Thứ 4, 13/11/2024, 06:56[GMT+7]

Hưng Hà ghi tiếp sử vàng

Thứ 6, 01/09/2017 | 19:16:30
1,341 lượt xem
Không chỉ anh dũng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà còn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, giành được những thành tựu quan trọng trong thời kỳ đổi mới.

Hưng Hà hôm nay.

Đã gần 90 năm trôi qua song tiếng trống hiệu lệnh từ đình thôn Nhuệ, xã Chí Hòa kêu gọi nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà tiến hành cuộc biểu tình vào sáng sớm ngày 1/5/1930 như vẫn còn vang vọng. Ngày ấy, dưới sự lãnh đạo của Liên Chi bộ Thần Duyên, từ đình thôn Nhuệ, đoàn người biểu tình bắt đầu xuất phát. Với khí thế dâng cao, đoàn người đi đến đâu truyền đơn kêu gọi đấu tranh được rải đến đó. Mặc dù cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà bị giặc đàn áp, không đạt được kết quả như mong đợi song cũng đã khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nối tiếp truyền thống quê hương, nhân dân xã An Đồng (thị trấn Hưng Hà ngày nay) đã cùng với nhân dân trong huyện tham gia giành chính quyền vào đêm 19/8/1945. Những người cao tuổi vẫn còn nhớ: 20 giờ ngày 19/8/1945, từng đoàn người đội ngũ chỉnh tề mang theo dao, kiếm, gậy gộc theo ba hướng tiến về bao vây huyện lỵ. Lực lượng khởi nghĩa của An Đồng cùng các quần chúng khác tập trung ở đầu làng Duyên Phúc theo đường 223 tiến vào bao vây trại lính cơ, thừa phái... nhanh chóng làm chủ huyện đường. Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ngay đêm 19/8, Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện được thành lập, tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chính quyền thực dân phong kiến.

Theo ông Cao Xuân Lệ, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh: Sự đoàn kết, đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân không chỉ thể hiện trong chiến tranh mà còn thể hiện trong thời bình, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Hết năm 2015, xã Phúc Khánh đã huy động nhân dân hiến trên 24.000m2 đất, nhân dân và con em xa quê đóng góp trên 27 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, góp phần đưa địa phương về đích NTM.  

Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chí Hòa đã phát huy sức mạnh nội lực, đồng thuận xây dựng NTM. Nhân dân địa phương đã hiến hàng chục nghìn mét vuông nhà ở, tường rào, công trình phụ trợ, đóng góp ngày công lao động, kinh phí xây dựng NTM. Sự nỗ lực đã nhận được "quả ngọt” khi năm 2014 xã về đích NTM. Ông Phạm Văn Thu, Bí thư Chi bộ thôn Nhuệ chia sẻ: Trong phong trào xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, hiến công, xây dựng giao thông nông thôn với tổng kinh phí 760 triệu đồng, góp phần cùng địa phương về đích NTM. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.  

Mặc dù không thực hiện chương trình xây dựng NTM song Đảng bộ và nhân dân thị trấn Hưng Hà đã đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 118 của Ban Thường vụ Huyện ủy, địa phương đã và đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2010 - 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị trấn đạt 9%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.

Nhờ tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM,  diện mạo quê hương Hưng Hà từng ngày khởi sắc. Năm 2015, huyện có 30/33 xã đạt chuẩn NTM, trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Năm 2017, huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 32/33 xã. Bên cạnh đó, Hưng Hà đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế. Hơn 90% tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa, đường trục chính nội đồng cơ bản được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa các tuyến kênh loại I, loại II, loại III…, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương phát triển vững mạnh, ghi tiếp những mốc son trong quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất cổ anh hùng.



Bà Nguyễn Thị Thiết, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà)

Cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Hưng Hà ngày 19/8/1945 và ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945 mãi khắc sâu trong tâm trí tôi. Ngày ấy ai ai cũng bừng bừng khí thế, không khí náo nhiệt, phấn khởi bởi đã thoát khỏi ách nô lệ lầm than. Đó là những dấu son trong sử vàng truyền thống của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung. Tôi mong lớp trẻ hôm nay và sau này sẽ không bao giờ lãng quên lịch sử vẻ vang của cha ông mình và luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng quê hương phát triển.

Ông Nghiêm Đình Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà)

 Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 thị trấn cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại hóa, một mặt chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân, xây dựng kế hoạch theo lộ trình cụ thể, bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng phải đi đôi với hạ tầng xã hội, nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của nhân dân, mặt khác thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng toàn huyện đưa nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Chị Đinh Thị The, Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà

Tuổi trẻ Hưng Hà quyết tâm rèn luyện đạo đức, lối sống, tiên phong, gương mẫu, tuân thủ pháp luật và có lý tưởng cách mạng. Tiếp tục thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng quê hương Hưng Hà ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương.


Mai Thư