Thứ 5, 14/11/2024, 23:27[GMT+7]

Cầu Bo qua phố (Kỳ 3)

Thứ 2, 25/12/2017 | 09:41:29
2,640 lượt xem
Phố Đệ Nhị là của người tứ chiếng, của dân giang hồ và dân “cu lít” sống chen vai. Nhưng không ai quên được cảnh tình của chú Bái, thân phận ông lão thắp đèn đường, ông già còi bán thuốc chuột và bà lão lắc chuông bán dầu hỏa.

Ảnh: Duy Đông

Kỳ 3: Đệ Nhị phố

Bà Lủ ngồi so đũa rồi mở gói bún rối bọc trong lá sen. Cút rượu ông già thắp đèn đường đưa từ cái túi vải rách với mấy quả ớt đỏ được khoe dưới ánh trăng suông. Bà lên tiếng: Hôm nay mời mấy cụ đến uống rượu nhà chú Bái. Gọi là nhà cũng chưa đúng. Đây là nơi chú ở nhờ người ta, để chứng kiến việc tôi cho chú Bái thửa ruộng khu Nấm Bo. Có tới hơn một sào. Việc chuyển đất cho chú có bà con nghèo khổ, chân đất ngồi bệt, có trời đất trăng sao chứng giám. Bà Lủ nói, tay luôn gắp thức ăn cho mọi người. Bà tìm cái chân con ba ba bỏ vào bát cho ông già thắp đèn đường, anh bán thuốc chuột. Bà giục: “Hai ông ăn đi, cho khỏe chân phục vụ bà con lối xóm”. Chốc chốc bà lại vòng ra sau nhà, múc một gáo nước mưa trong cái vò đất, uống một hơi cho mát bụng, bà bảo chén rượu của ông lão ép bà làm bụng dạ bà nóng ran... Hôm nay bà Lủ nói hơi nhiều. Bà bảo, lòng dạ con người chỉ biết đau, biết xót. Cái bụng con người mới tốt, có vậy mới nuôi được con trong bụng mẹ. Có ai nói tốt lòng, tốt dạ đâu? Họ đều nói: Người nghèo tốt bụng. Bụng chú Bái cũng tốt như mọi người ngồi đây. Ngày mai tôi ra đồng giúp chú mấy buổi làm cỏ rồi cuốc xới đất, bừa đi bừa lại. Mười ngày nữa sẽ đưa mạ xuống cấy.
Từ hôm đó bóng bà Lủ đổ trên ruộng bùn. Rõ là hai sương một nắng. Ngày nào bà cũng gánh hai cái nồi chân đi sang các nhà xin nước giải đem ra đồng. Ủ phân xanh lá mục, tro đốt, bùn phơi trộn lẫn nhau làm phân bón ruộng. Vụ gặt năm đó lúa tốt ngập. Chú Bái phải nhờ mấy người gánh lúa về ngõ Vọng Cung. Lũ trẻ con chạy theo người gánh lúa hát:
“Ruộng chú Bái/Nước đái bà Lủ/Chúng mày ơi”. Xong vụ đó bà Lủ đi đâu không ai biết nữa.
Những người biết nghĩ bảo bà Lủ chẳng những tốt bụng lại còn biết nghĩ... Có người bảo bà đi ăn mày ăn xin ở đâu xa. Có người kháo bà chết đắp chiếu nằm ở góc chợ quê... Những chuyện lôi thôi của bà trẻ con đồn khắp phố đều sai hết. Bà chọn ngày sạch đi xuống đồng Lôi, giáp sông Trà Lý. Ở đấy có người phụ nữ góa như bà, được hai đứa con, một câm, một điếc. Bà giúp chúng nó khai phá đất đai, toàn là nơi đất khó, lau lách, rắn rết nhiều vô kể...
Hôm ba bà cháu cuốc đất, thằng câm móc lên cái lọ sứt miệng. Chúng nó lặng lẽ hai tay nâng lên rồi xoa hết bùn đất trơ ra lớp men hơi trắng ngà. Chúng nó nhìn vật, chẳng biết gì hết. Lại giáp tết rồi, bà Lủ bảo chúng “mang về mà đựng nước”. Những người lam lũ quê mùa lầm than ai biết đâu là cái đẹp của lọ. Khi lũ trẻ mang về đình Bo, có một ông lão đi qua nhìn thấy dáng lọ, men lọ, ông gật gù nâng lên đặt xuống bảo: Là của hiếm. Nó có giá bằng mấy con trâu mộng ở Niềm Đác đưa lên. Ông trầm trồ khen màu men thúy hồng, các nét vẽ tay chìm mờ như sương tuyết các cụ để lại. Đâu phải là vật tầm thường, khoe khoang màu sắc? Càng nhìn cái lọ càng sang...
Từ lúc vật báu được ông cụ chạm tay vào ai nhìn cũng thấy linh thiêng, trang trọng. Bà Lủ nghe vậy, lên tiếng: Nếu là vật quý các cụ nên đưa vào trong đình Bo để thờ.
Cái lọ sứt miệng xuất hiện trên bàn thờ từ đó. Thế là nó được lên ngôi. Tự nhiên tên tuổi bà Lủ cũng được lên ngôi. Hồi đó, dân phố thị có lời nói về bà như chiếc lọ sứt bị bùn đất vùi lấp hoặc bị người ta vất lăn lóc ở góc bếp, xó chợ. Ai mà biết đến. Bỗng một ngày được con mắt tinh tường của nhân dân để ý đến, tên tuổi bà trở nên có giá trị vĩnh hằng cùng xứ Sơn Nam Hạ. Bà mất cách đây đã hơn trăm năm rồi. Tên tuổi bà vẫn còn ở lại trong dân gian “cánh đồng bà Lủ”. Tên tuổi bà không ngự trong đền chùa, miếu mạo. Nó như mây gió, cách đồng Lôi, đồng Thượng Lạc, Hạ Lạc. Dân phố Đệ Nhị hay nhắc đến người có công đi mở đất.


