Đôi mắt non thiêng
Trong ký ức của mình, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo không bao giờ quên một ngày đầu tháng 12/1972, trước đoàn quân điệp trùng ra trận, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 46, Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam Hoàng Bổng chỉ tay lên tảng đá cheo leo ở nơi cao nhất của ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc khu vực hai xã Bình Trị, Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ: Hai đồng chí Trần Mạnh Báo và Nguyễn Văn Khuyên mang theo vũ khí, quân trang, quân dụng lên cao điểm 201, ngăn không cho quân địch chiếm đỉnh núi quan trọng này. Các đồng chí phải kiên cường chiến đấu đến cùng để bảo vệ điểm cao, là đôi mắt tinh tường quan sát các di biến động của quân địch giúp Tiểu đoàn đánh tan quân giặc.
Nhận nhiệm vụ, hai anh hành quân xuyên đêm trong tầm kiểm soát ken dày của hỏa lực địch, lên đến đỉnh núi cũng là lúc mặt trời ló rạng. Trên bản đồ quân sự, tảng đá cheo leo được đặt tên là cao điểm 201, điểm cao này cao 210m so với mặt nước biển. Cảnh vật Kiên Lương từ trên đỉnh núi nhìn xuống thật hùng vĩ, xa xa là Hòn Chông trước biển bao la. Núi cao, đá và đá. Trước mắt hai anh là căn hầm sơ sài không nắp đậy. Gọi là hầm chứ thực chất là một hố cá nhân sâu khoảng 50cm, không rộng lắm bởi vì trên núi toàn đá gan gà không thể dùng xẻng đào hầm được. Một đôi dép cao su dính đầy máu còn vương lại nơi cửa hầm gửi thông điệp cho hai anh biết rằng trước đó đỉnh núi chon von “súng ngửi trời” đã có đồng đội ngã xuống để bảo vệ điểm cao này.
Để ngụy trang tránh máy bay địch phát hiện, hai anh tỏa ra hai bên đỉnh núi tìm gỗ làm mái hầm, kê thêm đá tảng củng cố tường hầm. Hì hục mãi hai anh cũng kiếm đủ số gỗ để làm xong mái hầm. Chưa kịp ngửa cổ ngước nhìn trời cao tợp một ngụm nước làm mát cổ họng khô cứng dưới cái nắng gay gắt của mùa khô thì máy bay trinh thám OV10 của địch bay à à ngay trên đầu. Địch có thể đã phát hiện có quân giải phóng chiếm giữ điểm cao, nếu phát hiện chúng bắn pháo khói chỉ điểm cho máy bay Mỹ ném bom. Ngồi trong hầm quan sát, anh Báo nhận định, nếu chúng bắn pháo khói xuống thung lũng Bình An thì có thể máy bay Mỹ sẽ ném bom vào sở chỉ huy Trung đoàn, rất nguy cho quân ta. Nhưng chiếc OV10 này không bắn pháo vào thung lũng, cũng không bắn pháo xung quanh đỉnh núi, nó lượn đi lượn lại trên bầu trời cách nơi hai anh ngồi khoảng vài trăm mét rồi bay vút đi. Ngọn núi này có diện tích 18km² quân ta và quân địch đều tìm cách chiếm giữ. Bởi bên nào chiếm được cao điểm 201 đồng nghĩa bên đó chiến thắng. Lặng lẽ quan sát và sẵn sàng chiến đấu với quân địch nếu chúng mò lên chiếm điểm cao, anh Báo quay sang “thống nhất” với anh Khuyên: Chúng ta chỉ có hai người với hai khẩu AK trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt rõ ràng là một thử thách lớn lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam. Dù thịt nát xương tan, chúng ta phải giữ bằng được điểm cao. Trong khoảng lặng căng thẳng, anh Khuyên hỏi “thủ trưởng” Báo: Hết chiến tranh, anh tính thế nào? Anh Báo trả lời không do dự: Mình tiếp tục học và thi đại học. Khuyên reo lên: Ý anh giống ý em, anh em mình cùng thi đại học, anh nhé. Thế anh định thi trường nào? Anh Báo trả lời: Đại học Nông nghiệp. Mình ước ao được làm kỹ sư của ruộng đồng. Quê mình ven biển, bên biển là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, thẳng cánh cò bay. Mình yêu quê hương, yêu tha thiết những cánh đồng lúa xanh non. Rồi anh Báo khe khẽ đọc bài thơ mà anh thuộc lòng từ thuở cắp sách tới trường: “Quê em miền biển/Phong cảnh đẹp vô cùng/Nước biển xanh mênh mông/Sóng xô tràn bãi cát/Sớm ngày vang tiếng hát/Từng đoàn thuyền ra khơi/Chiều ngả bóng mặt trời/Thuyền về đầy ắp cá/Quê em giàu đẹp quá/Em tha thiết yêu quê”.
