Thứ 7, 23/11/2024, 21:00[GMT+7]

Vang mãi bài ca mở đất (Kỳ 2)

Thứ 5, 02/11/2017 | 08:27:56
1,916 lượt xem
Trải qua gần 190 năm (1828 - 2017) kể từ khi Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tiến hành công cuộc khai hoang lấn biển, lớp lớp thế hệ người Tiền Châu xưa, Tiền Hải nay nối tiếp truyền thống vẻ vang, tiếp tục hành trình “đẩy sóng ra xa”…

Bác Hồ về thăm Nam Cường ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

Kỳ 2: Tiếp bước cha ông

Xã Nam Cường (Tiền Hải) hiện nay có 3 thôn được hình thành trong các hoàn cảnh khác nhau. Do ảnh hưởng của trận hồng thủy năm 1786, vùng đất mới Nam Cường được hình thành nhưng chỉ khi thủy triều xuống mới nhìn thấy đất. Thôn Hoàng Môn ngày nay chính là trại Hoàng Môn xưa được hình thành từ việc hưởng ứng cuộc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ. Ngày đó, cụ Vũ Trạc (huyện Trạc) và cụ Vũ Đình Khải (tổng Đại Hoàng) đã chiêu mộ dân đinh khai khẩn vùng Lân Môn tạo lập nên mảnh đất này. Còn 2 thôn Đức Cường và Chí Cường mới được hình thành sau cuộc khai hoang thành lập xã Nam Cường. 

Ông Phạm Xuân Khoát, thôn Chí Cường chia sẻ: Năm 1960, tỉnh Thái Bình lên kế hoạch quai đê lấn biển với mục tiêu “đẩy sóng lùi ra xa, kéo chân trời gần lại”. Trong những ngày khai khẩn gian khó, năm 1962 Nam Cường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, nhân dân phát huy truyền thống cha ông xây dựng Nam Cường ngày càng phát triển. Năm 1975, xã Nam Cường được thành lập với chỉ 5 đội sản xuất nhưng đến năm 2013, tổng giá trị sản xuất Nam Cường đã đạt trên 47 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm và là một trong bốn xã đầu tiên của huyện Tiền Hải đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Cuối thế kỷ XVIII, xã Nam Hưng là một phần của bãi Tiền Châu là nơi một số cư dân các làng cựu miền Xuân Trung (phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định) sinh sống bằng nghề chài lưới. Cùng với thời gian, các thế hệ người Nam Hưng đoàn kết chống chọi với thiên tai, dần tạo dựng nên một mảnh đất giàu đẹp. Nổi bật lên vào năm 1963, nhân dân Nam Hưng với tinh thần chung lưng đấu cật, ngoài việc đi đầu đảm nhiệm những công việc khó khăn nhất trong quai đê lấn biển, xây cống, còn tạo nơi ăn ở thuận lợi nhất cho lực lượng dân công về ăn ở, sinh hoạt, lao động tại địa phương. Vượt lên trên gian lao thử thách, chỉ sau 6 tháng với trên 200.000 ngày công lao động, 100.000m3 đất đá, con đê biển dài hơn 4km đã được cạp hoàn tất. Hai cống ngầm qua đê là cống Sáu và cống Khổng cũng được xây dựng xong. Năm 1964, đào mương cấp I, năm 1965 đào mương cấp II, làm các mương nhỏ, mương cấp III, xây cống thoát nước, đắp bờ vùng, bờ thửa… Nam Hưng đã chủ động ngăn nước thủy triều, biến 1.000 mẫu ruộng bãi cấy một vụ trở thành cấp hai vụ chiêm, mùa (trước đó toàn xã chỉ có 270 mẫu ruộng cấy 1 vụ).

Đê biển số 5 qua xã Nam Thịnh (Tiền Hải) được kiên cố hóa.

