Thứ 5, 14/11/2024, 23:37[GMT+7]

Người làm “sống” lại nghề dệt chiếu ở Đông Giang

Thứ 3, 23/01/2018 | 09:43:16
1,594 lượt xem
Trong khi một số làng nghề chiếu cói truyền thống dần mai một hoặc phải sản xuất cầm chừng thì Doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long của ông Phạm Sỹ Long, thôn Nam Tiến, xã Đông Giang (Đông Hưng) sản xuất không đủ cung ứng cho khách hàng.

May chiếu tại Doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long.

Là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cùng nghề dệt chiếu cói của xã, ông Long không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh khung dệt bị nhiều gia đình vứt bỏ, cánh đồng cói bị bỏ hoang, sản phẩm chiếu cói thủ công không thể cạnh tranh với sản phẩm làm bằng máy. Từ trăn trở đó, ông quyết tâm khôi phục, tìm đầu ra cho nghề, giúp bà con “ly nông không ly hương”. Ông Long cùng vợ - người có thâm niên hàng chục năm làm việc tại Công ty Đay Thái Bình mày mò tìm hiểu về công nghệ dệt chiếu cói hiện đại sau đó quyết định dốc toàn bộ vốn liếng, tài sản của gia đình tích góp nhiều năm và vay mượn thêm mua một loạt máy se đay, máy dệt chiếu, máy khâu viền chiếu, xây nhà xưởng, thành lập doanh nghiệp. 

Ông Long tâm sự: Tôi và vợ luôn trăn trở làm sao giữ được nghề truyền thống của xã. Nhưng muốn giữ nghề phải đổi mới từ tư duy đến công nghệ sản xuất, phải có nhiều người cùng làm. Vì vậy, tôi đã động viên những người trong làng chuyên dệt chiếu tiếp tục gắn bó với nghề dệt chiếu đồng thời hứa sẽ đứng ra thu mua tất cả sản phẩm cho họ. Nhờ đó, một số gia đình trong xã đã quay lại với nghề.

Máy móc, nhà xưởng, con người là những điều kiện để làm ra những lá chiếu vừa bền vừa đẹp nhưng muốn sản xuất có lãi phải tìm được đối tác thu mua sản phẩm lâu dài với số lượng lớn. Vậy là ông Long vai ba lô, tay ôm chiếu cói tìm đến ký túc xá các trường đại học, các doanh trại quân đội tự quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. 

Từ đơn hàng đầu tiên ông có được là 3.000 lá chiếu cung cấp cho ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay, nhờ làm ăn uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng, doanh nghiệp của ông đã có thêm nhiều khách hàng lớn, lâu năm như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, một số đơn vị của quân đội Lào, ký túc xá một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước...

Tại xưởng chính của doanh nghiệp hiện có 40 lao động đang làm việc với thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Những người lớn tuổi không biết dệt chiếu và may chiếu được bố trí cắt những phần thừa của chiếu với thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Chị Đặng Thị Lộc, thôn Nam Tiến, xã Đông Giang cho biết: Trước đây tôi làm may ở nhà, thu nhập bấp bênh, vào làm tại Doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long đã được 5 năm, công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, ngày lễ, tết doanh nghiệp đều có quà động viên mọi người. Bên cạnh đó, ông Long còn thu mua chiếu thô cho các gia đình sản xuất vệ tinh trong xã, của một số tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa chuyển về xưởng hoàn thiện rồi mới xuất bán. Mỗi năm, Doanh nghiệp xuất bán hàng chục vạn lá chiếu cói, chủ yếu là chiếu cói cá nhân, doanh thu mỗi năm đạt từ 11 - 12 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại xưởng và lao động vệ tinh. Điều này chứng tỏ chiếu cói không hẳn đã hoàn toàn lép vế trước chiếu công nghiệp.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đông Giang khẳng định: Trước đây, địa phương từng có thời gian rất dài vừa trồng cói vừa dệt chiếu. Nhưng giờ chỉ còn Doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long, không những trụ vững mà còn phát triển mạnh mẽ. Ông Phạm Sỹ Long không chỉ làm sống lại làng nghề truyền thống của xã, tạo việc làm cho hàng trăm lao động mà còn tích cực ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương với số tiền gần 30 triệu đồng.

Thu Hiền