Chủ nhật, 24/11/2024, 00:19[GMT+7]

Chuyện tình bến Lưu Gia

Thứ 2, 05/02/2018 | 09:14:07
5,256 lượt xem
Làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà có 3 thôn (Lưu Xá Bắc, Lưu Xá Nam, Lưu Xá Đông) với hơn 3.000 nhân khẩu hiện đang quần cư nhưng không một ai mang họ Lưu? Phải chăng, thăng trầm lịch sử với những biến động khôn lường mà những người mang dòng họ Lưu xưa kia ở nơi đây đã bỏ làng tha hương hay đây là sự nối tiếp chìm nổi của số phận mà họ Lưu đã hòa tan vào một dòng họ khác?

Cửa Đào Thành, dấu tích một đêm quân dân nhà Trần đào xong con sông để rước thuyền rồng vua Trần về bái yết tổ tông ở hoành cung Long Hưng.

Đất Lưu Xá (Lưu Gia, nơi sinh sống của người họ Lưu) xưa thuộc huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) là vùng đất thuộc Hương tinh cương. Nhà Trần quen nghề chài lưới từ Tức Mặc (Nam Định) trên đường mưu sinh đã chọn Lưu Gia làm chỗ đứng chân. Như có duyên nợ từ trước, họ Trần Tức Mặc chỉ một đời ở Thiên Trường rồi chuyển hẳn sang đất Canh Tân dựng nghiệp, đặt mộ tổ ở Tam Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Lưu Xá có cửa (cống) Đào Thành, dấu tích một đêm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Thái sư Trần Thủ Độ, quân dân nhà Trần đào xong con sông thành “độc đạo” để rước thuyền rồng vua Trần về bái yết tổ tông ở hoành cung Long Hưng.

