi Báo Lai Châu; tòa soạn gửi Báo Quân đội nhân dân, được đăng trên trang nhất. Tên tuổi của ông bắt đầu được chú ý. Tháng 2/1979, ông được Báo Quân đội nhân dân phân công làm phóng viên mặt trận.
Trở thành phóng viên mặt trận, Lê Vũ Huy Tuyến luôn sốt sắng bám sát sinh hoạt, chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ ta ở các điểm nóng chiến sự. Từng là một người lính, được tôi luyện trong gian khổ nên Huy Tuyến không ngại đi, không ngại khó, luôn sát cánh cùng bộ đội, dân quân có mặt ở những chốt quan trọng, những điểm nóng chiến sự của hai huyện biên giới Sìn Hồ, Phong Thổ để nhanh chóng cập nhật thông tin, phản ánh tình hình, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Nhiều tin, bài có giá trị như bài viết về bà mẹ Phù Tả Ma, dân tộc Hà Nhì ở Ma Ly Chải đi đầu cùng dân bản đấu tranh chống âm mưu của phía Trung Quốc; bài "Ðây là vị trí chiến đấu của tôi" viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền, quản lý Ðồn 33 Bộ đội Biên phòng tỉnh, đóng chốt ở đầu biên giới Ma Ly Pho. Khi quân địch tràn sang với số lượng quá lớn trong khi lực lượng của Ðồn chỉ tương đương một đại đội thiếu, sau nhiều đợt đánh trả, chiến sĩ của Ðồn bị thương vong nhiều. Căm thù địch, Nguyễn Văn Hiền xông ra chiến hào đầu cầu chiến đấu. Mặc dù bị thương vào chân, anh em trong Ðồn định cáng về phía sau chữa trị nhưng anh bảo: Ðây là vị trí chiến đấu của tôi, không được đưa tôi đi đâu cả, cứ để tôi ở lại chiến đấu. Nguyễn Văn Hiền đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong tư thế đang đứng bắn. Bài viết của Huy Tuyến được đăng trên trang nhất Báo Lai Châu, được chọn gửi đi dự thi và đạt giải ba báo chí toàn quốc.
Người bảo vệ quyền lợi cho dân
Lê Vũ Huy Tuyến viết nhiều thể loại, từ ghi nhanh, phản ánh, ký chân dung, ký chính luận... nhưng thế mạnh nhất của ông là ở thể loại phóng sự điều tra. Ông tâm niệm: Phóng viên phải xông xáo, phải tôn trọng sự thật, không ngại khó, ngại khổ, phản ánh được những góc khuất của xã hội. Nhà báo cũng cần có tinh thần chiến đấu. Những phóng sự điều tra của ông đã vạch ra nhiều thói hư tật xấu tồn tại trong đời sống xã hội, phản ánh những vấn đề mà dư luận quan tâm. Nhưng cũng chính vì những bài báo này mà không ít lần Huy Tuyến gặp phải rắc rối. Dù vậy, ông vẫn luôn giữ ý chí ngay thẳng, làm đúng lương tâm nghề nghiệp của người làm báo. "Cám ở đâu ra?" là một bài viết chống tiêu cực tiêu biểu của Lê Vũ Huy Tuyến. Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thời kỳ bao cấp đã qua mà ở Lai Châu vẫn còn hiện tượng cửa quyền về buôn bán. Lạ hơn là cơ quan quản lý hàng lại không có quyền phân phối hàng mà quyền đó thuộc về Văn phòng UBND tỉnh. Sau khi tìm hiểu sự việc, ông viết bài "Cám ở đâu ra?" đăng trên Báo Lai Châu, đây là bài báo đầu tiên của tờ báo viết về đề tài chống tiêu cực. Sau khi bài báo được đăng, Tổng biên tập và phóng viên Hai Lê (bút danh của Huy Tuyến lúc bấy giờ) được "mời" sang Văn phòng UBND tỉnh làm việc và từ đó Hai Lê bị Văn phòng Ủy ban để ý theo kiểu "bằng mặt nhưng không bằng lòng". Mặc dù bị để ý, gây khó dễ trong hoạt động nghiệp vụ nhưng chưa bao giờ ông tỏ ra hối hận vì những việc chân chính mình đã làm.
