Người cắm cờ và 823 ngày trong Trại Đa-vít
823 ngày ở Trại Đa-vít
Chúng tôi về thôn Nam Long, xã Tự Tân (Vũ Thư), quê hương của cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Lãi theo sự giới thiệu của cán bộ Bảo tàng tỉnh. Ông Lãi sinh năm 1952, xung phong nhập ngũ năm 1971 khi tròn 19 tuổi, đang học tại Trường Cán bộ thể dục thể thao trung ương (nay là Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh). Về Trung đoàn 568 huấn luyện được 6 tháng, ông được điều động vào B2 (chiến trường miền Đông). Năm 1973 ông được phân về đơn vị K8 thuộc Cục Chính trị miền làm công tác tuyên truyền, chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta ở Trại Đa-vít.
CCB Phạm Văn Lãi nhớ lại: Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Theo quy định của Hiệp định, đầu tháng 2/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại Trại Đa-vít trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự trung ương 4 bên có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Trong suốt 823 ngày đêm, phái đoàn của ta đã hiên ngang, kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ, ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Giữa vòng vây của kẻ thù, cuộc sống, sinh hoạt và làm việc của phái đoàn vẫn giữ nền nếp bình thường như những ngày còn ở căn cứ. Ngoài công việc chiếu phim, đơn vị của ông Lãi còn tranh thủ cải tạo đất để trồng rau, trồng hoa để điểm tô cho cuộc sống thêm lạc quan, tin tưởng ngày chiến thắng, đấu tranh chính trị kết hợp với làm công tác địch vận.
Ông Lãi tâm sự: Điều kiện làm việc, sinh hoạt trong khoảng không gian chật hẹp, thiếu thốn đủ thứ, xung quanh là họng súng của kẻ thù, trên đầu máy bay quần thảo ngày đêm nhưng cũng không thể làm những người lính Cụ Hồ hoang mang, chịu khuất phục. Trại Đa-vít đã trở thành lãnh thổ bất khả xâm phạm của cách mạng Việt Nam ngay giữa lòng Sài Gòn. Không những thế, việc một bộ phận của ta đứng chân được ở đây và mở ra đường dây liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc mà không thông qua một thủ tục mang tính địa lý quốc gia nào đã buộc địch thừa nhận về pháp lý và thực tế rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Những ngày đầu xuân năm 1975, toàn đơn vị được phổ biến phải khẩn trương chuẩn bị chiến đấu. Từ ngoài nhìn vào, Trại Đa-vít vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt bình thường, những buổi tập thể dục, vui chơi thể thao vẫn rất đúng giờ. Nhưng bên trong, cả đơn vị tranh thủ đào đắp công sự ngay tại phòng ở. Xẻng, cuốc không có, chúng tôi phải dùng những mảnh thép, thanh sắt đập dẹt để đào hầm hào kết nối liên hoàn...
Một kỷ niệm hằn sâu trong tâm trí CCB Phạm Văn Lãi suốt 43 năm qua chính là tối ngày 26/4/1975 anh em đã chiếu liền 5 tập phim “Giải phóng châu Âu” của điện ảnh Liên Xô. Hình ảnh những chiếc xe tăng Hồng quân ào ạt tiến vào Berlin và lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức không chỉ tiếp thêm tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ta ở Trại Đa-vít mà ai cũng tin rằng sẽ có một ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc lập.
“Ngờ đâu, ngày non sông thu về một mối đang đến rất gần. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần, sẵn sàng chiến đấu, dù phải hy sinh tính mạng của mình...” - ông Lãi bồi hồi kể lại.
Lá cờ đầu tiên tung bay trên bầu trời Sài Gòn - Gia Định
Chuyện ông Lãi cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước trong Trại Đa-vít cũng thật tình cờ. Ông Lãi nói với chúng tôi rằng, đó là cái duyên. Cái duyên của những người Thái Bình vinh dự được cắm cờ trong những giờ khắc lịch sử của đất nước.
Nhớ lại những ngày diễn ra chiến dịch, ông Lãi kể tiếp: Đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29/4, pháo của ta nã vào sân bay Tân Sơn Nhất không ngớt, đạn pháo rơi cả vào bãi chiếu phim, đường băng bị phá nát, biến thành những hố sâu khiến máy bay địch không thể cất, hạ cánh. Sáng ngày 30/4, Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi tôi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ giải phóng to nhất để cắm lên tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất bởi đây là điểm cao nhất, xa vài cây số vẫn có thể nhìn thấy. Khi có cờ rồi tôi mới sực nhớ ra là không có cán. Loay hoay một hồi, tôi tìm thấy thanh ống nước phù hợp làm cán cờ. Tôi nhanh chân leo lên trước, đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, vệ binh phụ giúp tôi. Đúng 9 giờ 30 phút, lá cờ giải phóng tung bay trên điểm cao Trại Đa-vít.
Sau 2 năm 3 tháng 13 ngày hoạt động ở Trại Đa-vít cuối cùng lá cờ cách mạng cũng được tung bay trong gió. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, niềm tin và ý chí của người lính Cụ Hồ như được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua sự nguy hiểm của đạn pháo với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đứng trên điểm cao ấy, nhìn bao quát toàn thành phố mới thấy hết tinh thần chiến đấu như vũ bão của 5 cánh quân quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn. Phạm Văn Lãi rơi nước mắt khi cảm xúc dâng trào. Trong giờ phút lịch sử ấy, một nhà báo của ta đã nhanh tay chụp được tấm ảnh lịch sử khi lá cờ cách mạng do ông và đồng đội vừa treo lên trước giờ toàn thắng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các đoàn đại biểu quân sự của ta hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trong đoàn được giao nhiệm vụ mới. Ông Lãi về công tác tại Ủy ban Quân quản. Tháng 8/1975, ông vinh dự được kết nạp Đảng tại dinh Độc lập. Đến năm 1977, ông chuyển ngành về công tác tại Văn phòng Chính phủ cho đến ngày nghỉ hưu. Những năm tháng trở về Thủ đô làm nhiệm vụ mới, ông có dịp được phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải... Với ông, kỷ niệm về đời quân ngũ, nhất là những ngày tháng hoạt động trong Trại Đa-vít và sống trong những ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 là những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời.
CCB Phạm Văn Lãi nhắc lại lời của Đại tướng Văn Tiến Dũng khi nói về Trại Đa-vít: “Trong thế trận chung to lớn mà ta đã hình thành bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí của ta ở Tân Sơn Nhất cũng có thế riêng của mình, thế đứng công khai, hiên ngang giữa lòng địch. Thế đứng không những tiêu biểu cho cách mạng, cho đại nghĩa về mặt chính trị mà còn giúp cho Đảng hiểu được thêm lòng dân đối với sự nghiệp giải phóng và hiểu kẻ thù trước những ngày chúng giãy chết”.
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024