Ngược dòng trần ai, trong nhân gian còn lưu truyền thiên tình sử của Thái sư Trần Thủ Độ, truyền rằng thuở nam nhi ông yêu người con gái Trần Lý tên là Trần Thị Dung. Nhưng khi Hoàng Thái tử Sảm (tức Lý Huệ Tông) chạy loạn Quách Bốc ở Thăng Long dạt về đất Lưu Gia, Hoàng Thái tử đã đem lòng yêu mến người con gái họ Trần giỏi “tầm tang, canh cửi”, đẹp người, đẹp nết. Nhà Trần ở Lưu Gia đang muốn gây thanh thế với triều Lý liền ưng thuận ngay, vậy là Trần Thủ Độ chỉ còn cách cầm lòng để người mình yêu gắn kết thân phận làm dâu họ Lý. Nhưng, với bản lĩnh phi phàm, Trần Thủ Độ biết gạt đi cảm xúc cá nhân, cùng những người con ưu tú của dòng họ Trần ở Long Hưng tích cực tham gia các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ đặc biệt là loạn Quách Bốc với mong muốn khôi phục địa vị nhà Lý. Dẹp xong loạn, nhà Trần đưa Thái tử Sảm về kinh đô, dựng ngôi Hoàng đế, xưng Lý Huệ Tông lập Trần Thị Dung làm Hoàng hậu. Năm 1224, xét công lao dẹp loạn, Trần Thủ Độ được nhà Lý phong chức Điện tiền chỉ huy sứ. Sử cũ chép: Thái tôn (Trần Cảnh) lấy được thiên hạ đều là công sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua. Trước đó, thời tiền Lê, đất Lưu Xá còn là bãi bồi pha sông bể. Ngọc phả còn lưu giữ ở đền Lưu Xá ghi: Nhà Đinh suy, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua liền chiêu tập hiền tài trong cả nước phò vua, giúp nước. Vùng Cửu Chân, châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa) có người tên Lưu Ngữ, giỏi thi thư, văn võ kiêm toàn, được tiến cử. Vua Lê cho giữ chức quan, ban cho thái ấp tại huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Một lần, Lưu Ngữ vi hành trải xem phong cảnh thôn ấp, qua vùng đất ven sông, thấy phía trước có đầm, sông uốn khúc quanh co, thế long chầu, hổ phục, bèn sai quân lính cho lập một cung đặt tên là Lưu Xá. Lưu Ngữ ở lại Lưu Xá, ngày ngày ra bến đò Lưu Gia ngắm cảnh sông nước, làm thơ. Một hôm, ông lặn lội qua mấy bãi dâu, chợt nghe tiếng sáo thiên thai mơ màng đâu đó, bắt gặp hai thôn nữ hái dâu, miệng cười như hoa nở, thắt đáy lưng ong. Ông lưu lại đất Lưu Xá và lấy vợ là hai thôn nữ hái dâu bên bến sông là Trần Thị Ngọc và Phạm Hồng Nương. Ngày dần, tháng tám năm Kỷ Sửu, bà Ngọc sinh hạ một người con trai đặt tên là Lưu Đàm, đến khắc giờ ngọ cùng ngày, bà Nương sinh hạ một người con trai đặt tên là Lưu Điều, húy là Ba. Lớn lên, hai anh em cùng cha khác mẹ họ Lưu khôi ngô, thông tuệ. Được cha Lưu Ngữ truyền dạy, Lưu Đàm giỏi văn, Lưu Điều giỏi võ. Vốn am tường kinh thư, Lưu Ngữ đoán trước được vận mệnh xã tắc tiền Lê, nhận thấy Lý Công Uẩn, một tướng tài của nhà tiền Lê ý chí khác thường, có hậu về sau nên đã gửi hai con là Lưu Đàm, Lưu Điều cho Lý Công Uẩn làm thủ túc. Bối cảnh lịch sử nhà tiền Lê khi Lưu Ngữ được tiến cử làm quan thật ngắn ngủi. Lê Hoàn lên ngôi hiệu là Lê Đại Hành chính tông được 24 năm thì băng hà. Lê Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh cướp ngôi, hại chết. Long Đĩnh lên ngôi được hai năm yểu mạng vì trụy lạc. Bên ngoài giang sơn giặc dã nổi lên, bên trong thiên hạ bất ổn, triều đình nguy khốn, quần thần nhất nhất tiến cử Lý Công Uẩn lên ngôi, trị vì đất nước, lại được hai anh em Lưu Đàm, Lưu Điều thủ túc hộ vệ, Lý Công Uẩn xưng vương, hiệu là Lý Thái Tổ, đại xá thiên hạ, phong cho Lưu Đàm làm Quang Lộc đại phu hầu cận bên cạnh, Lưu Điều được phong làm Trung úy trông coi cấm binh tuần phòng trong thành. Lưu Đàm, Lưu Điều đều giỏi thi thư, lại được thừa hưởng trí tuệ của người cha để lại nên nhận thấy kinh thành Thăng Long vốn là đất phú cường bèn dâng lời tấu lên vua Lý, hậu ý dời đô về Thăng Long. Lý Thái Tổ chấp thuận, chọn ngày lành, tháng tốt xa giá cùng Lưu Đàm, Lưu Điều thủ túc, quần thần bá quan văn võ trong triều dời đô. Theo ngọc phả và thần tích đền Lưu Xá thì hai anh em nhà họ Lưu làm quan tới đời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), tuy tuổi cao nhưng tuân lệnh vua Lý Nhân Tông đã băng hà mà dốc lòng, dốc sức phò tá Thần Tông. Bia ký “Nhị Lưu Thái phó phúc thần sự tích” ở đền Lưu Xá ghi Thái phó Lưu Khánh Đàm mất năm 1136, không lâu sau, Thái phó Lưu Khánh Ba cũng khuất bóng. Cả hai “Nhị vị Thái phó” đều mất ở vùng quê ngã ba sông thuộc làng Lưu Xá.

Năm 1285, khi hộ giá rút quân chiến lược của vua Trần ra khỏi kinh thành Thăng Long về Long Hưng, thuyền cập bến Lưu Xá, bâng khuâng cảnh quê chốn cũ, Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đã đề thơ:

“Cửu tháp, giang đình thu thủy thượng

Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền...”

Tạm dịch:

“Tháp cũ, đình xưa làn nước chiếu

Đền hoang mộ cổ dãy lân bày…”

Thiên tình sử “kết hậu” đã để cho Hoàng hậu nhà Lý quay về “bến cũ, tình xưa” cùng Quốc Thượng Phụ Trần Thủ Độ. Sau khi mất nhà Trần phong bà là “Linh từ Quốc mẫu”. Cuộc đời của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế nhà Trần làm lên những chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm và xây dựng giang sơn Đại Việt bền vững.


Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện khoa học, tổng hợp tỉnh

Mối thiên tình sử giữa Hoàng Thái tử Sảm (con trai Lý Cao Tông) với Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) bắt đầu nảy nở ở Lưu Xá (Hải Ấp) nhờ sự đón đưa, dẫn dắt của tướng triều Lý là Tô Trung Từ (cậu ruột Trần Thị Dung). Lợi dụng cơ hội này, họ Trần mượn cớ giúp nhà Lý để hợp pháp việc thả sức “chiêu tập quân hương dũng” và chắc chắn cũng dễ dàng công khai huy động đất đai, lương thảo của những làng ấp xung quanh. Thế lực họ Trần từ đấy phát triển rất mạnh, sử cũ ghi: “…làm nghề đánh cá, trở nên giàu có, được nhiều người theo do đấy có quân gia”.
Ông Trần Văn Hùng, trưởng thôn Lưu Xá Nam, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà

Theo tộc phả, đầu thế kỷ XX, cụ tôi là Trần Văn Chuyển, lý trưởng của làng Lưu Xá đã huy động dân chúng trong làng chuyển đền thờ Lưu Khánh Đàm từ làng cổ ven bãi sông (gần bến đò Lưu Gia) vào thôn Nam do dòng chảy sông Luộc thay đổi gây lở bờ sông và vỡ đê. Hiện nay đình Lưu Xá nằm trong quần thể đình, chùa Báo Quốc, đền Lưu Xá thờ “Nhị vị Thái phó” nằm cách đình, chùa Báo Quốc khoảng 200m. Khu lăng mộ Lưu Khánh Đàm, Lưu Ba nằm ngoài bãi sông mới được quy hoạch, xây quây bảo vệ. Năm 2013, UBND xã đã đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đường từ làng ra lăng mộ và bến Lưu Gia dài hơn 800m, công trình vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Ông Trần Văn Tươi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Canh Tân, thủ từ đền Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà

Làng Lưu Xá vẫn còn ghi đậm dấu ấn về cuộc đời hiển oai của “Nhị vị Thái phó” Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều. Bia ký đền Lưu Xá do Tam giáp Tiến sĩ Ngô Dương Đình (1829) soạn: “Đến đời Lý Thánh Tông, Lưu Khánh Đàm được tin dùng sung Nội thị, có lòng trung cần nên được lĩnh quân lữ, có công lớn, cuối đời Lý Nhân Tông làm đến Thái úy nhận di chiếu phò Thần Tông lên ngôi. Chức vụ Quang lộc đại phu suy thành Tá lý công thần, nhập Nội nội thị sảnh Đô đô tri tiết độ sứ đồng tam ti bình chương sự Thượng trụ quốc, Khai Quốc công, gia Thái phó... Lưu Khánh Ba quan đồng triều tước thượng phẩm có công dẹp giặc, giữ nước phong Thái phó. Cuối đời lui về Lưu Xá xây chùa tháp, được vua Lý đặt tên là Báo Quốc, xuất gia đi tu và truyền đạo Phật, khi chết được phong Phúc thần”.


Quang Viện

Lưu Đình Huân - 2 năm trước

Tôi là Lưu Đình Huân ở Yên Nghĩa - Hà Đông - Hà Nội Tôi đang muốn tìm về cuội nguồn của dòng họ Lưu Hiện nay dòng họ Lưu Đình bắt đầu lập nghiệp tại Yên Nghĩa từ năm 1796

Tải thêm