Chủ nhật, 24/11/2024, 00:09[GMT+7]

Phi công Việt Nam đầu tiên cho B.52 đo ván

Thứ 5, 28/12/2017 | 09:33:47
4,839 lượt xem
Vừa từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội tham dự những cuộc gặp mặt trong đợt kỷ niệm 45 năm chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972 – 2017, phi công Vũ Đình Rạng, người anh hùng trong lòng bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) dành cho tôi gần trọn buổi chiều để chia sẻ về cuộc không chiến của ông với máy bay B.25 đêm ngày 20/11/1971.

Phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu.

Cuộc đụng đầu lịch sử ấy làm tiền đề quan trọng để lực lượng Không quân có thêm nhiều kinh nghiệm hạ gục pháo đài bay B.52 trong những ngày cuối năm 1972.

Thời gian không làm mất đi vẻ nhanh nhẹn cùng giọng nói hào sảng, đậm chất quê miền biển của người phi công năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Thượng tá phi công Vũ Đình Rạng thuật lại trận không chiến với B.52 đêm ngày 20/11/1971.

Vũ Đình Rạng sinh năm 1945 tại xã Nam Thắng (Tiền Hải). Năm 1963 ông nhập ngũ và được biên chế về Lữ đoàn lính dù 305, sau đợt tuyển phi công, Rạng trúng tuyển và gắn bó với lực lượng Không quân khi mới 20 tuổi.

Tháng 5/1965, cùng hơn 100 chiến sỹ Không quân ưu tú, Vũ Đình Rạng được đưa đào tạo tại Trường Đào tạo lái máy bay thuộc thành phố Krasnodar, Liên Xô.

Sau thời gian học và huấn luyện sơ cấp với máy bay L29, trước yêu cầu của chiến trường, 34 học viên được lựa chọn, bỏ qua chương trình đào tạo lái máy bay MiG- 17, lên thẳng học lái MiG- 21.

Năm 1968, Vũ Đình Rạng cùng đồng đội về nước, được biên chế về Trung đoàn Sao Đỏ(921), thuộc Sư đoàn Không quân Thăng Long(371), Quân chủng PKKQ làm nhiệm vụ chiến đấu.

Năm 1968, sau những thất bại mang tính chiến lược trên khắp các chiến trường, hòng ngăn chặn chi viện của miền bắc vào miền nam, Mỹ tăng cường lực lượng và phương tiện, trong đó có sử dụng cả máy bay B.52 đánh phá tuyến hành lang chiến lược đường Trường Sơn với các mục tiêu trọng điểm như phà Long Đại, đèo Mụ Giạ...

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, bộ đội PKKQ triển khai nhiệm vụ tổ chức huấn luyện đánh B.52 cho phi công, sĩ quan dẫn đường và kíp chiến đấu ở sở chỉ huy để đánh B.52 trên các cửa khẩu. Sau một thời gian dày công nghiên cứu địch, đến cuối năm 1969, về cơ bản chúng ta đã hình thành được kế hoạch tác chiến đánh B.52.

Năm 1971, để đối phó với B.52, Quân chủng PKKQ đã tập hợp một lực lượng lớn cán bộ chỉ huy, các sĩ quan dẫn đường, ra đa, thông tin, quân báo… giỏi nhất thành lập 2 Sở Chỉ huy của Không quân.

Sở Chỉ huy mang mật danh B3 được đặt tại huyện Yên Thành(Nghệ An) do Tư lệnh Không quân, Đại tá Đào Đình Luyện trực tiếp chỉ huy và B8 đặt tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) do Phó Tư lệnh Không quân, Thượng tá Trần Mạnh và Trung tá Trần Hanh chỉ huy.

Phi công Mỹ rất sợ khi đối mặt với máy bay MiG của ta, nên khi mang B.52 đi gây tội ác, chúng thường lén lút hoạt động vào ban đêm, kéo theo máy bay F4, F105 hộ tống và gây nhiễu để chắn sóng ra đa của ta phát hiện.

Tháng 7/1968, một số phi công ưu tú, có trình độ bay giỏi, trong đó có Vũ Đình Rạng được chuyển sang khoa mục huấn luyện bay đêm. Ngoài nhịp sinh học và sinh hoạt bị đảo lộn, trong đêm tối, phi công chủ yếu theo sự dẫn đường của sở chỉ huy mặt đất.

Kỹ thuật cá nhân của phi công phải thật điêu luyện, bởi bay cao sẽ bị ra đa của địch ngoài hạm đội 7 phát hiện điều máy bay ra đánh chặn, với địa hình hiểm trở như Khu 4, bay thấp rất dễ đâm vào núi Đại Huệ hoặc dãy Trường Sơn. Mấy năm trời, Vũ Đình Rạng và đồng đội đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

19 giờ 10 phút ngày 20/11/1971, ta phát hiện 3 chiếc B.52 bay theo đội hình “bàn tay xòe” từ Thái Lan chuyển hướng sang đất Lào, Sở Chỉ huy B8 lệnh cho phi công Đinh Tôn vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

19 giờ 25 phút, Đinh Tôn cất cánh từ sân bay Đồng Hới bay lên “săn” B52 khi chúng sắp tiến vào phía tây Quảng Bình. Tuy nhiên, máy bay của Đinh Tôn bị lộ, phải bay về hạ cánh tại sân bay Nội Bài, B.52 cũng bay vòng trở lại Thái Lan. Bọn giặc trời tự đắc rằng mối đe dọa với B.52 không còn nên bay vòng trở lại.

Với kinh nghiệm chiến đấu trong nhiều lần chạm trán với máy bay Mỹ, Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện và Phó Tư lệnh Không quân, Trần Mạnh quyết định cho Vũ Đình Rạng xuất kích.

20 giờ 40 phút, từ sân bay Anh Sơn(Nghệ An), én bạc MiG- 21 của phi công Vũ Đình Rạng bí mật cất cánh theo phương án đã vạch sẵn. MiG-21 bay thấp theo sườn tây núi Đại Huệ, dọc đỉnh Trường Sơn theo hướng đông nam, vòng về phía tây Hà Tĩnh, trong khi 3 chiếc B.52 vẫn đang tiến vào.

Khi B52 hoạt động tại Khu 4, luôn mở từ 4 – 10 rada theo dõi máy nay của ta, khi phát hiện mục tiêu, máy bay tiêm kích yểm hộ khu vực và yểm hộ trực tiếp B52 của địch lập tức bay đánh chặn. Do đó, để giữ bí mật, phi công ta không được thông thoại với mặt đất khi chưa được phép.

Sở chỉ huy dưới mặt đất vẫn tín hiệu của cả máy ta và địch, sau khi tính toán cự ly, Đại úy dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên xin lệnh tiếp địch, được sự đồng ý, ông lệnh cho Rạng vứt thùng dầu phụ, tăng tốc. Vũ Đình Rạng phấn chấn, dõng dạc trả lời mặt đất, anh kéo cao máy bay và căng mắt nhìn xung quanh để phát hiện ánh đèn của B.52.

Khi khoảng cách giữa MiG-21 và B.52 còn 15km, được lệnh, phi công Vũ Đình Rạng mở ra đa trên máy bay và reo lên: Phát hiện B.52, cự ly 11km. Xin phép công kích.

Được lệnh công kích, con én bạc của Không quân nhân dân Việt Nam tăng tốc, tiếp cận mục tiêu. Khi cự ly rút ngắn dần, trên ra đa MiG-21 xuất hiện vùng phóng, Rạng nhẩm đếm 1…2…3…5, sau 5 giây, cự ly còn dưới 1,5km. Anh bình tĩnh bóp cò, quả tên lửa đối không K-13 rời bệ phóng, lao vút về phía tên giặc trời. Một chớp nổ lóe lên, lửa bùng bên cánh B.52 rồi tắt ngấm trên bầu trời Khu 4.

Vũ Đình Rạng điều khiển máy bay lướt trên lưng chiếc B.52 vừa bị bắn, trước mặt anh, bỗng xuất hiện 1 chiếc B.52 nữa, nhưng do cự ly gần, anh không đủ thời gian ngắm bắn. Bay vòng trở lại, anh gặp chiếc B.52 dẫn đầu, nhưng do chênh lệch khoảng cách, Rạng đón đầu, phóng quả tên lửa còn lại về phía máy bay địch, sau đó anh bay về hạ cánh an toàn, khi ấy Vũ Đình Rạng vừa tròn 26 tuổi…

Phi công Vũ Đình Rạng thời trẻ.

Kết quả trận đánh không được cả phía ta và địch thông báo, sau trận đánh, Không quân Mỹ không còn nghênh ngang như trước, B.52 phải lùi sâu vào phía nam đường 9 Nam Lào, tạo điều kiện cho đường 559 vận chuyển an toàn.

Mãi tới tận 1 năm sau, trong chiến thắng lịch sử “Hà Nội  - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, nhờ lời khai của giặc lái bị bắt, ta mới biết được chiếc B.52H bị Vũ Đình Rạng bắn hỏng 1 bên động cơ, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhon Phanom, Thái Lan, sau đó bị hư hỏng hoàn toàn. 

Tuy chưa bắn rơi tại chỗ B.52 nhưng đây được coi là trận đánh độc đáo có 1 không 2 trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trên thế giới, pháo đài bay B.52, niềm tự hào của Không quân Mỹ bị Không quân nhân dân Việt Nam hạ đo ván. Thiếu ra đa tầm xa, mang ít tên lửa, nhưng với sự khéo léo, sáng tạo của phi công Việt Nam đã khẳng định Mic- 21 có thể tiêu diệt được B.52.

Với chút tiếc nuối, tôi hỏi tại sao lúc đó ông không bắn liên tiếp 2 quả tên lửa vào mục tiêu ?.

Phi công Vũ Đình Rạng chia sẻ: Việc sử dụng MiG-21 hạ B.52 là chưa có tiền lệ, ngay cả Liên Xô sản xuất ra MiG-21 nhưng cũng chưa bao giờ không chiến với B.52.

Thêm vào đó, lý thuyết được giáo viên Liên Xô dạy trong trường chỉ bắn 1 quả tên lửa đã vô tình làm Vũ Đình Rạng “lỗi hẹn” với chiến công bắn hạ B.52 tại chỗ. Đây là kinh nghiệm quan trọng để sau đó 1 năm, Phạm Tuân bắn 2 tên lửa hạ gục B.52 vào đêm 27/12/1972.

Trong 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972, Vũ Đình Rạng đã sát cánh cùng những phi công ưu tú nhất của Không quân nhân dân Việt Nam lúc đó là Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, … chiến đấu.

Hơn 40 năm đã qua đi, phi công Vũ Đình Rạng nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá, vẫn hào sảng, sôi nổi như thời trai trẻ, ông sống vui vẻ, chan hòa với mọi người. Nhìn về quá khứ còn đôi chút tiếc nuối, song với Vũ Đình Rạng khi ông nghĩ về những đồng đội đã hy sinh, thấy mình còn sống đã là hạnh phúc, chút danh phận chỉ là thoảng qua.

Với chúng tôi, được sống trong hòa bình, hạnh phúc của ngày hôm nay, mãi không quên công ơn của ông và bao người ngày hôm qua đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Trong lòng nhân dân và đồng đội, Vũ Đình Rạng mãi là một người anh hùng.

Năm 2000, sách “Quân chủng Phòng không biên niên sự kiện 1953 – 1998” đã ghi:

“ Ngày 20 tháng 11 năm 1971

Bộ đội không quân bắn bị thương một chiếc máy bay B.52

Hai đại đội 45, 41 trung đoàn ra đa 291 – 290 đã bảo đảm dẫn đường cho chiến sĩ lái máy bay Mic-21 Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc B-52 ở phía nam Quân khu 4…”

Minh Hưng