Tiếng thơ vừa dứt thì tiếng máy bay OV10 lại xè xè ngay trên đầu. Nó lượn quanh mấy vòng rồi bắn xuống khu vực cạnh cao điểm 201 mấy trái đạn khói. Đối diện với cao điểm 201 chếch về phía Đông Bắc là một đỉnh núi thấp hơn, giữa hai đỉnh là một khoảng đồi võng xuống hình cái yên ngựa. Anh Báo thầm nhẩm tính, nếu đặt trận địa ở vị trí này sẽ chặn được hướng tấn công của địch từ phía bên kia sang nhưng lại ở thế cao hơn vì địch từ hướng biển Rạch Đùng lên, đi dọc theo đỉnh dãy núi phải qua yên ngựa mới lên được đỉnh 201. Quả nhiên, sau mấy trái đạn khói, máy bay ném bom của Mỹ ào tới, chúng rít lên ghê rợn rồi vãi bom xuống, anh Báo nhìn rõ những trái bom đen lạnh lùng, toàn bom phát quang. Khoảnh khắc cuối cùng anh Báo chỉ kịp nhìn thấy mấy trái bom tròn ung ủng lao thẳng xuống đầu mình trước lúc ngất đi, sau này mới biết, nếu nhìn thấy trái bom dài thì nghĩa là bom rơi xuống chỗ khác, còn nếu tròn thì nó rơi đúng chỗ mình. Lơ mơ rồi tỉnh dần, đầu anh Báo như vỡ tung, tai chỉ nghe thấy tiếng u…u..., cảm giác thấy mặt nhầy nhầy, anh Báo lấy tay vuốt vuốt, toàn là máu, anh biết mình bị thương, mắt phải bị mảnh bom găm vào lồi ra không nhìn thấy gì, anh Báo tự băng vết thương. Không thấy Khuyên đâu, bốn bề lặng phắc. Khói bom khét lẹt. Rừng bị phát quang lộ ra cả vùng đá gan gà dưới nắng. Lần mò tìm đường xuống núi, bất chợt thấy Khuyên đang lết đến bên khe nước. Khuyên bị bom hất tung từ đỉnh núi xuống, mất một cánh tay, mất bắp đùi phải, mất bắp chân trái… Mất nhiều máu, Khuyên khát nước, nằm mê man. Anh Báo ga rô, băng bó tạm vết thương cho Khuyên xong rồi cũng ngất đi. Tỉnh dậy, hai người nằm võng cạnh nhau, cả người Khuyên quấn băng trắng, nằm bất động. Quân y đoàn tiến hành phẫu thuật cho hai người. Anh Báo phải phẫu thuật cắt bỏ một mắt bên phải do mảnh bom găm vào, còn một mảnh nhỏ hơn nằm sâu vẫn chưa thể lấy ra được. Anh Khuyên được truyền máu, xử lý vết thương nhưng một tuần sau vẫn bất tỉnh.
Cựu chiến binh Trần Mạnh Báo sinh năm Canh Dần 1950 ở làng Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy. Năm 1968, gác bút nghiên cùng ước mơ đại học, anh lên đường tòng quân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Mạnh Báo là “lính” Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 46, Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam, đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên có mặt tại chiến trường Tây Nguyên. Sư đoàn 1 đã anh dũng chiến đấu, liên tiếp giành nhiều thắng lợi, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần cổ vũ, khích lệ quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ. Có mặt trên khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, Nam Bộ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Tây Nam Campuchia, Sư đoàn 1 đã vận dụng nhiều chiến thuật đánh địch hiệu quả như “bám thắt lưng địch mà đánh”, “vận động tiến công kết hợp chốt”… góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975. Đất nước thống nhất, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo đã thỏa ước mơ là kỹ sư nông nghiệp, thành quả 45 năm gắn bó với ruộng đồng chính là thương hiệu “ThaiBinh Seed” nổi tiếng toàn quốc. Còn anh, anh vẫn mãi là người lính Cụ Hồ năm xưa ngày ngày đối thoại với cánh đồng.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòe, nguyên Trạm trưởng Trạm quân y tiền phương Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam, người trực tiếp mổ mắt cho cựu chiến binh Trần Mạnh Báo Lúc Trần Mạnh Báo chuyển đến quân y trạm tiền phương, tôi là người trực tiếp mổ mắt cho anh. Điều kiện chiến tranh khó khăn nên y cụ, thuốc men đều thiếu thốn. Mắt của anh Báo bị mảnh bom găm vào đã nhiễm trùng, tôi quyết định mổ cắt bỏ. Chỉ có một ống Novokain gây tê tại chỗ, tôi nói với Báo: Chú chịu đau để anh mổ, nếu không sẽ mất cả mắt bên trái vì luật đối xứng. Báo rất giỏi chịu đau. Ca mổ diễn ra thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một mảnh bom găm sâu vào sọ não của Báo không thể lấy ra được. Cựu chiến binh Đinh Xuân Quế, thôn Đại An, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà Chúng tôi là thế hệ người lính cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, gian khổ, ác liệt nhưng tôi, anh Báo, anh Hòe, anh Khuyên… có may mắn được trở về quê hương, còn bao đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi chiến trường. Những cựu chiến binh chúng tôi vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động, sản xuất góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, trong đó anh Trần Mạnh Báo là tấm gương điển hình. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thủy, Trưởng thôn An Khoái, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà Tôi vẫn quen gọi kỹ sư Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình theo cách thân mật là “Báo giống”, anh là một cựu chiến binh, một thương binh hạng 2/4 đầy nhiệt huyết và gắn bó với ruộng đồng, với cây lúa và đời sống của người nông dân qua những giống lúa chất lượng cao với câu nói nổi tiếng: “Cơm ngon từ giống, gạo sạch từ tâm”. Ông là tấm gương tiêu biểu về tinh thần hăng say lao động, sản xuất, một cán bộ quản lý tài ba và năng động, một doanh nhân hiện đại và thành đạt. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng