Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính “Vẽ” chân dung Bác Hồ bằng nghệ thuật thêu
Ðau đáu với nghề truyền thống
Trong xưởng thêu của gia đình, ở tuổi 63, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính vẫn đeo kính xỏ kim, đôi bàn tay mềm dẻo, thoăn thoắt lướt trên khung thêu. Ông kể: Hơn 50 năm trước, Minh Lãng quê ông đã có nghề thêu truyền thống nhưng do chiến tranh loạn lạc, số người biết thêu chỉ còn rất ít. Khi đó ông Bính mới lên 8 tuổi, bố mẹ ông đã gửi con học thêu ở nhà một người thợ quen mong kiếm thêm chút tiền ít ỏi phụ giúp gia đình. Ban đầu ông Bính khóc lóc phản đối nhưng càng làm ông càng thấy ham, dần dần đam mê những mẫu thêu đẹp, tinh xảo và đặt quyết tâm phải sáng tạo ra nhiều mẫu thêu đẹp. Nghề thêu đến tự nhiên rồi cứ thế gắn bó với ông suốt cuộc đời.
Sau này, khi đã có tiếng tăm ở làng nghề, không ít người ở các vùng thêu trong cả nước mời ông về làm “ông chủ” hoặc chung vốn kinh doanh sản phẩm thêu nhưng ông Bính vẫn muốn đôi bàn tay mình trực tiếp thêu lên những sản phẩm riêng có của làng nghề quê hương. Những năm 1989, 1990, nghề thêu ở làng lao đao, nhiều thợ thêu kỳ cựu đã chuyển sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác nhưng ông Bính vẫn kiên trì bám trụ, không bỏ nghề. Mấy năm gần đây, nghề thêu cho thu nhập thấp, phần lớn lớp trẻ ở làng đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp trên thành phố, nhìn làng nghề không còn thịnh vượng như xưa ông Bính buồn nhưng đành bất lực. Bản thân ông làm nghề thêu nhiều năm liền, đôi mắt giờ đã mờ kém, lưng đau khi phải ngồi lâu thế nhưng ông vẫn kiên trì thêu vừa là để thỏa mãn đam mê sáng tạo nghệ thuật vừa tranh thủ truyền dạy những kinh nghiệm, bí quyết nghề thêu cho lớp thợ trẻ. Ông Bính vẫn luôn đau đáu, lo lắng một điều, sau thế hệ các ông nghề thêu Minh Lãng sẽ dần mai một.
Ðôi bàn tay tài hoa
Gắn bó với nghề thêu trọn cuộc đời, ông Bính chia sẻ: Nghề thêu chỉ cần tỉ mỉ, chịu khó là làm được, thế nhưng để mỗi sản phẩm thêu tay trở thành tác phẩm nghệ thuật thì người thợ thêu cần phải có óc tưởng tượng, tâm hồn bay bổng và đặc biệt một đôi bàn tay cực kỳ tài hoa. Những bức tranh thêu phong cảnh làng quê thanh bình, hoa lá, mã đáo thành công, tùng - cúc - trúc - mai, mục đồng chăn trâu… do ông thêu đều sắc nét, sống động và chân thực. Đặc biệt, làng nghề thêu Minh Lãng có hàng nghìn thợ thêu, không ít thợ thêu có tay nghề lão luyện nhưng đến nay chỉ có duy nhất ông Bính thành công ở thể loại thêu chân dung. Đây được coi là thể loại khó, đòi hỏi kỹ thuật tay nghề người thợ cao nhất trong các loại tranh thêu.
Bà Hoàng Thị Sim, thợ thêu có kinh nghiệm hàng chục năm của làng thêu Minh Lãng bày tỏ: Ông Bính luôn tận tình truyền dạy kinh nghiệm nghề thêu cho thế hệ đi sau chúng tôi nhưng dù có học thế nào đi chăng nữa tôi cũng không thể làm ra những bức tranh thêu đẹp, tinh xảo như ông Bính. Tôi nghĩ trời đã phú cho ông Bính đôi bàn tay để làm nghề thêu.