Sau cuộc khẩn hoang năm 1828, những xã khu Đông và một phần khu Tây của huyện Tiền Hải bây giờ cũng chỉ là những bãi sa bồi ven biển. Năm 1947, liên xã Hồng Thái được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Định Thành, Công Trứ và Hồng Thái. Năm 1979, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Tiền Hải tổ chức quai đê lấn biển vùng bãi bồi cửa sông Trà Lý của xã Đông Trà hình thành nên một vùng đất rộng lớn với diện tích gần 300ha. Huyện Tiền Hải đã kêu gọi nhân dân từ các nơi về đây sinh sống, xây dựng vùng kinh tế mới và thành lập HTX cây công nghiệp Đông Hải thuộc xã Đông Trà. Tháng 12/1986, xã Đông Hải được thành lập có diện tích trên 461ha. Đến năm 2015, toàn xã Đông Hải có trên 3.300 khẩu với hàng trăm chi họ của 41 họ khác nhau sinh sống hòa thuận, đoàn kết.

Theo dòng lịch sử, mảnh đất xã Nam Phú tuy còn mới mẻ song cũng đã ra đời cách đây gần trăm năm. Vào đầu thế kỷ XX (1910 - 1920), trên mảnh đất này đã có lác đác những tốp người đến khai hoang. Từ đầu năm 1939, ở khu vực bãi bồi này đã hình thành 4 làng: Trung Thành, Bình Thành, Hợp Phố, Thúy Lạc. Ngày mới thành lập, không có đê nên cuộc sống của người dân rất bấp bênh, nhà chỉ toàn vách đất. Năm 1962, nhân dân trong xã tổ chức quai đê lần một; năm 1972 tổ chức quai đê lần hai. Từ đó, người dân đã có thể cấy 2 vụ lúa/năm, nhà cửa được xây dựng vững chắc hơn và giảm hẳn nỗi lo về thiên tai, bão lụt.

Bước tiếp truyền thống mở đất của cha ông, huyện Tiền Hải không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà còn quan tâm công tác xây dựng mới, tu bổ, bảo vệ đê điều. Theo ông Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải: Từ năm 1999 đến nay, toàn huyện đã đầu tư khoảng 1.070 tỷ đồng từ các nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp được 53,6km đê điều, trong đó đê cửa sông 17,3km, đê biển 36,3km.



Ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải

Khi mới ra đời, quy mô của huyện cũng như của mỗi làng, ấp tuy nhỏ nhưng những tiền đề sẵn có và những kinh nghiệm do công cuộc khẩn hoang để lại đã được các thế hệ người Tiền Hải phát huy trong quá trình chinh phục thiên nhiên, mở rộng diện tích. Đặc biệt, trong hơn 50 năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tiền Hải đã tích cực khai hoang, lấn biển, Tiền Hải lại đẩy biển ra xa, thành lập thêm được các xã mới như Nam Cường, Đông Hải, Nam Phú với trên 2.000ha được cải tạo thành đất canh tác hai vụ lúa đạt năng suất cao. Ngoài ra còn hàng nghìn héc-ta được khoanh vùng nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế cao, tạo việc làm, thu hút nhân dân các xã nội đồng đến sinh sống, từng bước tạo thành vùng kinh tế mới trong tương lai.

Ông Đặng Văn Khương, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phú

Ngoài tinh thần đoàn kết trong việc quai đê lấn biển, nhân dân Nam Phú còn định ra thuần phong mỹ tục, mở mang dân trí làm cho dân trí không ngừng phát triển. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,94%/năm. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2015. Trong thời gian tới, Nam Phú tiếp tục phát huy truyền thống cha ông đi mở đất, duy trì tốt việc bảo vệ, nâng cấp đê điều, tiến hành trồng rừng để giữ gìn, mở rộng vùng đất ven biển, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ông Trần Văn Luật, xã Nam Hưng (Tiền Hải)

Nghe theo lời Đảng gọi, hàng nghìn thanh niên chúng tôi về lao động tại nông trường cói Nam Hưng từ ngày mới thành lập. Cuộc sống tuy vất vả, khó khăn, ở nhà tranh vách đất, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn, công cuộc lấn biển gặp nhiều thử thách song tất cả mọi người đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm, đoàn kết khai hoang lấn biển, đắp đê với mong ước bảo vệ, mở rộng đất đai để nâng cao đời sống của chính mình và cộng đồng. Nhờ quyết tâm ấy, chúng tôi đã khai hoang, lấn biển được hơn 500ha đất.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên