Chủ nhật, 24/11/2024, 02:38[GMT+7]

Người quyết định lao tàu lên đảo

Thứ 4, 14/03/2018 | 09:00:52
4,109 lượt xem
Mặc dù đã có hẹn trước nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ với phong cách giản dị và dễ gần của Đại tá Vũ Huy Lễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - người con của quê hương Thái Thọ (Thái Thụy). Đại tá Vũ Huy Lễ là người chỉ huy tàu HQ-505 tham gia trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988.

Đại tá Vũ Huy Lễ (người bên trái) gửi tặng kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh.

Đại tá Vũ Huy Lễ bắt tay Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và từng người trong đoàn rồi mời mọi người vào phòng khách của gia đình. Vừa pha trà anh vừa chủ động mở câu chuyện: “Dịp này mình không được khỏe, cuối năm 2015 bị cú đột quỵ nhẹ, bây giờ huyết áp không ổn định, cứ nói một tí là mặt nóng bừng, ho gằn ở họng nên các bạn hỏi ít và mình nói ngắn nhé”. Cả chủ và khách cùng cười vui. 

Đại tá Nguyễn Văn Hán tiếp lời anh Lễ và gợi chuyện: Mấy anh em báo chí quê nhà muốn anh kể cho nghe về trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988, những quyết định táo bạo và quyết đoán của người chỉ huy trong lúc tàu HQ-505 gặp nguy nan. 

Đại tá Vũ Huy Lễ gằn khẽ tiếng ho nơi cổ họng và chậm rãi vào sự kiện 30 năm trước để chúng tôi ghi lại. 

Năm 1988, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng tàu HQ-505 cùng 49 cán bộ, chiến sĩ trực chốt đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa. Sáng ngày 13/3, trong khi tàu đã gần hết nước ngọt, lương thực thực phẩm chỉ còn đủ trong ba ngày thì tàu HQ-604 cập mạn, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Trần Văn Thông và Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ-604 sang giao mật lệnh của sở chỉ huy: “Khẩn trương đưa tàu HQ-505 đến chốt giữ đảo Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn trước 18 giờ cùng ngày, đi trong đội hình có tàu HQ-604 đến chốt giữ đảo Gạc Ma. Yêu cầu hành trình phải bí mật, bất ngờ, đúng thời gian, đúng vị trí, xử lý tình huống chính xác khi địch ngăn chặn, cản đường, không để mắc mưu đối phương”. Trong hành trình về vị trí, tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 502 liên tục bám theo, tạo cớ gây hấn và phá nhiễu thông tin liên lạc. 

Lúc 18 giờ ngày 13/3, hai tàu chiến và một xà lan của Trung Quốc chạy về hướng đảo Gạc Ma nơi tàu HQ-604 của ta neo chốt cách tàu HQ-505 khoảng 3 hải lý. Vũ Huy Lễ hội ý chỉ huy tàu HQ-505 và nhận định tình hình “địch có âm mưu chiếm đảo”, cử 7 cán bộ, chiến sĩ do Đại úy Võ Tá Du, Thuyền phó Chính trị chỉ huy, hạ xuồng cứu sinh lên đảo cắm cờ Tổ quốc. Hơn 5 giờ sáng ngày 14/3/1988, từ phía đảo Gạc Ma phát hiện nhiều mục tiêu địch tiến lên đảo, Vũ Huy Lễ lập tức lên đài chỉ huy báo động chiến đấu, lệnh cho cán bộ, chiến sĩ vào vị trí và lệnh cho tàu nhổ neo khẩn cấp cơ động chiến đấu. Phía đảo Gạc Ma, nhiều xuồng và lính địch đã đổ bộ lên mép đảo, hai tàu chiến địch áp sát tàu HQ-604, nhiều tiếng nổ lóe sáng bên tàu HQ-604 của ta và chỉ ít phút sau tàu HQ-604 bị chìm. Tàu HQ-505 vừa nhổ neo cơ động chiến đấu lập tức hai tàu chiến của địch tập trung các loại hỏa lực pháo 75, pháo 85 và pháo 100 ly bắn sang, buồng báo vụ bốc cháy, máy thông tin hỏng, phòng thuyền trưởng trúng đạn phía dưới, đài chỉ huy trúng đạn, hầm dầu bốc cháy dữ dội, toàn tàu mất điện, lái không điều khiển được. Không hề nao núng, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 vừa cấp cứu đồng đội bị thương vừa dập lửa cứu tàu. Vũ Huy Lễ bình tĩnh chỉ huy tổ lái chuyển từ lái điện sang lái cơ, cùng lúc đó gió đông bắc thổi mạnh đẩy tàu HQ-505 ra xa đảo. Trong phút nguy nan nếu tàu ra xa đảo ở độ sâu trên trăm mét bị chìm, ta mất đảo, mất tàu và 50 cán bộ, chiến sĩ sẽ hy sinh. Phía tàu Trung Quốc càng bắn mạnh về phía tàu HQ-505. Bằng mọi giá phải đưa tàu lên đảo. Hầm máy bị trúng đạn, lái kẹt không điều khiển được, Vũ Huy Lễ sử dụng một máy tiến một máy lùi thay lái tàu từ từ quay mũi về hướng đảo Cô Lin, dùng hết công suất hai máy tiến tàu lao lên bãi san hô, hai phần ba tàu nằm trên bãi cạn. Vũ Huy Lễ chỉ huy cán bộ, chiến sĩ cứu chữa thương binh, tiếp tục chữa cháy tàu và chuẩn bị súng bộ binh sẵn sàng chiến đấu đánh địch đổ bộ. Ở bên đảo Gạc Ma, sau khi tàu HQ-604 bị chìm, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ người hy sinh, người trôi dạt trên biển cần cứu vớt, Vũ Huy Lễ lệnh cho các chiến sĩ tổ xuồng máy khẩn trương sang cứu vớt được hơn 40 đồng đội của mình. 

Tới 12 giờ trưa ngày 14/3/1988 tàu HQ-671 ra cập mạn, 16 giờ cùng ngày tàu HQ-931 cùng có mặt khắc phục sự cố tàu HQ-505 và làm công tác thương binh liệt sĩ. Tàu HQ-505 nằm trên bãi cạn, cờ Tổ quốc tung bay trên đảo Cô Lin, Vũ Huy Lễ cùng đồng đội đã giữ được tàu, giữ được đảo và bảo toàn lực lượng. 

Những ngày sau đó, 41 cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 theo tàu HQ-931 về đảo Sinh Tồn còn Vũ Huy Lễ xin lệnh cấp trên chọn cử 9 đồng đội ở lại tàu HQ-505 cùng anh quyết tâm giữ đảo, giữ tàu. Trong khi địch vẫn cho tàu chiến quây quanh tàu HQ-505 quấy nhiễu gây hấn, gọi loa yêu cầu Vũ Huy Lễ và đồng đội rời tàu, rời đảo nhưng bằng ý chí và lòng quả cảm, với đối sách bình tĩnh, không mắc mưu kẻ thù, Vũ Huy Lễ cùng cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 tạo thành lá chắn sống giữ đảo Cô Lin trường tồn, giữ cho cờ Tổ quốc tung bay giữa đại dương ngàn trùng. 

Dừng ngang câu chuyện anh Lễ đứng dậy đi vào gian trong rồi đem ra một túi đồ nhỏ, nói với Đại tá Nguyễn Văn Hán: Đây là kỷ vật từ trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa của tôi, xin gửi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh về hiến tặng Bảo tàng tỉnh làm kỷ niệm. Những kỷ vật Đại tá Vũ Huy Lễ gửi tặng Bảo tàng tỉnh gồm bộ quân phục, chiếc mũ anh đã sử dụng trong những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Trường Sa và trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)