Thứ 5, 14/11/2024, 11:26[GMT+7]

“Hưng võ”

Thứ 2, 06/11/2017 | 10:04:38
4,976 lượt xem
Yêu võ từ nhỏ, Lê Anh Hưng sớm bộc lộ tư duy và khát khao theo đuổi con đường võ thuật chuyên nghiệp. Những năm tháng miệt mài tầm sư học võ đã tôi luyện nên võ sư Lê Anh Hưng nghiêm cẩn kỳ cùng, mang tinh thần “nhân văn, thượng võ”. Ông chính là người đầu tiên đưa bộ môn võ cổ truyền vào Thái Bình, thay đổi nhận thức của nhiều người về võ thuật.

Tha thiết với võ thuật

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Trưởng bộ môn võ thuật cổ truyền Việt Nam tỉnh Thái Bình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là sự trẻ trung, khỏe khoắn lạ thường. Ở tuổi ngoài 60, ông vẫn gắn bó với võ đường. Đều đặn mỗi buổi tối, khi thì ở nhà, lúc ở sân Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, hình ảnh người thầy chăm chút cho các học trò từng tư thế võ, từng đường quyền đã trở nên quen thuộc. Mỗi người đến với võ thuật, gắn bó với võ thuật bằng nhiều lý do khác nhau. 

Với Lê Anh Hưng là duyên nợ, là sự đam mê cháy bỏng. Từ thuở nhỏ, được nghe cha kể về truyền thống võ thuật của cha ông, cậu bé Lê Anh Hưng đã nhen nhóm trong lòng niềm say mê với võ thuật. Những năm tháng chiến tranh phải đi sơ tán, chàng thanh niên Lê Anh Hưng đã gặp người thầy đầu tiên của mình, được tiếp xúc với những bài quyền Bình Định. Duyên võ lại tìm đến khi Lê Anh Hưng chuyển về đơn vị thông tin của Quân khu 3. Người thầy thứ hai chính là thủ trưởng đơn vị đã truyền kiến thức phái Thiếu lâm cho Lê Anh Hưng.

Trở về địa phương sau 7 năm phục vụ trong quân ngũ, Lê Anh Hưng đã truyền bá kiến thức võ thuật của mình cho một số anh em thân thiết. Ngày ấy, chính quyền còn khó khăn trong vấn đề dạy võ và học võ, vài bữa công an lại đến nhà ông yêu cầu không được tổ chức dạy võ. Cứ miệt mài ban ngày lo miếng cơm manh áo cho gia đình, tối đến lại dạy võ cho khuây khỏa nỗi niềm. Dần dần, tiếng tăm “Hưng võ” được nhiều người biết đến, có người đến nhà xin học, mời ông về địa phương họ để truyền bá. 

Trong làng võ, người ta hiếm thấy có nhân vật nào vì đam mê võ thuật đến bán nhà đi chơi võ như ông Hưng. Để có giấy chứng nhận võ thuật, ông Hưng đã bán ngôi nhà gia đình đang ở để có tiền trang trải lệ phí vào Nam thi đấu. Trong kỳ thi cấp đại năm 1994, Lê Anh Hưng đã được cấp hồng đai tứ đẳng. Đến năm 1999, ông đạt cấp bậc cao nhất trong bộ môn võ cổ truyền. Từ đây, danh xưng võ sư Lê Anh Hưng chính thức lan tỏa một cách rộng rãi.

Bởi võ là đam mê

Gặp nhau bởi chữ “duyên”, đến với nhau vì cùng chung tình yêu với võ thuật. Không chỉ là người khích lệ tinh thần, bà Nguyễn Thị Hiên (vợ võ sư Lê Anh Hưng) cũng hỗ trợ đắc lực giúp chồng các công việc quản lý, tư vấn định hướng phát triển câu lạc bộ võ thuật. Khi được hỏi có bao giờ vì khó khăn mà muốn chồng thôi nghề võ, bà Hiên khẳng định: Nếu như nghĩ đến kinh tế thì không bao giờ theo được nghiệp võ bởi võ là đam mê từ trong máu rồi.

Dạy võ với quan điểm: “Văn không có võ văn nhu văn nhược, võ không có văn thì võ bạo tàn”, võ sư Lê Anh Hưng muốn trao gửi cho các môn sinh của mình tâm thế ngàn đời của người luyện võ với tất cả sự bao dung, hướng thiện. Nhiều môn sinh đam mê học võ nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã được ông miễn học phí hoàn toàn. Trong các giải đấu khu vực, quốc gia, vợ chồng ông đã bỏ tiền túi để các học trò có điều kiện tốt nhất cả thể chất lẫn tinh thần tham dự giải. Những tháng ngày miệt mài luyện tập, lặn lội đường xa đi thi đấu, người thầy lại lo cho các học trò từng bữa ăn tới giấc ngủ.

Hơn 20 năm đứng lớp dạy võ, võ sư Lê Anh Hưng đã đào tạo hàng nghìn võ sinh, đã có những người thành công như võ sư Nguyễn Văn Tiếp, võ sư Trần Văn Đức… Chị Trần Diệu Linh (xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình), một học trò của võ sư Lê Anh Hưng nay đã đạt cấp độ chuẩn võ sư bày tỏ: Thầy mình là người nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm. Ngoài những kiến thức về võ, thầy còn giảng những bài học về võ đạo vô cùng sâu sắc.

48 năm theo nghiệp võ, võ sư Lê Anh Hưng là người thầy đáng kính của bao thế hệ học trò. Người ta vẫn nhắc tên thân mật “Hưng võ” như một sự ghi nhận những đóng góp của ông với bộ môn võ thuật tỉnh nhà và cũng là nhắc nhở thế hệ trẻ về một tấm gương nghị lực, nhiệt huyết.

Không chỉ thỏa mãn đam mê học võ, võ sư Lê Anh Hưng luôn trăn trở xây dựng phong trào võ cổ truyền tại Thái Bình. Năm 1995, ông bắt đầu viết giáo trình, giáo án giảng dạy, tập hợp một số anh em có tâm huyết với võ cùng luyện tập và rèn luyện kỹ năng huấn luyện viên. Ông cũng xin cấp giấy huấn luyện võ thuật tại tỉnh. Lúc này bộ môn võ cổ truyền chính thức được truyền bá tại Thái Bình và võ sư Lê Anh Hưng được phân công làm Trưởng bộ môn phụ trách võ cổ truyền.


Hồng Nhung

Sinh viên thực tập

Nguyễn Dương - 3 năm trước

Tôi là môn đồ của thầy Lê Anh Hưng. Theo học thầy từ những khi còn rất khó khăn, dù cuộc sống bây giờ nhiều thay đổi, nhưng tôi luôn nhớ những lời thầy dạy tôi về võ học và nhân cách con người.

Tải thêm