Thứ 4, 13/11/2024, 05:27[GMT+7]

Giọng chèo nơi ngục tối

Thứ 2, 08/05/2017 | 10:27:33
5,794 lượt xem
Những ngày đầu tháng 5, được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Báo Sơn La, đoàn công tác của Báo Thái Bình đã đến thăm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, công trình do thực dân Pháp dựng lên nhằm giam cầm, tra tấn những chiến sĩ cộng sản kiên trung và người yêu nước để thủ tiêu ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Di tích nhà tù Sơn La.

Trong số những tù nhân người Thái Bình bị bắt giam tại đây có chí sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Thúc Khiêm (1870 - 1943) cùng hai người con trai. Cũng như bao tù nhân khác, Nguyễn Thúc Khiêm bị giam cầm ngục tối và bị tra tấn cực hình. Không lay chuyển được ông, thực dân Pháp quay sang mua chuộc, dụ dỗ ông “cải tà, quy chính” tố cộng nhưng ông chẳng những không lung lạc ý chí một lòng đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn sẵn sàng chọn cái chết vinh quang thay vì sống đời nô lệ!

Nguyễn Thúc Khiêm, tự Ngọc Liễn, vì đỗ tú tài nên thường gọi Tú Khiêm. Cùng với tên họ trên một số tác phẩm còn thấy ông ghi Hoàng Sơn Tú tài hàn lâm Nguyễn Thúc Khiêm. Ông sinh tại làng Hoàng Nông, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà (nay là thôn Hoàng Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học. Truyền thống ấy còn lưu truyền trong dân gian câu ca:


Thứ nhất Đề Hiện Quang Lang
Thứ nhì Bang Tốn ở làng Hoàng Nông


Thân phụ Tú Khiêm là Nguyễn Đình Tốn (tự là Bang Tốn) giỏi cả văn lẫn võ, năm Tự Đức thứ 10 (1856) tự nguyện đầu quân giữ chức võ quan nhỏ ở quân thứ Bình Định rồi sang Phú Yên, do lập công lớn được triều đình thăng chức Bang biện ở kinh thành Huế nên gọi là Bang Tốn. Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đầu hàng, Bang Tốn không chịu cúi đầu làm tay sai cho giặc liền rũ bỏ áo quan về quê chống Pháp. Nghĩa quân Bang Tốn hoạt động rộng khắp gây cho thực dân Pháp rất nhiều tổn thất. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức và các nguồn sử liệu thì nghĩa quân Bang Tốn có hàng nghìn người, trong đó có bảy anh em Bang Tốn (bốn trai, ba gái) trai thì lo cầm quân đánh giặc, gái thì lo đốc thúc binh lương. Năm 1886, trong một trận phục kích đánh tàu chiến của giặc trên sông Hồng (giữa xã Hồng An và xã Minh Tân, huyện Hưng Hà) nghĩa quân Bang Tốn bị tổn thất nặng nề. Bang Tốn và một số nghĩa sĩ hy sinh (nay tại xã Hồng An vẫn còn miếu thờ Bang Tốn và khu mộ các nghĩa sĩ). Sau trận đánh, số nghĩa sĩ còn lại vượt sông Hồng gia nhập phong trào chống Pháp ở Hưng Yên, Hà Nội. Các đốc hương (chị, em gái Bang Tốn) người bỏ đi tu, người đi lấy chồng trong đó đốc hương Nguyễn Khánh Thục đổi tên là Nguyễn Thị Tảo kết duyên với nghĩa sĩ cần vương Nguyễn Lương Côn (người Hải Dương) sinh ra Nguyễn Lương Thiện (Khóa Thiện) là thân phụ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (cũng là tù nhân nhà tù Sơn La). Nguyễn Thúc Khiêm sớm tiếp thu được truyền thống hiếu học, yêu nước truyền từ người cha nên ngay khi mới tuổi trưởng thành Nguyễn Thúc Khiêm đã tiên phong tham gia phong trào “chấn hưng dân trí” ở Hà Nội, sáng tác thơ văn và đặc biệt ông hát chèo rất hay và là tác giả của nhiều vở chèo chấn hưng nền nghệ thuật dân tộc và tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.

Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và “Tiếng trống năm 30” của nông dân Tiền Hải đã khiến thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng đàn áp dã man phong trào cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo. Chúng tăng cường bắt bớ những người có tư tưởng chống đối cái gọi là “chính phủ bảo hộ”, Nguyễn Thúc Khiêm bị bắt giam vì tội viết nhiều vở chèo tuyên truyền chống thực dân Pháp. Sau đó, thực dân Pháp cấm ông sáng tác chèo, buộc ông phải rời khỏi Hà Nội về quê và chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân vì: “Lão trùm chèo Lý Nghị (tức Nguyễn Đình Nghị), lão soạn giả Nguyễn Thúc Khiêm nghe cộng sản xúi giục viết những vở chèo hô hào chống chính phủ bảo hộ”. Về lại quê nhà, bị quản thúc ngặt nghèo nhưng Nguyễn Thúc Khiêm vẫn lấy những làn điệu chèo đã ngấm vào huyết quản của người dân Thái Bình làm vũ khí, tiếp tục sáng tác những vở chèo với nội dung đả kích bọn việt gian tay sai, bán nước và hô hào chống thực dân Pháp xâm lược, ông lại bị bắt lần thứ hai. Lần này, thực dân Pháp khép ông vào tội “chống chính phủ bảo hộ”, kết án tù chung thân, đưa ông lên giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đày lên nhà tù Sơn La.