Nhờ tâm huyết, sáng tạo và khéo léo, nhiều tác phẩm tranh thêu của ông Bính đã tạo được ấn tượng trong làng thêu cả nước, trong đó nhiều tác phẩm tham gia và đạt giải tại các cuộc thi lớn như tác phẩm “Lộc xuân” trong hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2011, tác phẩm “Chùa Keo”, “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2012. Đến nay, ông Nguyễn Cao Bính được tín nhiệm lựa chọn thêu hàng chục bức chân dung các vị lãnh đạo một số quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao của Đảng, Nhà nước.
“Vẽ” chân dung Bác Hồ bằng cả trái tim
Trong căn phòng khách, đồng thời là xưởng thêu của gia đình nghệ nhân Nguyễn Cao Bính, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ lớn được trang trọng treo chính giữa, hai bên là bức tranh phong cảnh quê nội và quê ngoại của Bác. Bức tranh thêu chân dung Bác, từng chi tiết từ khóe mắt, nụ cười, nếp nhăn, gò má… sống động và chân thực đến nỗi người xem nhầm tưởng đó là một bức ảnh chụp.
Mỉm cười tự hào nhìn theo bức tranh thêu chân dung Bác, ông Bính chia sẻ: Giống như bất kỳ người con đất Việt khác, tôi luôn dành tình cảm yêu thương và kính trọng đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người làng thêu, tôi có tâm nguyện được dùng chính cây kim, sợi chỉ và đôi bàn tay của mình để “vẽ” chân dung Bác. Hơn 20 năm trước, tôi quyết định sẽ thử sức thêu bức chân dung đầu tiên, cũng là chân dung về Bác.
Ông Bính xin được bức ảnh đen trắng chụp chân dung Bác vậy là chọn luôn bức này để thực hiện. Ông cất công đi tìm, nhờ họa sĩ vẽ phác thảo chân dung Bác trên nền vải, còn lại tất cả thần thái, góc cạnh, chi tiết khuôn mặt, ánh mắt của Bác ông phải thể hiện bằng hai màu chỉ đen, trắng. Khi đó, chất liệu chỉ, vải thêu còn hạn chế, chưa tinh xảo như hiện nay, kỹ thuật thêu chân dung lại khó, ông không biết hỏi ai, cứ tự mày mò vừa thêu vừa cắt bỏ, tháo dỡ, chỉnh sửa từng chút một. Cuối cùng bức chân dung đầu tiên về Bác cũng hoàn thành, tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng được nhiều người đánh giá cao.
Sau bức chân dung đầu tiên về Bác, trong hơn 20 qua ông Bính dành thời gian thêu thêm 6 bức tranh về Bác khác như bức tranh thêu Bác ngồi ghế mây đọc báo ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ ở chiến dịch Việt Bắc, chân dung Bác Hồ khi đã cao tuổi… Trong số các bức tranh thêu về Bác, ông Bính tâm huyết nhất là bức tranh thêu chân dung Bác với vầng trán cao, râu tóc điểm bạc và ánh mắt nhân hậu.
Với khổ tranh thêu 120cm x 80cm, ngay từ khi họa sĩ vẽ mẫu trên nền vải, ông Bính đã phải chỉnh sửa nhiều lần các chi tiết, chính xác đến từng milimét để bảo đảm khi thêu lên khuôn mặt Bác có tỷ lệ hài hòa, chân thực nhất. Vải căng lên khung, ông Bính miệt mài, thêu liên tục trong 3,5 tháng thì hoàn thành. Trước kia, chất lượng vải hạn chế, lúc dỡ khung, một số chi tiết bị xô đẩy, ông Bính lại cặm cụi chỉnh sửa. Thành quả dành cho ông là một bức chân dung khắc họa được thần thái của Bác một cách sống động, chân thực đến bất ngờ.
Ông Bính chia sẻ: Khó nhất là phải cố gắng lột tả được thần thái của đôi mắt Bác, đó là đôi mắt rất ấm áp, nhân hậu. Để có được điều này tôi phải tước nhỏ sợi chỉ và pha màu rất cầu kỳ, nhưng tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất giúp tôi thể hiện thành công tác phẩm này là bởi trong tim tôi luôn đầy ắp những hình ảnh ấm áp về Người. Đến nay, nhiều người hỏi mua bức chân dung này nhưng tôi không bán, giữ lại để làm kỷ niệm. Ước mong của tôi là thêu được một bộ khoảng hơn 20 bức tranh chân dung kể về cuộc đời của Bác từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người yên nghỉ.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026