"Thanh tra gì lạ vậy?" cũng là một phóng sự điều tra ấn tượng, vạch mặt việc gây quỹ đen, trù dập nhân viên của Phòng Lương thực huyện Tuần Giáo lúc bấy giờ. Sau khi bài báo được đăng, Phòng Lương thực huyện Tuần Giáo bị thi hành kỷ luật, thanh tra sở bị kiểm điểm còn những nhân viên ở Phòng Lương thực huyện Tuần Giáo bị trù dập được trả lại công bằng, quỹ đen được thu hồi sung vào ngân sách nhà nước. Ngoài những đề tài mang tính chiến đấu cao, ngòi bút của Lê Vũ Huy Tuyến còn dành sự trân trọng đặc biệt cho những nét đẹp đời thường, đặc trưng văn hóa tiêu biểu của núi rừng Tây Bắc.
Ông viết ký "Dẻo thơm cơm gạo Ðiện Biên", bài viết "Ước mơ Chiềng Noong" kể về thức gạo được coi là thơm ngon nhất nước, về sự đổi mới đi lên của một hợp tác xã điển hình miền núi, một sự hồi sinh diệu kỳ sau chiến tranh, vượt qua khó khăn người Thái vươn tới ước mơ có điện thắp sáng, có điện để phát triển ngành nghề, có điện để chế biến lương thực, để làm giàu.
Qua ngòi bút của Lê Vũ Huy Tuyến, một miền Tây Bắc đẹp nên thơ hiện lên chân thực và lôi cuốn. Và cũng từ ngòi bút ấy, ta lắng lòng trước những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Một Bản Mí 1, xã Xá Tổng, huyện Mường Chà (Ðiện Biên) gần như bị tách biệt khỏi xã hội vì địa hình hiểm trở, phóng viên thâm nhập địa bàn phải đội máy ảnh lên đầu, trèo đèo lội suối như đi du lịch mạo hiểm để vào khu dân cư.
Ngòi bút của Lê Vũ Huy Tuyến chân thực, giàu yêu thương; dù miêu tả về khó khăn, tác phẩm của ông vẫn ánh lên sự lạc quan, yêu đời, niềm tin và hy vọng hướng về một tương lai tươi sáng. Có lẽ ông đã dành tình yêu quá lớn cho mảnh đất này, bởi vậy mà trong mỗi tác phẩm, phần "hồn cốt" của "núi cao, rừng sâu" bất cứ lúc nào cũng nguyên vẹn, tròn trịa, giàu sức biểu cảm.
Nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt ba mươi năm công tác, thành quả Lê Vũ Huy Tuyến đạt được là hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam"...
Ðể lại tuổi xuân với núi rừng, Huy Tuyến trở về quê hương khi mái đầu đã điểm bạc. Không chọn cho mình một cuộc sống an hưởng tuổi già, ông bước tiếp những chặng đường cống hiến. Người ta vẫn thấy ông chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh Lê Vũ Huy Tuyến tận tụy với hoạt động hội, một chi hội phó chi hội người cao tuổi nhiệt tình say mê gây dựng phong trào, một đội trưởng đội tự quản dân cư "bảy mươi ba tuổi, giao thừa vẫn ra đường tuần tra, ngăn chặn tình trạng đốt pháo".
"Nhà báo của núi rừng" giờ đã trở về miền xuôi. Những "hành trình ngàn dặm" nay đã được nhường cho lớp trẻ. Trong sự nghiệp làm báo của mình, Lê Vũ Huy Tuyến dành trọn tình yêu cho Tây Bắc. Ðối với ông, kỷ niệm buồn vui về những tháng ngày làm báo vùng cao luôn là dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024