Hai người con của Tú Khiêm cũng theo cha chống Pháp liền bị thực dân Pháp bắt giam. Người con đầu là Nguyễn Bạch Nhất, thường gọi Bạch Cả, người con thứ ba là Nguyễn Bạch Tam, thường gọi Bạch Tam, cả ba bố con đều bị khép tội “chống chính phủ bảo hộ” và là tù chính trị bị đày lên Sơn La. Bạch Cả, Bạch Tam đã được tuyên truyền giác ngộ, được kết nạp là đảng viên Đảng cộng sản ngay trong ngục tù Sơn La, nhờ biết nghề cơ khí, Bạch Nhất và Bạch Tam được bọn cai ngục cho ra làm ở lò rèn. Lợi dụng cơ hội đó tổ chức đảng nhà tù đã giao cho Bạch Nhất và Bạch Tam tự tạo vũ khí để giúp tù chính trị vượt ngục tự vệ, nhờ đó một số đồng chí ta đã trốn thoát trở về hoạt động cách mạng. Nguyễn Thúc Khiêm bị giam chung với những tù nhân mang “số đỏ” (ký hiệu người tù mang hai án chung thân), trong ngục tối Nguyễn Thúc Khiêm vẫn hát chèo, ngâm thơ nên được các tù nhân kính nể không những tuổi cao, có học vấn mà còn có lòng yêu nước căm thù giặc sâu sắc, hơn nữa các tù nhân đều biết cả ba bố con ông bị tù vì tội chống thực dân Pháp.

Năm 1943, phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị lan rộng thành cao trào, thực dân Pháp phải nhượng bộ, Nguyễn Thúc Khiêm được “ân xá” nhưng trước lúc trả tự do cho ông chúa ngục Sơn La bắt ông viết cam kết: “được ân xá về bản quán xin cải tà phục thiện, không lập bè đảng, hội kín chống chính phủ bảo hộ”. Ông trừng mắt: “Ta thà chết chứ không chịu làm nô lệ”. Nói rồi, ông bẻ gẫy bút, xé giấy, quăng xuống đất. Chúa ngục sa sầm mặt, chưa kịp phản ứng thì ông đã tuẫn tiết. Hai người con của ông là Bạch Nhất và Bạch Tam ở tù đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Ra tù, hai ông gia nhập quân ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp cho đến ngày giải phóng Điện Biên.

Quang Viện


Ông Trần Duy Mạc, Bí thư Đảng ủy xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà

Hoàng Sơn Tú tài hàn lâm Nguyễn Thúc Khiêm là người con quê hương Điệp Nông, ông là người có công cải cách và làm sống lại nghệ thuật chèo của dân tộc, chúng tôi rất tự hào khi biết ông là tù chính trị từng lưu đày ở ngục tù Sơn La cùng hai người con trai và ông lại là tác giả của nhiều vở chèo tuyên truyền chống thực dân Pháp xâm lược như nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền (Nhà hát Chèo Việt Nam) đã từng nhận xét: “Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta có hàng trăm kịch bản, hàng trăm làn điệu, mấy chục bản trò nhưng công trình nghiên cứu nghiêm túc về sân khấu dân tộc thì mới thấy có một công trình của Nguyễn Thúc Khiêm”. Ông đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ năm 2006 và đến tháng 8/2016 ông được công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.

Ông Lê Anh Thuyên, xã Lưu Hòa, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội

Lần đầu tiên tôi đến thăm nhà tù Sơn La để tìm hiểu sâu hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, được tận mắt chứng kiến nơi giam cầm, đọa đày tù nhân nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước. Tôi rất cảm động và khâm phục ý chí thà chết chứ không chịu làm nô lệ của chí sĩ Nguyễn Thúc Khiêm. Nhà tù Sơn La là chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ cộng sản và chí sĩ yêu nước, đồng thời cũng là nơi nuôi dưỡng ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc trong đó có ba bố con chí sĩ Nguyễn Thúc Khiêm.

Chị Lò Thị Tuyết, hướng dẫn viên di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La

Đã có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La và mỗi lần làm hướng dẫn viên cho du khách tôi không khỏi xúc động trước những tấm gương chiến đấu quật cường với thực dân Pháp tại nơi ngục tù. Tôi đã từng đọc về tiểu sử chí sĩ Nguyễn Thúc Khiêm và vô cùng ngưỡng mộ ba cha con chí sĩ Nguyễn Thúc Khiêm cùng bị giam trong ngục tù Sơn La vì tội “chống chính phủ bảo hộ”. Đó mãi là tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh đến cùng giải phóng dân tộc, lưu danh sử sách!