*
*      *


Cái bến xe cũ Thái Bình nằm ở góc ngã tư (chùa Trung) cũng lắm chuyện. Bến đó thuộc khu đất vàng phố Đệ Nhị. Trong bến có ông Dực chữa xe dưới sự quản lý của Chánh Cẩm - Đội Kiện. Đội Kiện thường mặc áo “véc” thủng, nhấp nháy bộ râu dê. Người phố đùa “râu dê Đội Kiện” trông lão vừa “đĩ” vừa vui. Các hãng xe tranh nhau làm ăn như hãng Ngựa Vằn chủ ở Hải Phòng, hãng Con Voi của ông Lê Văn Định. Ngoài ra còn số công ty ăn theo của ông Thái. Tài Định có chân trong đảng Đại Việt mua ba bốn chiếc xe chạy đường dài Hà Nội - Thái Bình. Năm 1933, Tài Định làm ăn phất lên như diều, cụ xây dinh cơ nằm ở rạp Vĩnh Trà, cơ ngơi thứ hai nằm mãi dưới Niềm Đác. Năm đó cụ độ 60 tuổi, chơi thân với trưởng phố Tống Văn Xuân. Hai ông đều là tay quảng giao, lo cho người nghèo. Năm vỡ đê, Thanh Nga - Tài Định đưa cả đàn trâu 20 con lên Phú Chử đầm, cứ mỗi ngày ông cho thui một con để dân phu ăn lấy sức quật đất đắp đê. Đê xong đàn trâu cũng hết.
Khối thằng buôn lậu từ khu bốn ra, Việt Bắc xuống, thập thò làm ăn với dân phố thị không qua được mặt Tài Định. Nhất là cánh đưa thuốc phiện về nhà thổ ở cầu Đổ. Đất ấy Sở tơ tằm đóng. Có lần Tài Định nói với cánh tuần đường dân phòng: “Tôi nằm trong bến cả ngày, ai làm gì tôi chả biết. Những thằng nghiện mà vớ được mấy con đĩ buôn lậu, lên mặt bảo vệ nhau cốt để “đĩ” “xí” cho một hào mà sống. Thối không chịu được”. Tính Tài Định thích huỵch toẹt mọi chuyện đời nên bị bọn “vặt vẽo” ghét lối “tranh tối tranh sáng”. Có lần cái xô múc nước của nhà xe cũng bị đứa nào “xia” vào. Bọn nó chứ ai. Rồi những cây sấu, cây thầu đâu nhà xe trồng quanh bến cho đỡ nắng bị chém cành bẻ ngọn... Tài Định biết cánh buôn lậu sắp về, bến xe lại xảy ra chuyện gì đây.
Thêm bà Quang ở nhà rạp Vĩnh Trà nhảy ra mua xe tải đưa vào bến. Có xe, thêm người, thêm việc, thêm chuyện. Cánh bốc vác xe tải vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nó “vác” thì ít nó “bốc” thì nhiều. Chuyện mất hàng, mất khách bắt đầu xảy ra với nhà Tài Định. Ông Tống Văn Xuân coi số tử vi cho nhà Tài Định nói rằng: “Sau này cuộc sống của nhà đó khổ lắm”. Thật hư thế nào không rõ, chỉ biết đầu thập kỷ 60 bố con ông ngược đường lên Đại Từ - Thái Nguyên làm ăn rồi mất ở đó.
...Phố Đệ Nhị là của người tứ chiếng, của dân giang hồ và dân “cu lít” sống chen vai. Nhưng không ai quên được cảnh tình của chú Bái, thân phận ông lão thắp đèn đường, ông già còi bán thuốc chuột và bà lão lắc chuông bán dầu hỏa. Chuyện phố Đệ Nhị bao lần đổi thay cả phong cảnh và con người. Có lúc phố xá chỉ còn là đống gạch vỡ, con người cũng xơ xác, hoang tàn như phố xá. Biết bao người ra đi không trở lại... nhưng có lớp người với áo tứ thân, chân đất, nón lá tập hợp thành những đoàn quân ra đi cứu nước. Ra đi nặng lời cậu mợ dặn dò. Những tiếng nói thân thương vẫn vang vọng, khắc sâu trong tâm trạng thanh niên mới lớn: “Hồn anh như hoa cỏ may/Gặp chiều cả gió bám đầy áo em”.
Từ đống gạch vụn phố Đệ Nhị, họ đứng lên làm cuộc tiêu thổ kháng chiến đánh đuổi bọn Pháp tràn vào phố. Qua sự thăng trầm của phố xá, nay thật đã “thay da đổi thịt”. Qua các cuộc cách mạng, cuộc sống có lúc mây mưa, rồi người còn kẻ mất nhưng những hàng cây, hồ nước ven đường mãi mãi in đậm trong lòng người dân phố. Con sông Trà Lý, chiếc cầu Bo vẫn còn kia, mái trường tiểu học, đền Hai Bà, eo phố Vọng Cung... như đang nói điều gì với nắng mới. Tiếng hát vẫn vang vọng và hôm nay cả phố “thay da đổi thịt” bước sang vận hội mới. Con đường “dây thép” xưa chật hẹp với hai hàng đèn mờ của ông lão thắp đèn đường giờ là hai hàng đèn cao áp. Đường mở rộng đâu còn chật hẹp. Phố ngang Lê Quý Đôn - Phan Bội Châu hàng hóa san sát chen nhau, người xe nườm nượp kéo nhau ra khu đình Bo - chợ Bo là nơi trung tâm buôn bán của phố thị.
Không gian yên tĩnh một vùng quê tạo nên vẻ đẹp hài hòa đón chào khách muôn phương về thăm phố thị. Rồi ai cũng khen: “Thái Bình như một An Trang”.


Ký của nhà văn Võ Bá Cường

  • Từ khóa