Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Ông Vang đinh lăng

Thứ 2, 23/10/2017 | 09:26:25
5,322 lượt xem
Mong muốn trở thành tỷ phú từ cây thảo dược quen thuộc và giúp nông dân có thêm một cây mới để làm giàu - đó là hai khát vọng của ông Đỗ Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Phù Sa, thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến (Kiến Xương). Điều doanh nhân ấy ấp ủ bấy lâu nay đã thành hiện thực.

Ông Vang hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc đinh lăng.

Khát vọng làm giàu

Nước giải khát đóng chai, cao thảo dược và Nam Dương Sâm chiết xuất từ đinh lăng là những sản phẩm còn mới mẻ đối với thị trường Việt Nam bởi nó mới ra đời và sản lượng cung cấp còn hạn chế. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng vì đây là những sản phẩm thực sự mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng - ông Vang bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Từng kinh qua đủ nghề mưu sinh nhưng ông Vang chọn cho mình “bến đỗ” cuối cùng để lập nghiệp từ cây đinh lăng. Ông chia sẻ: Sau nhiều năm xuôi ngược Nam Bắc, tới đâu ông cũng bắt gặp cây đinh lăng và được nghe nhiều danh y và người dân nói về những tác dụng tuyệt vời của loài thảo dược vô cùng dân dã này. Khi đọc những tài liệu, sách báo, ông càng tin vào những điều mình đã nghe, ý tưởng chế biến, chiết xuất các chất có lợi của cây đinh lăng làm thức uống phổ biến cho người dân ra đời. 

Sau khi nghiên cứu thị trường, thấy chưa có doanh nghiệp nào làm về lĩnh vực này, ông quyết định “tầm sư học đạo” để khởi nghiệp. Gần bốn năm (2012 - 2016), ông dành toàn bộ số tiền tích góp trong nhiều năm lao động và thời gian để được gặp gỡ, tham vấn, trao đổi, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị: Khoa Hóa thực phẩm - Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội; Viện Công nghệ thực phẩm; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thực phẩm Hà Nội và một số giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Với những kiến thức học được cộng với hàng trăm lần thử nghiệm, ông đã tìm ra được công thức chiết xuất và chế biến ra các sản phẩm như hiện nay.

Sản phẩm chiết xuất từ đinh lăng của Công ty TNHH Phù Sa.

Tháng 7/2016, ông Vang quyết định thành lập doanh nghiệp đăng ký thương hiệu Phù Sa. Chia sẻ về cái tên, ông cho biết: Đinh lăng là loại sâm của người Việt. Theo các nhà khoa học, nó có giá trị y dược cao gấp nhiều lần sâm của Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga. Một loài thảo dược quý như vậy nhưng lại rất dễ trồng và phổ biến ở tất cả các vùng miền của Tổ quốc, nhất là khu vực miền Bắc, nơi có con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa bồi tụ, lấn biển và nơi quê hương tôi ở cuối dòng sông nên tôi đặt Phù Sa cho thương hiệu của mình.

Do thiếu vốn, ban đầu ông chỉ đầu tư những máy móc thiết yếu và hoạt động với quy mô nhỏ. Một năm, Công ty thu mua và chế biến 30 tấn nguyên liệu, sản xuất ra 1.000 lít nước giải khát, 90.000 hộp cao thảo dược và 200 lít Nam Dương Sâm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và quy chuẩn kỹ thuật QCVN6-2:2010/BYT của Bộ Y tế. Tuy sản phẩm còn mới lạ đối với thị trường nhưng bất cứ ai từng dùng đều đánh giá cao và tiếp tục sử dụng. 

Ông Vang cho biết: Ngoài trực tiếp chế biến thành các sản phẩm, Công ty còn thu mua hơn 100 tấn cây đinh lăng của bà con để sơ chế bán cho các doanh nghiệp dược bào chế làm thuốc; mỗi năm doanh thu của Công ty đạt từ 5,4 - 6 tỷ đồng.

Cây làm giàu cho nông dân

Điều ông Vang phấn khởi hơn cả là sau khi Công ty được thành lập và hoạt động hiệu quả đã khẳng định cây đinh lăng sẽ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp, ông đã phối hợp cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương tuyên truyền, vận động mở rộng diện tích trồng và ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân. 

Hiện nay, ở các xã: Hồng Tiến, Vũ Hòa, Bình Thanh, Bình Định (Kiến Xương) và một số xã của huyện Tiền Hải, nhiều nông dân đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp chuyển đổi sang trồng đinh lăng. 

Bà Đỗ Thị Thu, thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) cho biết: Tận dụng trồng đinh lăng ở bờ ao và trồng xen với vườn cây hòe, dù diện tích chỉ có gần 110m2 nhưng sau 3 năm chăm sóc đã cho thu hoạch, bán được gần 25 triệu đồng. 

Còn ông Bùi Văn Quân cùng thôn trồng 1 sào đinh lăng đến nay cũng sắp cho thu hoạch. Với hơn 1.000 cây, theo giá thu mua hiện tại ước tính gia đình cũng được 80 triệu đồng.

Sản phẩm chiết xuất từ đinh lăng của Công ty TNHH Phù Sa.

Theo ông Vang, để trồng đinh lăng đạt hiệu quả cao thì bà con trồng 3 cây/m2; mỗi sào có thể trồng 1.000 - 1.100 cây. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 năm sẽ cho thu hoạch, mỗi cây sẽ có trọng lượng từ 3 - 4kg và được Công ty thu mua từ 80.000 - 100.000 đồng/cây. Trung bình mỗi sào trồng đinh lăng bà con sẽ có thu nhập bình quân khoảng 90 triệu đồng; chia ra mỗi năm cũng được 30 triệu đồng. Trồng cây đinh lăng ít khi bị sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc cũng như tiền đầu tư phân bón. Đây thực sự là cây trồng để nông dân làm giàu bởi giá trị kinh tế đạt khoảng 810 triệu đồng/ha/năm.

Ấp ủ khát vọng “vươn ra biển lớn”, hiện nay, ông Vang đang hoàn thiện dự án xây dựng nhà máy trên diện tích 2ha. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ từ 200 - 300 tấn nguyên liệu đinh lăng, sản xuất ra 1 triệu lít nước giải khát, 300.000 lít rượu đinh lăng, 20.000 chiếc gối lá đinh lăng và 600.000 hộp trà túi lọc đinh lăng. Ngoài chinh phục thị trường trong nước, doanh nghiệp cũng xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, phấn đấu đạt doanh thu 54 tỷ đồng/năm.

Khắc Duẩn


PHẠM HỒNG HẢI - 7 năm trước

Thật là vui mừng khi có người a kiên trì & kiên định cho ý tưởng để rồi ngày hôm nay a đã tạo ra 1 giá trị ko thể tốt hơn cho cộng đồng.Chúc mừng a & PHÙ SA!

Tải thêm